sản phụ ngừng tuần hoàn
Bệnh nhân là chị L.T.K.N. (34 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa). Chị mang thai lần thứ ba, được chỉ định
mổ bắt con khi thai 38 tuần, có nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược trên nền tăng huyết áp thai kỳ.
Ca mổ bắt đầu lúc 9h35, bé trai nặng 4,3kg chào đời an toàn. Chỉ vài giây sau, sản phụ bất ngờ tím tái, SpO₂ giảm nhanh. Dù được phát hiện, xử trí tích cực ngay lập tức nhưng tình trạng diễn biến rất cấp tính, bệnh nhân ngừng tuần hoàn.
Nguyên nhân được xác định do tắc mạch ối, một biến chứng sản khoa nguy hiểm, không có dấu hiệu báo trước, tỷ lệ mắc rất thấp, chỉ từ 1 - 12/100.000 ca sinh nhưng nguy cơ tử vong rất cao.
![]()
Các bác sĩ nỗ lực cứu sản phụ - Ảnh bệnh viện cung cấp
Các y bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện, huy động toàn bộ nhân lực cấp cứu, các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện.
Bác sĩ Bạch Minh Thu - Phụ trách khoa Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức của bệnh viện cho biết: 'Bệnh nhân đã được cấp cứu ngừng tim trong hơn 30 phút với 4 lần sốc điện phá rung. Tôi đã công tác gần 30 năm, đây là một trong những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn dài nhất, tỷ lệ bệnh nhân có thể sống sót và hồi phục gần như bằng 0. Nhưng chúng tôi vẫn không bỏ cuộc dù chỉ hy vọng rất nhỏ'.
Ê kíp cấp cứu đã ép tim ngoài lồng ngực liên tục, thông khí kiểm soát với ô xy 100%, sử dụng vận mạch trợ tim, truyền các chế phẩm máu khẩn cấp.
Sau hơn 30 phút, bệnh nhân tái lập tuần hoàn tự nhiên, tim bắt đầu đập có hiệu quả, huyết áp dần ổn định. Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân kéo dài hơn 2 tiếng với sự tham gia của toàn bộ ê kíp hồi sức cấp cứu.
Sau khi qua cơn nguy kịch,
sản phụ tiếp tục được điều trị tích cực. Theo các bác sĩ, sau khi tim đập có hiệu quả trở lại, mặc dù huyết áp được duy trì nhưng bệnh nhân phải dùng các thuốc vận mạch - trợ tim liều cao, toan chuyển hóa nặng, rối loạn đông máu khó kiểm soát và bắt đầu có dấu hiệu suy giảm chức năng các tạng sau ngừng tim.
Với sự nỗ lực của ê kíp, sản phụ dần tỉnh, tri giác tốt dần, các rối loạn được kiểm soát và được dừng an thần, dừng vận mạch, cai thở máy.
Sau 1 tuần điều trị, sản phụ đã được ra viện.
Trước đó, ngày 4/2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng phối hợp với một bệnh viện chuyên khoa sản ở TPHCM cứu sống sản phụ trong tình trạng nguy kịch do suy đa cơ quan vì tiền sản giật nặng.
Sản phụ là chị Đ.T.T.H, 44 tuổi, Việt kiều Canada. Cuối năm 2023, chị Đ.T.T.H cùng chồng về Việt Nam để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm do hiếm muộn. Sau khi thụ thai thành công, chị H. tuân thủ lịch khám thai kỳ chặt chẽ. Chị được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Đến tuần thai thứ 35, chị H. cảm thấy chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, sốt kèm buồn nôn kéo dài suốt 3 ngày.
Ngày 23/1/2025 (tức 24 tháng Chạp), chị H. đến khám tại một bệnh viện phụ sản vì cho rằng mình bị nhiễm siêu vi. Sau khi được thăm khám và thực hiện xét nghiệm máu, chị H. được chuyển khẩn cấp đến bệnh viện chuyên khoa sản vì được chẩn đoán tiền sản giật nặng - Hội chứng HELLP, suy đa tạng.
Tại đây, chị H. được mổ lấy song thai cấp cứu ngay sau 3 giờ nhập viện. May mắn, hai bé song sinh chào đời khỏe mạnh nhưng lúc này, chị H. bị rối loạn tri giác, lơ mơ, bụng chướng căng, suy gan cấp và suy thận cấp, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu rất nặng.
Với tình trạng nguy kịch này, chị H. được hội chẩn liên viện với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và được tiếp nhận cấp cứu ngay trong ngày 24/1/2025. Tại Khoa Hồi sức tim mạch, chị H. được thay huyết tương điều chỉnh suy gan cấp, điều chỉnh rối loạn đông máu do đông máu nội mạch lan tỏa, kèm lọc máu liên tục để cải thiện nhanh chức năng thận.
Sau 7 ngày hồi sức tích cực chuyên sâu, chị H. đã phục hồi gần như hoàn toàn chức năng các tạng, tri giác trở về bình thường và có thể tự sinh hoạt, ăn uống. Chị H. được xuất viện vào ngày 4/2/2025.
Tiến sĩ, Bác sĩ Giang Minh Nhật, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, tiền sản giật là một bệnh lý tăng huyết áp đặc trưng liên quan đến thai kỳ, thường xuất hiện sau 20 tuần tuổi thai và tần suất gia tăng nhanh khi mẹ mang thai lớn tuổi. Khoảng 10% - 20% các trường hợp tiền sản giật nặng sẽ diễn tiến thành hội chứng HELLP với các biểu hiện nặng như tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu.
Mặc dù hội chứng HELLP có tiên lượng tử vong mẹ vào khoảng 10% và tử vong sơ sinh 10% - 25%, nhưng nếu hội chứng HELLP có xuất hiện nhiều biến chứng như cả suy gan cấp, suy thận cấp và đông máu nội mạch lan tỏa như trường hợp chị H., nguy cơ tử vong mẹ được ghi nhận trong y văn lên đến 50%, ngay cả ở các nước phát triển.
Trong trường hợp bị tiền sản giật nặng có suy đa tạng của chị H., các chuyên gia ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã xử trí thành công bằng cách phối hợp liên chuyên khoa nhanh chóng, chính xác giữa chuyên khoa sản - hồi sức cấp cứu - tim mạch - sơ sinh để
đảm bảo an toàn tính mạng cho sản phụ.