Xin chào Lê Âu Ngân Anh, cơ duyên nào để khiến bạn - một Hoa hậu với nhiều cơ hội phát triển trong nghề lại quyết định rẽ ngang trở thành cô giáo?
Với danh hiệu Hoa hậu, ngay từ đầu tôi cũng xác định rằng đó chỉ là bàn đạp mang đến cho mình nhiều trải nghiệm về công việc, mở rộng các mối quan hệ cũng như rèn luyện cho mình những kỹ năng trong cuộc sống. Nói thẳng ra Hoa hậu không phải là một nghề, mặc dù đó là món trang sức đi đến với mình hết đời.
Thế nên, cuối năm ngoái sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Salford (Anh quốc), tôi quyết định tập trung cho sự nghiệp lâu dài của mình và khởi đầu với vị trí quản lý phát triển dự án cho một công ty về đầu tư và tư vấn tài chính. Đến tháng 3/2020, trường Đại học Hoa Sen có chủ động liên hệ mời tôi về hợp tác giảng dạy.
Cũng là sự trùng hợp tình cờ khi tấm bằng Thạc sĩ của tôi thuộc chuyên ngành Quản trị sự kiện và trong năm học 2020-2021 trường Đại học Hoa Sen là đơn vị tiên phong đào tạo Cử nhân ngành này. Tôi cũng đặt mục tiêu cho mình trong 2 năm tới sẽ vận hành mô hình kinh doanh giáo dục, cho nên việc trở thành giảng viên Đại học là một bước dừng chân bất ngờ, thú vị nhưng cũng trong quy trình.
Việc trở thành 1 giảng viên trẻ nhất của trường Đại học có ý nghĩa như thế nào với Ngân Anh?
Chưa nói đến việc tôi là giảng viên trẻ nhất thì việc trở thành một giảng viên Đại học đã là một vinh dự lớn. Vì để trở thành giảng viên Đại học thì cần có học vị Thạc sĩ trở lên cũng như có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm, kỹ năng về lĩnh vực, bộ môn mình đảm nhiệm và được chứng nhận về nghiệp vụ sư phạm để có phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất với từng đối tượng sinh viên. Điều đó cũng đồng nghĩa khi chính thức nhận lời tham gia giảng dạy thì tôi chịu áp lực bởi thách thức mà bản thân tự đặt ra cho mình.
Sẽ không có gì là thử thách khi tôi học sư phạm ra và đi dạy, sẽ không có gì phải lăn tăn khi tôi đã làm quen với môi trường giáo dục trước đó. Điều đó có nghĩa là trong suốt 3 tháng đầu tiên, tôi phải nhanh chóng hoàn thiện những kỹ năng đứng lớp qua khoá học kỹ năng sư phạm và cập nhật thêm kiến thức về bộ môn mình sẽ giảng dạy. Tôi còn dự thính giảng để học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô đi trước, cũng như tham gia những buổi sinh hoạt chuyên môn của khoa, hỗ trợ công tác tuyển sinh và xây dựng chương trình đào tạo để dần quen với công việc mới.
Với Lê Âu Ngân Anh, sải bước trên sân khấu hoa hậu và đứng trên bục giảng, việc nào khó hơn?
Có thể nói việc sải bước trên sân khấu hoa hậu và việc đứng lớp đều là 'trình diễn' những gì mình muốn truyền tải qua hành động và lời nói với mục tiêu là chinh phục cảm xúc của từng đối tượng 'khán giả'. Với sân khấu thi hoa hậu, đối tượng khán giả chú ý và đánh giá mình qua vẻ bên ngoài nhiều hơn, còn trong lớp học hẳn nhiên điều các em mong đợi ở tôi vẫn là ở nội dung và tính ứng dụng từ bài học mà các em sẽ tiếp thu được.
Thế thì, nếu hỏi tôi kỹ thuật để làm mình thu hút hơn trên sân khấu qua cách trình diễn, thần thái hay kỹ năng truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm đến với sinh viên một cách dễ tiếp thu và hiệu quả thì tôi cho rằng độ khó là ngang nhau.
Tất cả mọi công việc đều cần sự chuẩn bị và trải qua quá trình tập luyện, khó hay dễ nằm ở sự quyết tâm và việc đầu tư cho sự rèn luyện bản thân bao nhiêu. Tôi so sánh cả hai như màn 'trình diễn' cho mọi người dễ hình dung nhưng chung quy khi chúng ta làm mọi việc xuất phát từ tâm, từ sự chân thật từ đúng tính cách con người mình, là cách chinh phục mọi 'khán giả' trong mọi môi trường làm việc.
Nếu ai đó nói rằng bạn được trường Đại Học Hoa Sen nhận làm giảng viên với mục đích tăng hiệu ứng truyền thông. Lê Âu Ngân Anh sẽ phản bác thông tin này thế nào?
Trong một sự kiện gần đây của trường, khi Ngân Anh nhận được sự reo hò của các bạn sinh viên khi đến tên mình được giới thiệu trong danh sách đại biểu, thầy Hiệu trưởng cũng rất ấn tượng về sự chào đón nồng nhiệt của sinh viên dành cho Ngân Anh nên trong phần phát biểu của mình cũng có nhắc đến vấn đề này: 'Nhà trường luôn chú tâm đến các khía cạnh xã hội với hàm lượng tri thức cao, mang đậm chất văn hoá nhưng cũng gần gũi các xu đời sống của giới trẻ để đón đầu xu hướng và điều chỉnh chất lượng đào tạo sao cho phù hợp với mọi thế hệ sinh viên. Và việc Đại học Hoa Sen có sự tham gia giảng dạy của Hoa hậu - Thạc sĩ Lê Âu Ngân Anh cũng là một nét văn hóa riêng của trường'.
Các trường Đại học quốc tế hiện nay cũng đã thay đổi tôn chỉ đào tạo, có những xu hướng giảng dạy cởi mở hơn cho sinh viên dễ tiếp cận đời sống nên việc lựa chọn những giảng viên là người nổi tiếng cũng không còn là hiếm. Thật ra, ngành Công nghệ Truyền thông bên ĐH Hoa Sen vẫn mời chị Hồng Ánh, các đạo diễn nổi tiếng về giảng dạy mà, tất cả đều vì Nhà trường đặt yếu tố thực tiễn và khả năng ứng dụng lên hàng đầu.
Thế nên, việc ĐH Hoa Sen mời Ngân Anh về giảng dạy, đặc biệt để phụ trách bộ môn mới Quản trị Sự kiện để tăng hiệu ứng truyền thông là không sai, nhưng hình ảnh của Ngân Anh gắn với trường phải là truyền thông tích cực, vì tất nhiên đã làm giáo dục thì không ai đi nước cờ rủi ro cả.
Nói là nhà trường có lời mời mình về giảng dạy như Ngân Anh cũng phải trải qua buổi phỏng vấn đánh giá năng lực, những buổi dạy thử để được đào tạo và định hình lại phương pháp giảng dạy và phong cách đứng lớp phù hợp với môi trường học thuật tại đây, tham gia những buổi sinh hoạt chuyên môn của khoa để nắm chương trình đào tạo bộ môn mình đảm nhiêm và xây dựng đề án các ngành học mới.
Nói chung, nếu Nhà trường mời Ngân Anh về làm giảng viên chỉ vì mục đích truyền thông thì Ngân Anh không đã phải phấn đấu nhiều như thế.
Từng nhận phải nhiều nhận xét không hay về khả năng nói tiếng Anh của mình. Hiện tại, Lê Âu Ngân Anh đã khắc phục điều này như thế nào để có thể tự tin giảng dạy học sinh?
Ngân Anh cũng hiểu những tranh cãi, hoài nghi về khả năng nói tiếng Anh của mình là xuất phát từ phần thi ứng xử không trôi chảy trong chung kết HHĐD cũng như những clip giao lưu tiếng Anh khi Ngân Anh đi thi tiếng Anh mà mọi người bảo là ngữ điệu 'điệu chảy nước'. Thật ra lúc đó Ngân Anh buồn nhiều và hoài nghi về mình nhiều lắm, vì thật sự mình có nền tảng tiếng Anh từ bé chứ không phải là mới học đây.
Thời điểm đó Ngân Anh còn khá tự tin vào vốn ngoại ngữ sẽ là điểm cộng của mình khi đi thi nhan sắc nữa, nhưng do yếu tố tâm lý khi thi cử cộng cách sử dụng ngữ điệu chưa hợp với cách nghe của các khán giả Việt Nam nên đâm ra mọi người chưa công nhận mình. Ngân Anh cũng đọc nhiều các bình luận và nhận ra mình nên điều chỉnh ở đâu trong cách phát âm cho phù hợp. Một phần sau này, Ngân Anh có thời gian du học bên Anh về và làm việc với các đối tác nước ngoài nhiều nên việc mình sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp cũng đã tự nhiên và thuần thục hơn nhiều.
Ngân Anh cũng đảm trách những môn học dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng với sinh viên thì khác, mình phải căn chỉnh tốc độ nói, cách nhấn mạnh vào ý chính để các em nhớ bài chứ không phải chăm chăm vào cách phát âm sao cho 'chuẩn chỉnh' nhưng sinh viên mình lại không kịp nắm bắt.
Xuất hiện với vai trò giảng viên, Lê Âu Ngân Anh gây chú ý khi diện khá nhiều outfit sang chảnh. Bạn có ngại ngần khi bị nói rằng giảng viên mà điệu đà?
Từ khi là giảng viên, Ngân Anh định hình phong cách thanh lịch, nhã nhặn nhưng vẫn giữ tính thời trang. Có thể mọi người nhìn thấy outfits của Ngân Anh 'sang chảnh' vì giá trị thương hiệu chứ có phải vì Ngân Anh mặc những kiểu đồ lung linh, lộng lẫy khi đi sự kiện vào trường đâu.
Những bộ trang phục ưa chuộng của Ngân Anh khi lên trường đơn giản là áo sơ mi phối với chân váy đến gối, đầm phối với áo khoác ngắn cùng hoạ tiết hoặc cùng màu. Ngân Anh cũng lưu ý chọn những chiếc đầm có tay và kín phần thân trên, độ dài váy phải quá nửa đùi trên, không quá ôm sát cơ thể, không đa họa tiết hoặc màu sắc để tránh việc sinh viên chú tâm đến trang phục của mình hơn là bài giảng. Nhưng một giảng viên chỉn chu về phong cách bên ngoài vẫn gây ấn tượng tốt với sinh viên hơn mà?
Bên cạnh đó trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa và cuối tuần, Ngân Anh có thể thoải mái hơn với quần jeans dài phối cùng áo phông có tay. Với cả trường ĐH Hoa Sen là môi trường quốc tế nên các giảng viên khác, thậm chí các bạn sinh viên không bị bó buộc trong cách ăn mặc. Ngân Anh thấy nhiều em đi học mặc đồ cũng có gu và đầu tư lắm, nên Ngân Anh không nghĩ việc mình mặc đồ có thương hiệu là vấn đề to tát đâu (cười -pv).
Ắt hẳn Lê Âu Ngân Anh đã phải chi một số tiền không nhỏ cho tủ đồ đi dạy của mình. Bạn có thể chia sẻ kỹ hơn về việc thay đổi phong cách trang phục cũng như chi phí cho việc này?
Trước đây, tôi làm công việc quản lý phát triển dự án. Phần lớn những trang phục tôi có từ trước để phục vụ công việc này và cả những trang phục đời thường đều nằm ngoài những tiêu chí tôi đã kể trên. Vì vậy, thời gian đầu với vai trò giảng viên, tôi phải 'cải tổ' lại tủ quần áo bằng việc sắm sửa thêm một ít trang phục mới cho phù hợp với môi trường làm việc giáo dục. Tuy nhiên tôi xác định chỉ mua sắm vừa đủ, chủ yếu là tận dụng đồ có sẵn rồi chọn lọc và phối lại cho phù hợp, vì việc quan trọng nhất của mình khi đến trường là bài giảng chứ không phải váy áo.
Xinh đẹp và trẻ trung, Lê Âu Ngân Anh đã bao giờ nhận được lời 'tỏ tình' từ các học sinh của mình chưa?
À, về vấn đề này thì mình chưa gặp phải.
Vì là người nổi tiếng nên chắc chắn Lê Âu Ngân Anh sẽ không tránh được những ánh nhìn xét nét từ phía học trò mình. Bạn vượt qua áp lực này như thế nào?
Khi bước vào trường, Ngân Anh không đặt vị thế của người nổi tiếng hay lấy danh xưng Hoa hậu ra để làm việc cùng mọi người, đặc biệt là với sinh viên của mình.
Thời gian đầu Ngân Anh còn áp lực vì sợ các em sinh viên đã biết đến mình từ trước, sẽ có sự chú ý, xét nét và đặt kỳ vọng ở mình nhiều hơn, nhưng khi bắt đầu tiếp xúc với các em, sự gần gũi, tâm lý của mình khiến các em cũng cởi mở chia sẻ hơn với mình, từ đó là không còn khoảng cách giữa cô trò nữa mà như những người bạn thân với nhau.
Với Lê Âu Ngân Anh anti-fan là gì?
Anti-fan là người giúp chúng ta nhận ra khuyết điểm và mặt chưa tốt của mình một cách thực tế và 'trần trụi' nhất. Tuy nhiên, cũng có muôn vàn kiểu hành xử từ anti-fan, người không thích mình nhưng vẫn dùng lời lẽ văn minh để phê bình những điểm còn thiếu sót của mình, người thì chỉ trích nặng nề, thậm chí miệt thị và xúc phạm nhân phẩm người khác Ngân Anh nghĩ làm nghệ sĩ chỉ sợ nhất gặp anti-fan 'biến không thành có', đặt điều, vẽ chuyện để điều hướng dư luận.
Xét cho cùng, anti-fan là những người quan tâm đến ta nhất đấy chứ, vì mọi nhất cử nhất động của mình cũng được các bạn để tâm và đem ra bàn tán.
Là một người từng đứng giữa búa rìu dư luận, theo bạn đâu là cách đối phó với anti-fan một cách văn minh nhất?
Ngân Anh là một người với xuất phát điểm nắm trong tay lực lượng anti-fan hùng hậu nhất showbiz mà (cười). Sau này có rất nhiều cô chú/ anh chị và các bé fans của mình nói lại với mình rằng thời gian đầu cũng từng là anti-fan của mình, cũng bị điều hướng theo những lời nói của đám đông, nhưng sau thời gian thấy Ngân Anh có tinh thần cầu tiến, cầu thị học hỏi và có quyết tâm vươn lên thì mọi người thay đổi ánh nhìn về mình.
Nên Ngân Anh nghĩ rằng những ý kiến trái chiều, định kiến là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, người bình thường làm công việc nào cũng có người khen kẻ chê, người thương kẻ ghét, huống chi là người nổi tiếng. Ngày trước, Ngân Anh dễ bị tổn thương nên cư xử khá trẻ con mỗi khi bị mọi người phản ứng tiêu cực với mình.
Nhưng càng cố chứng minh, trong khi bản thân mình chưa thật sự thuyết phục được mọi người, mình càng gặp nhiều thị phi trên báo chí, truyền thông. Ở thời điểm bây giờ, Ngân Anh không còn hoảng sợ và phòng thủ với dư luận như trước kia nữa, mình cởi mở hơn, lắng nghe góp ý của mọi người một cách tích cực để hoàn thiện bản thân mình hơn mỗi ngày.
Năm đầu tiên đón ngày 20/11 một cách đúng nghĩa, Lê Âu Ngân Anh có thể chia sẻ 1 chút cảm xúc của mình được không? Bạn có lời chúc nào gửi tới những người đồng nghiệp cũng như các thế hệ thầy cô giáo của mình không?
Thật sự khi được đặt câu hỏi này Ngân Anh mới giật mình nhận ra 20.11 năm nay cũng có thể gọi là ngày dành cho mình rồi, vì mới năm ngoái đây ngày này mình còn về thăm các thầy/cô ở trường cũ kia mà.
Hồi xưa khi mình đi học cũng hay cùng bạn bè làm những điều bất ngờ, gây xúc động cho những giáo viên mình yêu thích như cách tri ân và bày tỏ tình cảm. Năm nay là năm đầu tiên Ngân Anh đón nhận ngày này với vai trò là một giảng viên, cảm xúc lạ lẫm khi tham gia các hoạt động dành cho ngày Nhà giáo mà trường tổ chức là điều chắc chắn.
Còn có được nhận lời chúc hay điều bất ngờ nào từ các bạn sinh viên không thì chắc phải đến ngày đó mình mới biết được nè (cười - pv). Nhân dịp này, Ngân Anh xin được gửi lời chúc đến quý thầy/cô, những anh/chị đồng nghiệp cùng mang sứ mệnh của 'người lái đò', có thật nhiều sức khoẻ, tìm thấy cho mình nhiều niềm vui, đón nhận được thật nhiều tình cảm thân thương của học trò, và tích lũy cho mình nhiều trải nghiệm quý báu trong sự nghiệp 'trồng người'!
Xin cảm ơn những chia sẻ của Lê Âu Ngân Anh!