Cục Hàng không Việt Nam mới đây có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về việc rà soát tiết giảm chi phí, đề xuất các giải pháp về giảm chi phí cho ngành hàng không, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, Cục Hàng không đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
Giá trần vé máy bay hiện nay được áp dụng từ năm 2015. Tháng 9-2015, khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm (còn khoảng 84,7 USD/thùng, tính cả thuế là 90,63 USD/thùng - PV), Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.
Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 1-7-2022, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á đã lên tới 153,59 USD/thùng và dự báo giá bình quân năm nay đạt mức 143,4 USD/thùng.
Đây là lần thứ ba trong 3 tháng qua Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đề xuất này nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn sau khi nhận được báo cáo của các đơn vị cung cấp xăng dầu và các hãng hàng không về sức ép chi phí giá nhiên liệu tăng cao.
Trước diễn biến của giá dầu, Cục Hàng không giả định rằng tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và yếu tố chi phí khác không biến động, thì chi phí nhiên liệu tháng 7-2022 của các hãng tăng 92,91% so với tháng 12-2014 và tăng 114,93% so với tháng 9-2015. Theo đó, tác động của giá nhiên liệu không ngừng tăng cao làm tổng chi phí tăng lần lượt 39,61% và 46,5% so với hai giai đoạn kể trên.
'Với mức giá dầu Jet A1 và trần giá vé như hiện nay, không hãng hàng không nào cân đối được chi phí, kể cả các hãng hoạt động theo mô hình chi phí thấp'- Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cũng cho biết chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không hiện chiếm 40-50% trong tổng chi phí chung, nên dù có tăng trưởng doanh thu nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí. Thời gian qua, ước tính các hãng bay Việt vẫn lỗ gần 100 tỉ đồng/tháng.
Với đặc thù của ngành hàng không là thực hiện cơ chế giá vé linh hoạt, với nhiều dải giá từ mức thấp đến cao tùy thuộc điều kiện vé, thời điểm xuất vé và điều kiện thị trường, Cục Hàng không cho rằng đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa là phù hợp.
Theo ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, năm 2021, giá dầu Jet A1 bình quân 72 USD/thùng, năm 2022 các hãng bay đều xây dựng kịch bản mức giá bình quân là 110 USD/thùng, nhưng đến nay lên tới 162 USD/thùng, cao gấp 2 lần so với 2021.
Với giá nhiên liệu liên tục lập đỉnh, ông Hiền thông tin thêm, một số hãng hàng không châu Phi đã dừng bay, hay như hãng Qantas (Úc) đã giảm nhiều chuyến bay nội địa từ nay đến 2023.
'Trong trường hợp mức giá nhiên liệu tăng cao và duy trì thời gian dài thì không có hãng bay nào kinh doanh có lãi. Sản lượng hành khách tăng đã kéo doanh thu nhưng chi phí đi theo tăng đột biến là cơ cấu chi phí bất hợp lý nên lỗ không giảm được nhiều. Nếu giá nhiên liệu như kịch bản Vietnam Airlines đã xây dựng cho năm 2022 là 110 USD/thùng thì con số lỗ của hãng rất khả quan và giảm bớt rất nhiều thiệt hại'- ông Hiền nói.
Còn với hãng hàng không giá rẻ Vietjet, đại diện hãng cho biết năm 2022, Vietjet xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở giá nhiên liệu bay ở mức 80 USD/thùng. Với giá Jet A1 hiện nay, hãng sẽ gánh thêm chi phí 6.500 - 7.500 tỉ đồng.
Về vấn đề này, đại diện Bamboo Airways cho rằng một ngành dịch vụ cao cấp như hàng không không nên bị khống chế bởi giá trần. Thay vào đó, việc điều hành giá nên tuân theo cơ chế thị trường để các hãng có thêm lựa chọn trong hoạt động kinh doanh.
Về lo lắng mặt bằng giá vé máy bay sẽ tăng sau khi 'nới trần', Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng: 'Nới giá trần vé máy bay phản ánh thị trường vận tải hàng không nội địa cạnh tranh và giá vé điều tiết bằng chính các hãng khai thác. Nới khung giá này giúp hãng có phụ thu ở khách có khả năng chi trả và cơ hội hãng hàng không nới biên độ dao động giá trên cơ sở đó có nhiều cơ hội khai thác, tác động phân khúc thị phần khách'.
Có được phụ thu nhiên liệu?
Bên cạnh đề xuất nới giá trần, nhiều hãng hàng không đề nghị cho phép hãng được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên. Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA), cho biết giá xăng chiếm tới 30-40% tổng chi phí của các hãng hàng không. Tại thị trường quốc tế, các hãng bay được phép tăng phụ thu minh bạch khi giá nhiên liệu gia tăng bất thường cao trên 20% thì giá phụ thu nhiên liệu điều chỉnh tăng tương ứng.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Luật Giá, có 3 hình thức định giá đối với hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, bao gồm: Mức giá cụ thể; khung giá; mức giá tối đa, mức giá tối thiểu. Bên cạnh đó, Luật Hàng không dân dụng cũng quy định, giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá (tức là có mức giá tối đa và mức giá tối thiểu).
Như vậy, hiện không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc quy định mức phụ thu nhiên liệu trượt theo biến động giá nhiên liệu. Do vậy, chỉ có thể xem xét điều chỉnh mức tối đa quy định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa