Bên cạnh 'nghiệp' làm phim, Hoàng Mập còn có một cái 'nghiệp' khác, tiêu tốn của anh cả bạc tỉ. Đó là thú chơi đồ cổ. Một thú chơi xa xỉ mà chỉ những người thật sự giàu có mới dám... đam mê.
Lấy cớ làm phim để sắm đồ cổ... cho vợ khỏi nhăn nhó
Vì đam mê này, Hoàng Mập đã xây cả một biệt thự cổ ở Đồng Nai, trên diện tích hơn 16.000 mét vuông. Từ nhà tới mọi đồ dùng trong căn biệt thự ấy đều là những đồ cổ xưa đắt tiền mà anh dày công 'săn lùng' trong mấy chục năm qua.
Chưa bao giờ Hoàng Mập tiết lộ con số chính xác cho cơ ngơi này nhưng 'dân trong nghề' ước chừng nó trị giá không dưới cả trăm tỷ.
Nói tới tiền, Hoàng Mập chỉ cười... trừ. Bởi người ta định giá nó bằng tiền, còn anh định giá nó bằng xương máu, mồ hôi nước mắt của hai vợ chồng suốt mấy chục năm qua và bằng cả 'nghiệp' của mình.
Biệt thự cổ rộng hơn 16.000 mét vuông ở Đồng Nai của Hoàng Mập.
Hồ cá koi 5 tỉ đồng của danh hài.
Hầu hết các phim do hãng Hoàng Thần Tài sản xuất đều lấy bối cảnh chính là căn biệt thự cổ này. Và như đã thành thông lệ, cứ mỗi lần bấm máy phim mới... Hoàng Mập lại chi không biết bao nhiêu tiền để 'sắm' đồ cổ.
Ngày 2/11 tới, anh bấm máy phim 'Dương thế bao la sầu'. Thế nên mấy ngày trước, anh đón hai đoàn chuyên gia về đồ cổ từ Thanh Hóa và Nam Định vào, mang theo nhiều món đồ đắt giá để căn biệt thự cổ được... 'hoàn thiện' như lời anh nói.
Và sẽ còn hai đoàn chuyên gia khác đến từ Lái Thiêu và Tiền Giang cũng sẽ 'ghé thăm' căn biệt thự của anh cùng một số món đồ cổ khác vào trung tuần tháng 11 tới.
Hoàng Mập chia sẻ: 'Trước khi đón đoàn phim vào, tôi sửa sang nhà cửa và sau khi đoàn đi, tôi lại sửa sang cho đẹp. Đợt này, tôi bổ sung khá nhiều. Cái gì chưa hoàn thiện thì bổ sung cho hoàn thiện và đây có lẽ sẽ là lần cuối cùng tôi bồi đắp cho ngôi nhà đó.
Biết sao được, nó là niềm vui của tôi. Có khi mua xong, trong tài khoản chỉ còn 500.000 đồng, vợ tôi nhăn nhó. Tôi bảo, phục vụ đoàn phim để bà ấy khỏi... chửi' (cười).
Hoàng Mập tìm kiếm đồ cổ từ trong nước tới nước ngoài. Đoàn chuyên gia đồ cổ đến nhà, lắp 3, 4 ngày mới xong. Đợt này, Hoàng Mập mua nào giường lưới, ghế lười đến đèn cổ của Pháp, cặp chim phượng, cửa võng ở gian thờ phụng...
Anh tâm sự: 'Thích quá thì bao nhiêu cũng không đủ nhưng giờ nhà tôi chật rồi, kho cũng đầy đồ cổ nên tôi không còn tiền làm gì nữa. Nếu nhà hư hao, dột thì sửa thôi chứ tôi không sắm nữa, để tiền làm việc khác'.
Bên trong ngôi biệt thự cổ là toàn đồ cổ xưa được Hoàng Mập tìm kiếm, mua suốt mấy chục năm trời bằng tiền mà vợ chồng anh tích cóp.
Mới đây, Hoàng Mập còn đón hai đoàn chuyên gia đồ cổ từ Nam Định và Thanh Hóa vào để lắp đặt thêm một số đồ cổ trong nhà như cửa võng trên các cột nhà.
'Người chơi đồ cổ đều là người giàu, bỏ ra 500 triệu đến 1 tỉ đồng mua đồ cổ'
Bày tỏ suy nghĩ về việc một số người ác cảm với những người buôn bán và chơi đồ cổ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của chủ nhân món đồ để mua với giá rẻ, Hoàng Mập thẳng thắn lật ngược vấn đề.
Anh nói: 'Ai cũng có lòng tham. Đa số những người cầm đồ cổ của ông bà để lại đi bán, thường là thành phần bài bạc, lô đề, nghiện ma túy cần tiền hoặc đổ nợ. Còn người mua đồ cổ, họ xem đây là công việc kinh doanh buôn bán. Họ mua 1 bán 100 là chuyện của họ. Ngay cả tỉ phú cũng làm ăn buôn bán kiểu đó, đâu chỉ có người mua bán đồ xưa.
Tôi từng chứng kiến một trường hợp, người buôn bán đồ cổ vô nhà kia, thấy cái tủ thờ đẹp quá, họ hỏi mua nhưng chủ nhà không bán, nói đó là đồ của cha ông để lại.
Người ta ra giá 500, 700 triệu để lấy cái tủ thờ đó. Với người ở quê, đó là con số rất lớn, vậy là trong nhà lục đục, người đồng ý, người không. Cuối cùng, người ta mua mấy cái cẩn xà cừ với giá 300 triệu còn tủ thì họ không bán.
Cho nên đừng đổ thừa người buôn bán đồ cổ là xấu. Nếu bạn không đánh đề, cờ bạc, xì ke, không đổ nợ, không ai ép bạn được. Nói người mua bán đồ cổ thất nhân thất đức là bậy. Đang nghèo, bán một món được 500, 700 triệu, họ thay đổi cả cuộc đời.
Nếu bạn không bán được giá thì lỗi cũng là bạn ngu, đừng đổ thừa. Họ đâu có vô nhà giật đồ hay ăn cướp. Họ mua vài triệu rồi bán được vài chục triệu là chuyện bình thường. Chính mình đã có lòng tham trong đó rồi thì nói được ai. Họ mua là việc của họ. Mình không bán là việc của mình.
Giường lưới, ghế lười, đèn cổ của Pháp...
Bảng Hoàng Thần Tài...
Hay đôi chim phượng đứng hai bên bàn thờ...
Tôi không bênh vực những người buôn bán đồ cổ hay chơi đồ cổ nhưng có một điều chắc chắn, người chơi đồ cổ đều là người giàu. Họ rất giàu mới có thể bỏ ra 500 triệu, 700 triệu hay 1 tỉ để mua một món đồ cổ như vậy.
Người chơi đồ cổ, buôn bán đồ cổ, nhìn qua một món đồ là biết lai lịch thế nào, giá trị ra sao. Nhưng họ phải đi tìm người mua, tìm được người có tiền, mê đồ cổ, hiểu giá trị đồ cổ để bán được giá đó. Nhiều khi mua xong ôm mấy năm, không bán được. Thuyết phục người bán là một chuyện. Thuyết phục được người mua lại là một chuyện.
Cuộc chơi nào cũng lắm công phu. Làm diễn viên lâu sẽ diễn giỏi. Chơi đồ cổ cũng vậy. Cái gì cũng công bằng hết. Ai cũng được quyền trả giá. Nghệ sĩ đi show cũng vậy. Nhiều khi bầu nhận 500 triệu, nghệ sĩ đòi 200 còn nài nỉ bớt lên bớt xuống còn 150 triệu, 120 triệu. Việc kinh doanh buôn bán, có cầu có cung, có người bán có người mua và họ có quyền trả giá'.