Mặt Trời đã bắt đầu chu kỳ hoạt động mới với tên gọi Chu kỳ Mặt trời 25 (hay Solar cycle 25), có thời gian trung bình khoảng 11 năm, kéo dài từ giai đoạn tiểu cực này đến giai đoạn tiểu cực tiếp theo. Trong chu kỳ này, nó sẽ đạt “cực đại” vào tháng 7/2025. Mặt trời khi đó có thể xảy ra hiện tượng chói sáng và xuất hiện các cơn bão Mặt trời.
Theo trang Business Insider, càng gần tới đỉnh điểm chu kỳ hoạt động của Mặt trời, càng có nhiều cơn bão bức xạ ập đến Trái đất. Dưới đây là một số điều kỳ lạ mà theo các nhà khoa học có thể, hoặc chắc chắn do bão Mặt trời gây ra cho hành tinh của chúng ta.
Cản trở tín hiệu SOS từ tàu Titanic
Hình ảnh tàu chìm tàu Titanic vào năm 1912 - Nguồn ảnh: IMPM
Một văn bản về vụ chìm tàu RMS Titanic năm 1912 cho thấy, trong khi các hành khách đang cố gắng chạy khỏi con tàu khổng lồ để tìm thuyền cứu sinh thì trên bầu trời xuất hiện cực quang. Những ánh sáng đầy màu sắc đó có thể là dấu hiệu cho thấy một cơn bão Mặt trời đang hoạt động.
Theo bà Mila Zinkova, nhà nghiên cứu thời tiết độc lập tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) sự tàn phá của một cơn bão Mặt trời không thể khiến tàu Titanic gặp nạn, nhưng những năng lượng Mặt trời từ cơn bão phát ra có thể đã cản trở nỗ lực cứu hộ bằng cách tác động vào khả năng liên lạc vô tuyến sau vụ đắm tàu.
Điều đó có thể giải thích lý do vì sao tàu La Provence gần đó đã không nhận được tín hiệu SOS của Titanic vào thời điểm con tàu đã phát hiệu cầu cứu.
Bão Mặt trời “làm nổ thủy lôi trong chiến tranh Việt Nam”
Năm 1972, các phi công quân sự Mỹ trong một lần bay về phía nam cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam đã chứng kiến cảnh tượng hai chục thủy lôi nổ dưới nước không rõ nguyên nhân.
Trong suốt hơn 45 năm, sự kiện này vẫn là một bí ẩn cho đến năm 2018, các nhà khoa học từ Đại học Colorado Boulder đã cho biết, vào thời điểm đó đang có một cơn bão Mặt trời lớn hướng về phía Trái đất.
Những quả thủy lôi dùng để thu nhận từ trường do các con tàu đi qua tạo ra và có khả năng nó bị nhầm lẫn do sự gia tăng năng lượng từ trường đến từ Mặt trời.
New York mất 150 MW điện
Bão Mặt trời gây mất 150MW điện mà không rõ nguyên nhân - Nguồn ảnh: NASA
Vào năm 1989, New York bất ngờ bị mất 150 MW điện mà không rõ nguyên do. Lượng điện này có thể dùng cho khoảng 24.000 ngôi nhà ở Mỹ.
Ngoài ra, tín hiệu từ Đài Châu Âu tự do hướng vào Nga cũng bị nhiễu.
Vào thời điểm, nhiều người cho rằng chính Điện Kremlin đã gây ra vụ việc. Tuy nhiên, NASA sau đó đã xác định bão Mặt trời chính là “thủ phạm” đã gây nhiễu tín hiệu.
SpaceX mất 40 vệ tinh
Vào tháng 2/2022, SpaceX thông báo trong số 49 vệ tinh Starlink được phóng lên quỹ đạo đã có 40 vệ tinh bị chệch khỏi quỹ đạo ngay sau khi được phóng. Chính cơn bão Mặt trời đã kéo 40 vệ tinh ngược trở lại và bốc cháy khi rơi xuống Trái đất.
Hỏng máy tạo nhịp tim
Trong lúc di chuyển trên máy bay đến thủ đô Amsterdam (Hà Lan), bà Marie Moe, một nhà nghiên cứu an ninh mạng đã cảm thấy máy điều hòa nhịp tim của mình bị trục trặc.
Ngay khi máy bay hạ cánh, máy tạo nhịp tim đã được kiểm tra. Người ta phát hiện dữ liệu của nó bị hỏng một cách kỳ lạ. Bà Moe tin rằng, các tia lửa Mặt trời đã khiến thiết bị của bà gặp vấn đề.
Bão Mặt trời 'bỏ thêm' 4.096 phiếu bầu trong cuộc bầu cử ở Bỉ
Máy bỏ phiếu sử dụng bit dễ bị ảnh hưởng bởi Mặt trời - Nguồn ảnh: REUTERS
Vào năm 2003, tỷ lệ cược của một ứng cử viên chính trị đã tăng đáng kể khi họ tập hợp 4.096 phiếu bầu bổ sung ở quận Schaerbeek , Brussels. Đáng nói, số phiếu này lại nhiều hơn số cử tri. Sau đó, người ta phát hiện máy bỏ phiếu đã bị hỏng.
Giả thuyết cho rằng, cơn bão bức xạ từ Mặt trời đã làm hỏng máy bỏ phiếu.
Theo hãng tin Reuters, máy bỏ phiếu là máy tính sử dụng bit và điều đó khiến chúng dễ bị ảnh hưởng từ sự can thiệp của Mặt trời trong một số trường hợp rất hiếm.
Thị trường tài chính Toronto ngừng giao dịch
Tháng 8/1989, thị trường tài chính chính Toronto đã phải tạm ngừng giao dịch 3 giờ khi một cơn bão Mặt trời ập đến khiến ổ cứng của các thiết bị giao dịch “bị lỗi”.
Các nhà khoa học Canada đã cảnh báo, máy tính cá nhân có thể gặp trục trặc trong giai đoạn thời tiết không gian khắc nghiệt này.