Tháng 2 năm nay, thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 105.200 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022. Dù lũy kế 2 tháng đầu năm, thu ngân sách vẫn tăng, nhưng việc nguồn thu sụt giảm đáng kể của tháng 2 cũng đặt ra nhiều bài toán cho ngành thuế trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách cho đến cuối năm.
Tại Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời.
Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế liên tục triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế, đảm bảo thu ngân sách hiệu quả, bền vững. Một trong những giải pháp đó là áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào công tác quản lý thuế.
Chi cục Thuế khu vực Ninh Bình - Hoa Lư áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Trường hợp này có giá trị bán ra trên tờ khai kê khai là trên 20.634.000.000 đồng, tuy nhiên trên hóa đơn bán ra lại là trên 22 tỷ đồng, như vậy có chênh lệch giữa mua vào, bán ra là 1.671.000.000 đồng", ông Nguyễn Quốc Hà, Trưởng phòng công nghệ thông tin, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ, cho biết.
Hóa đơn kê khai, mua vào, bán ra số lượng không trùng nhau. Cùng một loại hàng hóa nhưng giá cả mua bán có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp, hay có doanh nghiệp chỉ bán mà không mua, hoặc chỉ mua mà không bán. Hóa đơn có dấu hiệu quay vòng để trốn thuế. Tất cả những dấu hiệu bất thường này đều bị cán bộ thuế dễ dàng nhận ra, thông qua hệ thống dữ liệu lớn của hóa đơn điện tử và trí tuệ nhân tạo.
"Với trường hợp có sai lệch để trốn thuế, tránh thuế, cơ quan thuế đã kịp thời xử lý vi phạm. Từ quý IV/2022 đến nay, chúng tôi đã xử lý hơn 20 doanh nghiệp có hành vi vi phạm", ông Đỗ Trọng Bồng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Thọ, cho hay.
Trung bình 1 năm, các doanh nghiệp phát hành khoảng 3 tỷ hóa đơn điện tử. Với khối lượng hóa đơn khổng lồ này, nếu chỉ xử lý bằng nhân sự thông thường khó có thể hiệu quả, nhưng với dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI), mỗi doanh nghiệp sẽ được mã hóa, các hóa đơn chung một mặt hàng trên toàn quốc sẽ được quy vào một nhóm để phân tích.
"Từ đó căn cứ để tìm ra được những giá bất thường trong những loại hàng hóa dịch vụ đó. Với giá bất thường như vậy, chúng tôi có thể phát hiện ra được những doanh nghiệp có nghi ngờ về mua bán có gian lận về hoàn thuế, hoặc việc mua bán, sử dụng hóa đơn", bà Nguyễn Thị Thu Trà, Trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế, thông tin.
Hai tháng đầu năm nay, nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, toàn ngành thuế đã phát hiện ra 120.000 trường hợp có dấu hiệu rủi ro về thuế, với số tiền khoảng trên 400.000 tỷ đồng.
Dồn lực chống thất thu thuế thương mại điện tử
Để tăng cường quản lý thu, ngành thuế cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thu thuế thương mại điện tử. Điển hình là đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài và cổng thông tin điện tử dành riêng cho các sàn thương mại điện tử trong nước.
Sau hơn 9 tháng triển khai cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tính đến tháng 2/2023 đã có 46 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế với số tiền 5.244 tỷ đồng. Với những nhà cung cấp nước ngoài nào chưa đăng ký, kê khai thuế, ngành thuế sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc.
Còn đối với Cổng thông tin dành cho các sàn thương mại điện tử trong nước, sau hơn 2 tháng vận hành, đến nay đã có 258 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sau khi có dữ liệu cung cấp từ các sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ rà soát và đối chiếu thông tin của người nộp thuế. Trong trường hợp phát hiện có rủi ro sẽ hỗ trợ người nộp thuế kê khai và nộp thuế cho đúng.
Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Một giải pháp trọng tâm khác được ngành thuế triển khai đó là triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đđây là hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế để quản lý được doanh thu thực của người bán. Loại hóa đơn này chủ yếu dành cho các nhà hàng, khách sạn, siêu thị… khi số lượng hóa đơn phát hành mỗi ngày khá lớn.
Giai đoạn 1 của hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai đến ngày 31/3 này. Như vậy, còn chưa đầy 10 ngày tới mới kết thúc giai đoạn, nhưng tính đến nay đã có hơn 7.000 doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng, đạt gần 200% so với kế hoạch.
Mỗi ngày, nhà nghỉ Bank Star 1, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng xuất hàng trăm hóa đơn cho khách hàng khác nhau. Với giải pháp hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, không cần chữ ký số, không cần đợi cơ quan thuế cấp mã, chỉ cần 1 - 2 phút là cơ sở này đã có thể xuất hóa đơn thành công cho khách hàng.
"Trước đây mỗi khi khách cần xuất hóa đơn chúng tôi đều phải gọi kế toán. Kế toán thì làm theo giờ hành chính nên đôi khi chúng tôi phải bị chậm trễ cho khách. Với hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền này, chúng tôi đáp ứng được ngay nhu cầu của khách", bà Trần Thị Yến, Phó Giám đốc Nhà nghỉ Bank Star 1, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, cho biết.
Mặc dù giai đoạn 1 triển khai đạt gần 200% kế hoạch, nhưng tỷ lệ triển khai lại không đồng đều ở các địa phương. Khi có không ít địa phương tỷ lệ người nộp thuế đăng ký sử dụng loại hóa đơn này vẫn còn thấp. Nguyên nhân một phần là do chưa có quy định bắt buộc phải sử dụng, một phần cho rằng việc áp dụng sẽ làm tăng chi phí. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, chi phí cho hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thậm chí còn rẻ hơn so với các loại hóa đơn điện tử khác.
"Thật ra là họ không muốn dùng thì họ cứ nói thế thôi. Tôi khẳng định với anh chị là rẻ hơn rất nhiều. Bởi vì có làm gì đâu, họ chỉ cần đưa mã vào, mã đấy theo chuẩn rồi, các doanh nghiệp và các hộ giống nhau. Hiện nay chỉ khoảng 100 - 200 đồng 1 hóa đơn có mã, có khi thấp hơn, còn cái này chỉ mấy chục đồng 1 hóa đơn", ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế, nhận định.
"Đây là do sự nhận thức của doanh nghiệp, sẽ cần thời gian để nhận thức. Trước hết là có quy định bắt buộc chỉ áp dụng một hình thức hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tuyên truyền cho doanh nghiệp về lợi ích của việc sử dụng này, như tiết kiệm chi phí, đơn giản hóa", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho hay.
Giai đoạn 2 của giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 tới đây. Ngành thuế sẽ tham mưu đề xuất để áp dụng bắt buộc với giải pháp này.
Cùng với các giải pháp để đảm bảo thu ngân sách đúng và đủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng các phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp trong năm 2023 theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, bền vững.