Tại Italy, một người biểu tình cầm tấm bảng “Không AI”. ChatGPT bị cấm sau khi cơ quan quản lý cho biết không có cơ sở pháp lý nào để biện minh cho việc thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân. (Nguồn: Wachiwit/Alamy)
Các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến có thể giúp con người làm nhiều việc như dịch thuật, viết văn, làm thơ…, thậm chí viết cả bài luận học thuật. Các thư viện ảo đứng sau công nghệ thông minh này rất lớn, làm dấy lên nhiều lo ngại rằng chúng đang hoạt động vi phạm luật bản quyền và dữ liệu cá nhân.
Nhiều lo ngại
Hệ thống AI sử dụng các bộ dữ liệu khổng lồ, có khả năng chứa hàng tỷ hình ảnh được lấy từ Internet, hàng triệu sách điện tử vi phạm bản quyền, toàn bộ quá trình tố tụng trong 16 năm qua của quốc hội các nước châu Âu và toàn bộ Wikipedia tiếng Anh.
AI đang dần “nuốt chửng” kho dữ liệu khổng lồ của thế giới và bắt đầu gặp vấn đề khi các cơ quan quản lý và tòa án trên khắp thế giới tìm cách siết chặt việc các công ty AI thu thập nội dung mà không thông báo hoặc không có sự đồng ý.
Tại Italy, ChatGPT bị cấm hoạt động sau khi cơ quan quản lý bảo vệ dữ liệu của nước này cho biết, không có cơ sở pháp lý nào biện minh cho việc thu thập và lưu trữ quy mô lớn các dữ liệu cá nhân để đào tạo ChatGPT.
Đầu tháng Tư, nhà chức trách Canada đã tiến hành điều tra về ChatGPT để đáp lại cáo buộc “thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa có sự đồng ý”.
Cơ quan giám sát dữ liệu của Anh bày tỏ quan ngại khi ông Stephen Almond, Giám đốc công nghệ và đổi mới tại Văn phòng Ủy viên thông tin cho biết: “Luật bảo vệ dữ liệu vẫn được áp dụng khi thông tin cá nhân đang bị thu thập từ các nguồn có thể truy cập công khai”.
Theo Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Oxford (Anh) Michael Wooldridge, “các mô hình ngôn ngữ lớn” (LLM), chẳng hạn như mô hình ngôn ngữ được dùng làm nền tảng cho ChatGPT của OpenAI và Bard của Google, thu thập lượng dữ liệu khổng lồ và vấn đề bản quyền sẽ giống như một “cơn bão sắp đến” đối với các công ty AI.
“Nhiều nghệ sĩ đang vô cùng lo ngại rằng, sinh kế của họ có nguy cơ bị đe dọa bởi AI. Hãy chờ xem các cuộc chiến pháp lý”, ông Wooldridge nói.
Lùm xùm kiện cáo
Các vụ kiện đã bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn như, nhà cung cấp ảnh Getty Images kiện công ty khởi nghiệp Stability AI của Anh (đơn vị phát minh công cụ tạo hình ảnh AI Stable Diffusion), cho rằng Stability AI vi phạm bản quyền vì sử dụng hàng triệu ảnh trái phép để huấn luyện hệ thống AI của họ.
Tại Mỹ, một nhóm nghệ sĩ kiện Midjourney và Stability AI vì “vi phạm quyền của hàng triệu nghệ sĩ” do sử dụng tác phẩm của nghệ sĩ mà không được họ cho phép.
Các vụ kiện bản quyền và hành động của cơ quan quản lý chống lại OpenAI (công ty phát triển ChatGPT) gặp khó khăn, do công ty này giữ bí mật tuyệt đối về dữ liệu đào tạo của mình. Đáp lại lệnh cấm của nhà chức trách Italy, Giám đốc điều hành của OpenAI Sam Altman cho biết: “Chúng tôi tuân thủ tất cả các luật về quyền riêng tư”. Tuy vậy, công ty này từ chối không cho biết dữ liệu nào được sử dụng để đào tạo cho GPT-4, phiên bản mới nhất của ChatGPT.
EleutherAI tự mô tả mình là một “phòng thí nghiệm nghiên cứu AI phi lợi nhuận”. Công ty này đã tập hợp Pile, bộ dữ liệu 825 GB được thu thập từ mọi nơi trên Internet, bao gồm 100 GB sách điện tử được lấy từ các trang web vi phạm bản quyền và bộ sưu tập 228 GB trang web được thu thập từ khắp nơi trên “thế giới mạng” kể từ năm 2008.
Họ thừa nhận tất cả đều không có sự đồng ý của các tác giả có liên quan. Eleuther lập luận rằng, tất cả các bộ dữ liệu trong Pile đã được chia sẻ rộng rãi đến mức việc biên soạn nó “không làm tăng tác hại đáng kể”.
Quyền tác giả của AI chưa được công nhận
Gần đây, ai cũng biết rằng, AI đã “sáng tạo” những tác phẩm nghệ thuật khiến cho con người phải khâm phục.
Cách thức mà AI tạo ra tác phẩm không giống cách con người sáng tác ra tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học mà dựa trên việc thu thập và xử lý hệ thống thông tin khổng lồ, từ đó tạo ra các bức vẽ, đoạn nhạc, giọng nói…
Tuy nhiên, nhiều quốc gia chưa chấp nhận bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiểu này. Gần đây nhất, năm 2019, Cục bản quyền Hoa Kỳ (USCO) đã từ chối yêu cầu cấp bản quyền cho một tác phẩm nghệ thuật mà AI tạo ra. Theo USCO, Luật bản quyền hiện hành của Mỹ chỉ đưa ra các biện pháp bảo vệ thành quả của lao động trí óc, được tạo ra từ sáng tạo trí óc của con người.
Tại châu Âu, theo quy định của Luật về quyền tác giả của Liên minh châu Âu, bất kỳ tác phẩm nào được bảo vệ đều phải gắn liền với con người. Các luật hiện hành của Liên minh châu Âu chưa có quy chế bảo hộ quyền tác giả cho AI.
Tại Australia, luật pháp không công nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm AI. Mục 32 của Đạo luật bản quyền 1968 quy định: “Quyền tác giả tồn tại trong một tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật gốc mà tác phẩm chưa được xuất bản và tác giả là công dân hoặc cư dân sinh sống tại Australia”.
Tại Việt Nam, Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chỉ tổ chức, cá nhân hay con người mới là các chủ thể được nắm giữ quyền tác giả; các đối tượng như máy tính, robot, hay AI chưa thể là chủ thể được nắm giữ quyền này.