Anh N.T.N. 45 tuổi, trú tại TP.HCM vào viện trong tình trạng tím môi chi, thở cò cử nhiều, thở rít, vã mồ hôi, co kéo các cơ hô hấp, ho khan, nói ngắt quãng, nổi vân tím toàn thân… bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, cao huyết áp nhưng lại uống không thuốc thường xuyên. Khi bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở nhiều, ho húng hắng, cơn khó thở tăng dần dữ dội… người nhà mới đưa vào bệnh viện.
Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cũng từng cấp cứu cho 1 trường hợp nữ sinh 20 tuổi nguy kịch vì lên cơn hen cấp. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng khó thở dữ dội, vã mồ hôi, tím tái…
Qua khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân có tiền sử bị hen từ nhỏ, nhưng gần đây thấy khỏe nên tự ngưng thuốc, không khám lại. Một tuần gần đây, Q. có triệu chứng ho, hắt hơi tưởng nhẹ nên tự điều trị thuốc hạ sốt, thuốc ho tại nhà. Khi thấy ho nhiều nên uống tiếp thêm một liều thuốc ho nữa, không ngờ đến tối thì khó thở dữ dội, toàn thân tím tái phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Cảnh giác với cơn hen cấp tính có thể lấy đi sinh mạng bạn.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong thời gian vừa qua bệnh nhân có bệnh mãn tính đi khám bệnh giảm. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh đặc biệt là bệnh hen phế quản.
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hen phế quản là một bệnh cảnh diễn ra đột ngột, có thể gây suy hô hấp nhanh chóng và ngừng thở, nguy hiểm tính mạng, nếu không cắt cơn và không đưa đến bệnh viện kịp thời.
Bệnh hen là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hẳn được, nhưng nếu điều trị đúng, có thể kiểm soát được hoàn toàn, có nghĩa là người bệnh hen hầu như không có hoặc rất ít triệu chứng, sinh hoạt, làm việc học tập bình thường, chức năng phổi bình thường hoặc gần bình thường.
Tâm lý sợ dịch bệnh nên có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi rơi vào những đợt cấp, bệnh nặng lên trong khi không có thuốc dự phòng ở nhà hoặc là không có những thuốc cắt cơn. Khi lên cơn hen, nhất là với người bệnh nặng, bắt buộc phải đi cấp cứu vì tình trạng khó thở.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia cảnh báo, bệnh nhân hen suyễn là đối tượng nguy cơ cao cần phải lưu ý. Người bệnh cần kiểm soát bệnh thật tốt. Bệnh nhân nên gặp bác sĩ thăm khám tầm soát sớm và bắt đầu dùng thuốc kiểm soát hen ngay sau khi hen.
TS.BS Nguyễn Như Vinh lưu ý: Có hai nhóm thuốc mà người bệnh cần phải chú ý. Thứ nhất là nhóm thuốc dự phòng, người bệnh cần chú ý theo hướng dẫn của bác sĩ, một ngày xịt 1 lần tùy theo tình trạng bệnh của mình.
Còn nhóm thuốc thứ hai là thuốc cắt cơn, bác sĩ chỉ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng khi lên cơn khó thở không khó thở không sử dụng. Người bệnh sẽ biết được khi nào cần dùng thuốc khi nào không.
BS Vinh cũng cho biết người bệnh hen suyễn phải theo dõi thật sát để tránh nguy cơ tử vong không đáng tiếc trong mùa dịch này.
Ngoài kiểm soát cơn hen suyễn, người bệnh cần kiểm soát cân nặng, tập thể dục đúng cách, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích cơn hen...
Khi có các biểu hiện như: ho, khó thở, nặng ngực... thì cần kiểm tra và đánh giá có nguy cơ mắc hen suyễn để kịp thời điều trị, không nên vì tâm lý lo lắng dịch bệnh không đi bệnh viện kiểm tra có thể lên cơn hen cấp không cấp cứu được sẽ rất đáng tiếc.
CDC Hoa Kỳ cũng hướng dẫn người bệnh hen suyễn trong đại dịch Covid-19 hết sức cẩn trọng. Kiểm soát bệnh hen suyễn bằng cách tránh làm gia tăng các tác nhân gây hen suyễn. Không dừng thuốc hoặc đổi phương thức điều trị bệnh hen mà không trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Cẩn thận khi sử dụng các chất tẩy rửa và chất khử trùng, nhờ người không mắc bệnh hen suyễn làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật.
Ở trong phòng khác khi đang sử dụng chất tẩy rửa hoặc khử trùng. Nhà có người hen suyễn chỉ sử dụng chất tẩy rửa và chất khử trùng khi cần thiết. Trong các tình huống thông thường, các bề mặt và đồ vật thường xuyên được chạm vào có thể được làm sạch hiệu quả bằng xà phòng và nước.
>> Xem thêm: 2 quận ở TP. Đà Nẵng ghi nhận hơn 100 ca mắc mới trong ngày, số ca cộng đồng tiếp tục tăng