Vụ việc tại Mèo Vạc 'chưa đến mức nặng nề như hủ tục bắt vợ'
Sau khi làm việc với các cá nhân liên quan tới vụ việc 'bắt vợ' tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cơ quan chức năng bước đầu cho biết cả 2 đối tượng bao gồm Giàng Mí Chơ (16 tuổi, ở xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc), còn bé gái là V.T.S. (14 tuổi, ở xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc) đã có quen nhau và nhắn tin qua lại từ trước. Giàng Mí Chơ cho biết, bạn nữ đồng ý đi chơi cùng nhưng không nhận làm người yêu.
Tuy nhiên, sau khi gặp nhau, Chơ đã có hành vi không đúng mực đối với bạn nữ. Rất may công an sau đó đã có mặt kịp thời.
Lực lượng chức năng đã có thông báo chính thức về sự việc bắt vợ gây xôn xao những ngày qua (Ảnh cắt từ clip)
Theo bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang, hành động của Chơ thực chất chỉ là trêu đùa, 'chưa đến mức nặng nề như hủ tục bắt vợ'. Lãnh đạo huyện cho biết cơ quan chức năng huyện Mèo Vạc nhận thấy không đủ căn cứ để xử lý hình sự hay xử phạt hành chính đối với nam thanh niên này.
Vụ việc kết thúc bằng những công tác tuyên truyền, giáo huấn kịp thời của chính quyền địa phương đến người dân nhằm không để xảy ra những sự việc tương tự.
Hiểu đúng hơn về tục lệ 'bắt vợ'
Sau khi sự việc xảy ra, ông Vương Duy Bảo, Nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - BVHTTDL cho biết, 'bắt vợ' thực chất được biến tấu từ tục lệ 'kéo dâu' của người Mông: 'Dân tộc H'Mông không có phong tục bắt vợ. Họ chỉ có phong tục kéo dâu. Đó là một phong tục tốt đẹp và nhân văn từ lâu nay của người H'Mông với 2 điều kiện: cả hai phải yêu nhau thật lòng, cuộc hôn nhân trên cơ sở tự nguyện và quan trọng hơn là cả 2 bắt buộc phải đủ tuổi kết hôn như pháp luật quy định. Bắt vợ là hình thức biến tướng của tục lệ kéo dâu'.
Theo truyền thống của người Mông, khi con trai trong gia đình đến tuổi kết hôn và tìm được người muốn kết hôn thì cha mẹ sẽ chuẩn bị một số sính lễ để sang nhà gái dạm hỏi. Sính lễ chuẩn bị cho mỗi cuộc dạm ngõ khá đơn giản, bao gồm một chiếc ô vải đen có buộc khăn ở giữa, một đôi gà luộc và vài lít rượu ngô. Theo tục lệ, nhà trai phải sang nhà gái ít nhất từ hai lần trở lên thì nhà gái mới đồng ý gả con.
Tục bắt vợ là nét đẹp trong văn hóa người Mông (Ảnh: Trung Kiên)
Ngoài ra trong nhiều trường hợp, khi đôi trai gái yêu nhau mà nhà gái nhất quyết cấm cản thì người con trai sẽ hẹn người con gái nửa đêm đợi cha mẹ ngủ say, cô lén mở cửa và theo chàng trai về nhà làm vợ chồng. Đó có lẽ là lý do tục lệ 'bắt vợ' ra đời và trở thành một nét đẹp rất riêng, cầu nối tình yêu cho những cặp đôi bị gia đình cấm cản. Đây thực chất là hình thức hợp pháp hóa vợ chồng cho đôi trai gái yêu nhau mà không cần nhiều sính lễ.
Cũng theo GS, TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển và là một trong những chuyên gia về giới hàng đầu ở Việt Nam từng cho biết: 'Trong xã hội thời phong kiến, không chỉ người dân tộc thiểu số mà đa số các cộng đồng khác, 'lệ' thách cưới đã ngăn cách nhiều đôi trai gái nên vợ chồng. Phong tục 'Kéo vợ' (hay còn gọi là bắt vợ) xa xưa của người dân tộc Mông có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, kế hoạch 'kéo dâu' được bàn bạc bí mật, có sự hỗ trợ của anh em, bạn bè, cô bác…'.
Đáng tiếc, tục lệ 'kéo dâu' của người Mông vô tình đã bị hiểu sai. Thực chất, đây vẫn là một truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của một dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do một số bộ phận người dân (giống như Chơ ở câu chuyện trên) vẫn chưa nhận thức rõ về phong tục tập quán của quê hương mình dẫn đến việc gây ra những hành động không đúng mực.
Từ 'bắt vợ' đến câu chuyện 'tảo hôn'
Câu chuyện trên giúp nhiều người hiểu đúng hơn về nét đẹp trong văn hóa của một dân tộc đồng thời tuyên truyền cho những người đang sinh sống tại đây có góc nhìn đúng đắn về tục lệ 'kéo dâu' tưởng chừng đã quen thuộc. Tuy nhiên từ sự việc trên, chúng ta có thể nhìn ra một vấn đề khác đáng báo động hơn, đó là câu chuyện 'tảo hôn'.
Theo thông tin được xác minh, cả hai nhân vật trong sự việc trên đều chưa đủ tuổi kết hôn (nam 18 và nữ 16). Điều này đồng nghĩa, nếu như ngày hôm đó không có sự can thiệp của các cán bộ công an thì rất có thể sẽ có thêm một 'cặp vợ chồng bất hợp pháp' được hình thành và kéo theo hàng loạt hệ quả đáng tiếc sau đó.
'Tảo hôn' là việc kết hôn của hai người nam và nữ khi họ vẫn chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật (nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên). Đây là hiện tượng thường gặp tại Việt Nam, đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc là nơi có tỉ lệ tảo hôn cao hơn cả so với những vùng khác. Theo Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ 2 năm 2019, vùng Trung du miền Núi phía Bắc có 583.279 trường hợp tảo hôn (chiếm 21,9%) trong đó tỉnh Sơn La là nơi xảy ra nhiều trường hợp nhất và Hà Giang có tới 73.772 trường hợp.
Nạn 'tảo hôn' vẫn diễn ra tại đa số các đồng bào DTTS (Ảnh: Pháp Luật)
Không chỉ riêng câu chuyện phía trên, nhiều trường hợp liên quan đến tảo hôn đã nhiều lần được đăng tải. Cũng theo thống kê, 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18.
Cũng theo đó, tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Như vậy, nam giới kết hôn sớm hơn 2,5 tuổi, nữ giới kết hôn sớm hơn 2,2 tuổi so với quy định của pháp luật.
Nếu có dịp ghé thăm hay du lịch ở các tỉnh thành miền núi phía Bắc, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh một 'phụ nữ' có gương mặt trẻ măng nhưng trên tay bồng mấy đứa con. Hỏi ra mới biết, có những em mới chỉ 15, 16 tuổi nhưng đã có con cách đây hai, ba năm. Ngoài ra, nhiều em còn là nạn nhân của tấn công tình dục, trở thành mẹ đơn thân và là cái gai trong mắt người đời, bị gièm pha, cả đời sống trong bóng tối.
Tảo hôn là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến chất lượng sức khỏe và trí tuệ ở trẻ
Từ câu chuyện trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo huấn pháp luật về phòng chống tảo hôn cho học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ngoài ra, mỗi người cần tích cực tham gia đấu tranh chống lại các hành vi 'kéo người, bắt vợ' trái pháp luật.