Đại học VinUni đang nghiên cứu ChatGPT và dự kiến đưa vào giảng dạy môn AI trong học kỳ tới.
Bình tĩnh đón nhận, phát huy
Ghi nhận từ phía học sinh, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, các em đón nhận ChatGPT rất hào hứng bởi nhờ đó giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên hạn chế là nếu quá phụ thuộc vào chương trình trí tuệ nhân tạo, học sinh sẽ mất đi tính chủ động phát hiện những vấn đề mới. Ngoài ra, nếu chìm đắm với công nghệ sẽ hạn chế việc tiếp xúc, giao lưu, rèn luyện kỹ năng khác, làm ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của học sinh.
Đối với giáo viên, ông Quốc cho rằng cần phải biết cân đối, tận dụng thế mạnh của công nghệ giúp phát triển cá nhân. Việc đổi mới kiểm tra đánh giá cũng cần đặt ra để phù hợp với việc tận dụng trí tuệ nhân tạo vào học tập.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, sinh viên của trường hiện vẫn đang sử dụng ChatGPT và trước đó là nhiều ứng dụng công nghệ khác. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có chính sách nhất quán, đó là quy định được sử dụng trong học tập và đánh giá, kiểm tra thì chấp nhận ở mức độ nào.
Ông Tuấn cho biết khi đặt câu hỏi cho ChatGPT, câu trả lời của ứng dụng được chấm điểm 9 nếu là sinh viên đang ở phần học ĐH. Tuy nhiên nếu từ góc độ chuyên sâu hơn thì ChatGPT chưa làm được. “Tôi không tin ở thời điểm hiện tại ChatGPT có thể viết luận văn, luận án hay cao hơn là các công trình nghiên cứu” – GS Tuấn nhận định và cho rằng người thầy không nên quá lo lắng, hoang mang với công nghệ ChatGPT mà cần nhìn nhận đây như một thách thức gia tăng thêm áp lực cần thiết phải thay đổi về phương pháp dạy học trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, từ góc độ giảng viên, ChatGPT tạo ra yêu cầu thay đổi một cách đồng bộ hơn nữa bởi nếu bám theo cách giáo dục cũ với các kiến thức nhỏ lẻ sẽ không còn phù hợp. Thay vì dạy dỗ, ngày nay thầy cô phải làm vai trò dẫn dắt, định hướng học sinh.
Còn PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, với kho dữ liệu khổng lồ, ChatGPT sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho giáo viên và học sinh. Dẫu vậy, phải học cách sử dụng công cụ này thật khôn ngoan bằng cách nhận thức rõ những nguy cơ mà ChatGPT có thể ảnh hưởng đến người học. Bao gồm thông tin có thể sai lệch, có thể gây hại được cảnh báo ngay trên màn hình chính của ChatGPT. Cảnh báo về việc dữ liệu được chia sẻ có thể được lấy để huấn luyện, thu thập và chia sẻ cho bên thứ 3. Hạn chế về tính cập nhật của thông tin...
“Cần phải học và rèn luyện để mỗi chúng ta trở thành những người có năng lực tư duy và phản biện, thậm chí phê phán cả trí tuệ nhân tạo nữa” - ông Nam nêu quan điểm và cho rằng tích hợp công nghệ vào dạy học là đòi hỏi tất yếu. Sẽ có những lo lắng, nghi ngại lúc ban đầu nên cần có những người tiên phong truyền cảm hứng.
PGS. TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, dân công nghệ và người làm khoa học đón nhận sản phẩm ChatGPT rất bình tĩnh. Công nghệ và khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển dài, có những công nghệ mới và đến một thời điểm nào đó đủ chín thì sẽ cho ra đời các sản phẩm. Theo ông Tùng, sản phẩm ChatGPT có cái hay là đến thẳng với đại chúng và chính vì vậy mọi người khá bất ngờ vì thấy ChatGPT kỳ diệu đến như vậy. Nhưng với những người làm khoa học, những người trong nghề cảm thấy bình thường. Đây đơn giản là một mô hình thuật toán mà chưa có suy luận, sáng tạo như một con người. Cần coi đây là một công cụ chứ không đe dọa như mọi người vẫn nghĩ.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đặt câu hỏi về cách sử dụng ChatGPT.
Thầy trò cùng thích ứng
PGS. TS Trần Thành Nam coi ChatGPT như một cơ hội. Phần mềm ứng dụng này cũng là cơ hội giải phóng giáo viên khi phải thực hiện những công việc lặp lại, tập trung thay đổi dạy học từ nội dung sang năng lực. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục chuyển đổi số. Theo ông Nam, đây cũng là cơ hội để học sinh thúc đẩy việc học theo hướng cá nhân hóa. Việc khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách khôn ngoan cũng như hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số là cách để giáo viên, học sinh, sinh viên phát triển bản thân, phục vụ việc học và phát triển nghề nghiệp.
Ông Nam đã “thử” ra đề bài cho ChatGPT về yêu cầu nào cho một môn học được sử dụng ChatGPT và nhận được một số gợi ý. Đó là trao đổi thẳng thắn về vấn đề liêm chính học thuật. Được sử dụng phần mềm hỗ trợ với văn bản gốc phải đưa vào phụ lục. Các bài tập dự án, bài tập bằng video, hoặc phản ánh quá trình nhận thức của mình thay đổi như thế nào sau khi học tập... “Kiểm tra đánh giá tùy vào mục tiêu chúng ta đưa ra đề bài thế nào” - ông Nam nhấn mạnh.
Đánh giá về tác động của ChatGPT, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cho rằng, ChatGPT là một ước mơ về công nghệ thông tin, là bước tiến, thể hiện qua số lượng người dùng tăng đột biến trong thời gian ngắn. Với dữ liệu khổng lồ thì ChatGPT là người trợ lý rất đắc lực cho học sinh cũng như giáo viên.
Từ góc độ quản lý giáo dục, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, đối với ChatGPT nói riêng hay trí tuệ nhân tạo nói chung, các cơ quan quản lý sẽ phải xem xét kỹ, cần tiếp tục bàn trong thời gian tới. Hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng chúng ta cần hạn chế hay hạn chế đến đâu. Nguyên tắc là cần phải phát huy trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo. Sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp. Một người thầy chỉ có thể hỗ trợ tối đa việc học tập của vài chục học sinh, còn công cụ này có thể học hỏi và hỗ trợ cho mọi học sinh, mọi nơi, mọi lúc nếu chúng ta sử dụng đúng đắn. Trong đó, việc đầu tiên vẫn là học sinh biết cách học. Mặc dù ChatGPT là công cụ rất tốt để các em đặt câu hỏi. Nhưng trước hết các em phải biết đặt câu hỏi. Không thể để một em học sinh chưa biết gì hỏi với mục đích tự học được. Cần có kiến thức nền tảng mới học hỏi được.
Vì vậy, giáo viên với vai trò dẫn dắt, định hướng phải dạy học sinh rèn luyện năng lực, phẩm chất thay vì chỉ cung cấp kiến thức. Đó là lý do ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát triển và thay đổi để thích ứng với công nghệ mới, ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo.
(Còn nữa)