Nguồn tin và tài liệu nội bộ của Google cho thấy, hãng đang thử nghiệm các sản phẩm chat trên nền trí tuệ nhân tạo (AI), có thể ra mắt công chúng trong tương lai. Chúng bao gồm một chatbot mới và khả năng tích hợp trong công cụ tìm kiếm.
Theo CNBC, dự án nằm trong bộ phận đám mây “Atlas”, là “báo động đỏ” (red code) nhằm đối phó với ChatGPT. ChatGPT là chatbot khuấy đảo thế giới công nghệ từ cuối năm 2022.
Ngoài ra, Google cũng thử nghiệm chatbot mang tên “Apprentice Bard”, trong đó nhân viên sẽ đặt câu hỏi và nhận câu trả lời chi tiết tương tự ChatGPT. Một bộ phận sản phẩm khác lại đang thử nghiệm thiết kế tìm kiếm trên máy tính, có thể dùng dưới hình thức hỏi-đáp.
CNBC cho biết, các trưởng nhóm yêu cầu nhiều nhân viên đưa ra phản hồi hơn trong vài tuần qua.
Google 'báo động đỏ' nhân viên trước sự phổ biến của ChatGPT. (Ảnh: Bloomberg)
Những bài thử nghiệm xuất hiện sau cuộc họp trực tiếp gần đây, nơi nhân viên nêu quan ngại về năng lực cạnh tranh của Google trong AI xét tới sự phổ biến bất ngờ của ChatGPT. Đây là một chatbot của OpenAI, startup có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) và được Microsoft hậu thuẫn.
Thời điểm đó, Giám đốc AI của Google – Jeff Dean – cho rằng sẽ gặp “rủi ro danh tiếng” nếu cung cấp thông tin sai và vì thế, tiếp cận theo hướng “bảo thủ hơn so với một startup nhỏ”. Tuy nhiên, ông và CEO Sundar Pichai úp mở Google có thể ra mắt sản phẩm tương tự trong năm nay. Bộ phận kinh doanh chính của Google vẫn là tìm kiếm web. Công ty cũng tự nhận tiên phong trong lĩnh vực AI.
Apprentice Bard
Chatbot Apprentice Bard sử dụng công nghệ hội thoại LaMDA (Language Model for Dialogue Applications) của Google. Một biên bản nội bộ của Google mà CNBC có được nhắc đến việc do ChatGPT được ưa chuộng, đội ngũ LaMDA phải ưu tiên ứng phó với ChatGPT. “Trong ngắn hạn, nó được ưu tiên hơn các dự án khác”, email tiếp tục. Một số nhân viên được yêu cầu dừng tham gia những cuộc họp không liên quan.
Apprentice Bard khá giống ChatGPT: Nhân viên nhập câu hỏi trong hộp thoại và nhận câu trả lời bằng văn bản, sau đó sẽ đưa ra phản hồi về câu trả lời này. Dựa trên các phản hồi, dường như Apprentice Bard có thể bao gồm các sự kiện mới diễn ra – tính năng mà ChatGPT chưa có.
Apprentice Bard thay thế chatbot Meena trước đây. Nhân viên Google nhận thấy các câu trả lời của Apprentice Bard ngày một thông minh hơn. Chẳng hạn, một người hỏi chatbot liệu Google có tiếp tục sa thải hay không. Đầu tháng này, công ty đã đuổi việc 12.000 nhân sự.
Chatbot đáp: “Theo cơ sở dữ liệu tôi được tiếp cận, Google gần như không tiến hành một đợt sa thải khác trong năm 2023. Sa thải thường để giảm chi phí và cơ cấu doanh nghiệp nhưng công ty đang có tài chính tốt. Thực tế, doanh thu Google tăng 34% trong năm 2021 và cổ phiếu đã tăng 70% kể từ tháng 1/2022”.
Bên cạnh đó, trang web tìm kiếm mà Google đang thử nghiệm có thiết kế theo dạng hỏi – đáp. Chẳng hạn, một thiết kế cung cấp 5 tùy chọn câu hỏi khác nhau ngay bên dưới thanh tìm kiếm chính, thay thế thanh “I’m feeling lucky” hiện nay. Nó cũng hiển thị một logo chat nhỏ ở bên phải thanh tìm kiếm.
Khi nhập câu hỏi, kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra một bong bóng màu xám, nhìn như hội thoại giữa hai người. Nó cũng gợi ý vài câu hỏi tiếp theo. Bên dưới vẫn là các kết quả tìm kiếm thông thường.
Không rõ Google dự định tích hợp thử nghiệm nào vào các sản phẩm tương lai. Người phát ngôn Google chia sẻ, công ty cần cân nhắc tác động xã hội rộng lớn của AI đến cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng theo nguyên tắc AI của mình. Google sẽ tiếp tục thử nghiệm AI nội bộ cho đến khi đảm bảo nó hữu ích và an toàn.
Trong các tài liệu khác, Google so sánh phản hồi giữa ChatGPT và chatbot LaMDA. Một tài liệu nhấn mạnh: “Thật bất ngờ, ChatGPT được tuyển dụng ở vị trí kỹ sư bậc 3 khi phỏng vấn lập trình viên”. Tuy nhiên, khi hỏi cả hai chatbot liệu ChatGPT hay Alphacode (một công cụ lập trình của DeepMind thuộc Alphabet) có thay thế lập trình viên không, chúng đều nói không.
Chatbot sẽ giúp “lập trình viên làm việc hiệu quả hơn” nhưng “không thể thay thế tính sáng tạo và nghệ sỹ cần thiết cho một chương trình tốt”, LaMDA đáp. Còn ChatGPT trả lời chúng không “có khả năng thay thế hoàn toàn sức sáng tạo và chuyên môn của lập trình viên con người. Lập trình là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc khoa học máy tính và năng lực thích ứng với các công nghệ mới”.