Mới đây, vlogger, diễn viên An Nguy tiếp tục đăng tải trên kênh Youtube cá nhân đoạn video trong chuỗi series 'Know yourself' (hiểu về bản thân mình). Theo đó, cô chia sẻ những phương pháp để thay đổi bản tính yêu bản thân mình thái quá.
Tất cả mọi người đều yêu bản thân ở một mức độ nào đó
Hôm trước tôi có giải thích như thế nào là Narcissism (yêu bản thân thái quá) cũng như đưa ra trải nghiệm của tôi khi hẹn hò với một người là Deep Narcissist. Có người mới nói rằng, có phải ai sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc cũng thành Deep Narcissist đâu?
Điều này hoàn toàn đúng, cũng giống như việc những người sinh ra cùng cha, cùng mẹ, cùng được nuôi dưỡng trong một môi trường nhưng tính cách không giống nhau.
Điều thứ 2 mọi người hỏi là: Có thể thay đổi một người là Deep Narcissist hay không? Hay nếu nhận ra bản thân mình là một Deep Narcissist thì phải làm như thế nào?
Thực ra, việc nhận ra mình là một Deep Narcissist đã là một bước tiến rất lớn rồi. Việc yêu bản thân thái quá trong một thời gian dài sẽ khiến cho bạn không còn biết mình là ai nữa.
Vì tất cả những gì bạn làm là để người khác quan tâm hoặc sẽ khiến bạn nghi ngờ chính bản thân mình vì bạn đã tự tạo ra một cái 'tôi' thượng đẳng hơn người khác dù nó phi thực tế.
Cả hai trường hợp này đều sẽ dẫn đến trầm cảm. Có một điều rất mâu thuẫn đó là dù bạn là một người yêu bản thân thái quá nhưng bạn lại không hề có cái 'tôi' để yêu, bởi vì cái 'tôi' hoặc là phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác, hoặc là hoàn toàn không có thật.
Việc luôn muốn kiểm soát tất cả mọi thứ và không muốn ai nhận được sự quan tâm nhiều như mình sẽ khiến cho không ai muốn ở bên cạnh bạn cả. Tất cả những gì bạn xây dựng, bạn đều tự tay xóa bỏ, thậm chí là nếu bạn đủ xuất sắc để thành công và nhận được sự chú ý thì bạn vẫn luôn cảm thấy bất an và cô độc.
Điều thứ 2 bạn cần biết là tất cả mọi người đều là Deep Narcissist ở một mức độ nào đó. Việc yêu bản thân mình không có gì là sai trái cả, chỉ có điều tôi và bạn đang bị yêu bản thân quá mà thôi.
Cuối cùng cái chúng ta có nhiều nhất là tình yêu và sự quan tâm. Và điều duy nhất chúng ta cần làm đó là chuyển hướng tình yêu và sự quan tâm đấy ra bên ngoài, đến mọi người xung quanh và phát triển sức mạnh thấu cảm.
Chúng ta thường có một niềm tin mãnh liệt là có thể hiểu và phân loại mọi người
Nghe hơi mông lung nhưng tôi sẽ đưa ra một số cách để mọi người dễ hiểu hơn.
Thứ nhất là đừng vội vàng phán xét người khác. Chúng ta thường có một niềm tin mãnh liệt là có thể hiểu và phân loại mọi người, đặc biệt với những người mà chúng ta không thích họ hoặc họ không thích chúng ta.
Nhưng mỗi người là một thế giới khác nhau, họ có thể có vài điểm chung, nhưng mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Họ có những quan điểm, nhìn nhận khác nhau về cùng một vấn đề và họ có lý do riêng cho những cách nhìn của họ. Vì thế chúng ta cần cố gắng để có cách nhìn mở nhất có thể.
Cách đơn giản nhất để luyện tập thói quen này là hoàn toàn tập trung vào những gì người khác chia sẻ trong đối thoại hàng ngày. Không ngắt lời, không chen ngang, gật đầu hoặc mỉm cười theo những gì họ nói. Đặc biệt là không vội vàng phán xét khi người khác phạm lỗi.
Chúng ta thường có xu hướng là khi chúng ta phạm lỗi, chúng ta sẽ đổ lỗi tại ngoại cảnh, tại chẳng may, hoặc phủ nhận rằng chúng ta vẫn đúng. Nhưng chúng ta thường khắt khe hơn với người khác.
Khi người khác phạm lỗi, chúng ta thường cho rằng đó là do họ thiếu hiểu biết, do họ xấu xa hoặc do họ tự chuốc lấy. Thay vào đó, chúng ta nên tìm hiểu lý do nào khiến họ làm như vậy và tìm cách dễ dàng với họ như dễ dàng với chính bản thân mình.
Đây là một cách rất khó làm nếu bạn cho rằng bản thân mình thượng đẳng hơn người khác. Để làm được bạn cần chấp nhận bản thân mình, cần nhìn lại những lỗi lầm, sai sót mà bạn từng mắc phải.
Người ấy rêu rao với nhóm bạn là tôi đi khách sạn với bạn của bạn ấy
Nhân đây tôi cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Thời gian trước tôi có chơi với một người bạn, tôi thấy đó là người tốt, tận tâm, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.
Đột nhiên một hôm, có người bạn gửi cho tôi tin nhắn về việc người ấy rêu rao với nhóm bạn là tôi đi khách sạn với bạn của bạn ấy. Tôi điên chứ, vì tôi có dễ dãi cũng không dễ đến thế.
Tôi mới ngồi chửi bới tơi bời với đám bạn của mình, định về nhà nhắn tin cho nó ba mặt một lời xong nghỉ chơi luôn. Nhưng về đến nhà, sự điên nguội xuống, thay vào đấy là sự thất vọng, không hiểu là tôi làm gì để bạn đấy phải nói như thế về mình.
Trong thời gian đấy, tôi vẫn nhắn tin bình thường với bạn ấy, thỉnh thoảng có nói móc mỉa nhưng nó vẫn không hiểu. Sau đó, tôi hiểu rằng bạn ấy là một người hướng ngoại nhưng rất cô đơn.
Bạn ấy luôn muốn được quan tâm, được cảm thấy mình quan trọng, biết những thứ mà người khác không biết. Cho nên nhiều lúc nó hay bị bốc phét, dù thời điểm ấy nó biết những thứ nó nói là không có thật, nhưng nó không kiểm soát được.
Cái duy nhất nó muốn trong thời điểm đấy là sự trầm trồ của mọi người xung quanh. Bản thân nó cũng không phải đứa mưu mô, độc ác như một số người tôi từng gặp, chỉ có tật duy nhất là hay để mồm đi chơi xa thôi.
Tôi mới nghĩ đến mình, thỉnh thoảng tôi hứng lên, tôi cũng để mồm đi chơi xa, nhưng chưa xa bằng nó thôi. Cho nên tôi quyết định bỏ qua chuyện đấy, vì cũng không muốn phải nghĩ đến, đau đầu nữa.
Tôi biết cái ác cảm của mình có khi chỉ đến từ chính sự ghen tị mà thôi
Để có được thái độ mới như thế, chúng ta phải có kỹ năng phân tích. Phân tích không phải để đánh giá mà để hiểu, những người chúng ta gặp hàng ngày còn có những lúc chúng ta giật mình vì không hiểu họ nữa là những người chúng ta vừa mới gặp.
Nhưng càng những người chúng ta không thích chúng ta lại càng phải tìm hiểu về họ. Tìm hiểu về tuổi thơ, cha mẹ, về mối quan hệ với những người xung quanh, về những giá trị mà họ tin tưởng. Khi đã có đủ thông tin cần thiết, chúng ta mới có thể đứng trên lập trường của họ mà suy nghĩ, lý giải về những gì họ đã làm và dự đoán những gì họ sẽ làm.
Đây là một quá trình cần sự nỗ lực và kiên trì. Tôi cũng chưa làm được điều này mà chỉ có thể cố gắng hiểu và đứng trên lập trường những người mà tôi coi là bạn, tôi có cảm tình, giúp đỡ hoặc mang lại lợi ích cho tôi.
Còn những người tôi có ác cảm, trước đây tôi sẽ có suy nghĩ tiêu cực và ngồi nói xấu với đám bạn cho sướng mồm thì thôi. Nhưng lâu dần tôi nhận ra việc ấy không khiến cho mình vui, chỉ làm mình thỏa mãn lúc mình nói ra mà thôi. Nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chịu vì vẫn ghét người ta mà.
Sau này tôi luôn cố gắng không nghe, không thấy những điều về người mà tôi không thích, kể cả khi bạn tôi có đề cập đến, tôi cũng chỉ nói là không muốn nói chuyện về người đấy nữa.
Tôi vẫn chưa thể đứng trên lập trường của họ để suy nghĩ, thấu hiểu được dù có những người không hề làm gì tôi, tôi biết cái ác cảm của mình có khi chỉ đến từ chính sự ghen tị của mình mà thôi.
Vậy chắc chắn 'Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời' là đúng, thậm chí là không dời được, cái duy nhất chúng ta có thể làm là dùng lý trí để thay đổi quyết định và hành động của bản thân.