Một chiếc máy bay phản lực với hàng chục hộp muối gắn trên cánh đang quét bản đồ thời tiết để tìm các đám mây đang hình thành. Các phi công sẽ luân phiên nhau ở chế độ chờ, sẵn sàng bay lên bầu trời ngay khi các nhà khí tượng học phát hiện ra sự hình thành của những đám mây đầy hứa hẹn, tập trung tại khu vực miền núi của đất nước, vì những đám mây như vậy không xuất hiện nhiều ở Trung Đông như những nơi khác trên thế giới.
Mưa nhân tạo được tạo ra bằng phương pháp gieo mây qua việc đưa các tinh thể muối vào những đám mây để kích hoạt tạo mưa. Lượng mưa ở UAE vốn chỉ ở mức trung bình chưa đến 100 mm mỗi năm, việc tạo mưa bằng phương pháp này giúp tăng tỷ lệ mưa đáng kể.
Ông Abdulla Al Hammadi - Trưởng bộ phận tăng cường mưa, UAE cho biết: 'Phương pháp gieo mây giúp tăng tỷ lệ mưa khoảng 10 đến 30% mỗi năm, từ đó giúp tăng trữ lượng nước trên cả nước'.
UAE là quốc gia đi đầu trong việc gieo mưa nhân tạo. Ngay từ những năm 1990, lãnh đạo nước này đã nhận ra rằng việc duy trì nguồn cung cấp nước dồi dào cũng quan trọng như trữ lượng dầu và khí đốt. Năm 1960, khi dân số UAE chỉ dưới 100.000 người, nước vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đến năm 2020, dân số đã tăng lên gần 10 triệu người khiến nhu cầu sử dụng nước cũng tăng theo. Và phương pháp gây mưa nhân tạo cho thấy nhiều ưu điểm.
Theo ông Edward Graham - Nhà khí tượng học: 'Xét về tác động đối với môi trường, việc gieo mây ngày nay ít nhất là ở UAE chỉ sử dụng muối nên không gây tác hại với môi trường. Còn xét đến lượng khí thải carbon, những chiếc máy bay được sử dụng là loại nhỏ, nên không thải ra nhiều khí thải'.
Không chỉ UAE đầu tư hàng trăm triệu USD vào chương trình gây mưa nhân tạo, mà Maroc, Ethiopia và Iran cũng đã có các chương trình gieo mây. Saudi Arabia cũng đã có chương trình này với quy mô lớn, trong khi 6 quốc gia khác ở Trung Đông và Bắc Phi đang xem xét áp dụng biện pháp này. Với 12 trong số 19 quốc gia tại khu vực có lượng mưa trung bình dưới 254 mm/năm - giảm 20% trong 30 năm qua - gieo mây, tạo mưa nhân tạo được một số chính phủ coi là cách nhanh chóng để giải quyết vấn đề.
Mưa nhân tạo làm thay đổi hình thái thời tiết thế nào?
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã bắt đầu quá trình hô mưa nhân tạo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Theo trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia nước này, công nghệ tạo mưa nhân tạo đã giúp lượng mưa tại đây tăng khoảng 25%. Mưa trên sa mạc một thời được người dân nơi đây gọi là món quà của thượng đế, nhưng nay, mỗi năm ít cũng phải có 5-6 trận mưa.
Quy hoạch đô thị tại nhiều nước Vùng Vịnh ngày trước có một đặc điểm khá thú vị, đó là đường xá hầu như không bao giờ có hệ thống cống thoát nước vì mấy khi có mưa, nhưng khi các đô thị mới được xây dựng tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất thì nay đã được thiết kế hệ thống cống thoát nước đầy đủ, trong bối cảnh mưa ngày càng nhiều hơn.
Hô mưa nhân tạo thời gian gần đây lại càng khiến giới chức mảnh đất sa mạc này hào hứng, bởi các nghiên cứu cho thấy các đám mây phù hợp để tạo mưa nhân tạo thường là các đám mây có hình dạng cao, xếp chồng lên nhau. Và những đám mây như vậy là thường xuất hiện nhất vào mùa hè tại đây, chính là thời điểm cái nắng sa mạc bỏng rát, nhiệt độ lên tới 50, thậm chí hơn 50 độ C. Sau mỗi trận mưa, thời tiết bỗng thật dễ chịu.
Những khó khăn của giải pháp gây mưa nhân tạo?
Các nhà khoa học cho biết, hiện nay họ vẫn không thể làm chủ được sự hoạt động của các đám mây, tức là việc tích tụ mây để làm mưa không phải lúc nào cũng thành công. Ngược lại, đôi khi việc tạo mưa lại không chỉ giải hạn, mà tạo nên các trận mưa như trút, gây ngập lụt với hậu quả không mong muốn. Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, các máy bay mang hóa chất tạo mưa luôn được ứng trực 24/24, bất cứ khi nào phát hiện thấy các đám mây có tiềm năng tạo mưa nhân tạo, hệ thống máy bay này sẽ được huy động ngay lập tức.
Ngoài ra cũng còn cả một hệ thống máy phun các hóa chất lên trời từ mặt đất được đặt ở các đỉnh núi. Chiến lược của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhìn chung là tạo mưa bất cứ khi nào có thể, bởi về chi phí, mưa nhân tạo dù cũng tốn kém, nhưng vẫn là rẻ hơn nhiều nguồn nước chính mà nước này đang phải sử dụng là lọc từ nước biển.
Khi biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết trong khu vực Trung Đông trở nên khắc nghiệt hơn, mưa nhân tạo đang là một phương pháp giúp giải nhiệt nhanh chóng. Và thực tế là ngoài UAE, thì Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc đều chủ động tìm đến giải pháp này để xoay chuyển thời tiết trong bối cảnh hạn hán ngày càng phổ biến gây tổn thất kinh tế.
Còn về các quan điểm lo ngại về tác dụng phụ của phương pháp này có lẽ sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn khi nó được áp dụng rộng rãi, tránh trường hợp lạm dụng và gây ra những thiệt hại không đáng có với thời tiết hay môi trường.