Nhóm Thiện nguyện Đồng Cảm có hơn 50 thành viên, làm đủ các ngành nghề khác nhau. Điểm chung của họ là có thể tự sắp xếp công việc để mỗi tuần có thể tham gia một hoạt động thiện nguyện, chủ yếu là nấu ăn phục vụ người nghèo, bệnh nhân tại các bệnh viện.
Bữa cơm 2.000 đồng
Một trong những hoạt động được nhóm duy trì đều đặn là suất cơm 2.000 đồng tại quán ở đường Thanh Nghị (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Mỗi trưa thứ ba và thứ bảy hằng tuần cùng ngày rằm và mùng một mỗi tháng, bếp đỏ lửa để nấu hàng trăm suất cơm và phục vụ tại chỗ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (thành viên sáng lập nhóm Thiện nguyện Đồng Cảm) cho biết hoạt động này đã được thực hiện hơn 1 năm qua. Địa chỉ của bếp ăn gần Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nên nhiều thực khách là bệnh nhân nghèo đang điều trị ghé ăn. Ngoài ra, còn có khách là những người bán vé số, hàng rong, nhặt ve chai hay công nhân nghèo.
Bà Hoa lập một group riêng để điều hành hoạt động thiện nguyện và nấu ăn. Để chuẩn bị cho bữa cơm 2.000 đồng, tối thứ hai và thứ sáu, nhóm sẽ phân công người lên thực đơn và kêu gọi thành viên tham gia. 'Ai sắp xếp được sẽ đăng ký. Có hôm nhiều thành viên đăng ký tham gia, cũng có bữa ít người. Dù nhiều hay ít chúng tôi vẫn phục vụ khách một cách tốt nhất' - bà Hoa nói.
Thành viên nhóm Thiện nguyện Đồng Cảm chuẩn bị bữa trưa phục vụ người khó khăn
Từ 8 giờ, các thành viên trong nhóm tập trung tại bếp ăn, người đi chợ, người quét dọn, sơ chế thực phẩm rồi đến nấu nướng, xúc cơm và thức ăn ra khay… Thực đơn được thay đổi liên tục, bảo đảm có món mặn, món rau củ xào hoặc luộc, canh và đồ tráng miệng, nước uống. Đến 11 giờ, bếp bắt đầu mở bán. Các phần cơm được bày biện sạch sẽ trong khay inox. Khách muốn ăn thêm có thể gọi bếp bổ sung. Mỗi người chỉ trả 2.000 đồng cho bữa ăn trưa của mình.
Là một trong những người đều đặn ghé quán, bà Phan Thị Hằng (ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết các suất ăn rất ngon miệng, sạch sẽ. Bà Hằng điều trị tại Bệnh viện Ung bướu nhiều tháng nay. Những ngày bếp Đồng Cảm không bán thì bà dùng cơm ở căng-tin hoặc bên ngoài. 'Mỗi bữa ăn ít nhất là 15.000 đồng. Có hôm không đủ tiền thì tôi mua phần cơm rồi chia làm 2 bữa để tiết kiệm chi phí' - bà Hằng nói. Vì thế khi biết địa chỉ của bếp ăn 2.000 đồng, bà Hằng cùng nhiều bệnh nhân khác thường đến đây. Bà mong muốn bếp ăn được duy trì để chia sẻ với những người khó khăn.
Những suất cháo yêu thương
Ngoài phần cơm 2.000 đồng, bếp cũng đỏ lửa vào mỗi rạng sáng thứ tư và thứ năm hằng tuần để nấu đồ ăn sáng tại bệnh viện phục vụ bệnh nhân.
Thứ tư là bữa sáng với bánh mì ốp la cùng trái cây tráng miệng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Thứ năm là bữa sáng với cháo thịt hoặc xương tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Bếp tổ chức nấu ngay tại bệnh viện để phục vụ cho bệnh nhân các phần ăn nóng sốt và ngon miệng nhất.
Từng chăm con tại bệnh viện nên bà Hoa rất cảm thông với bệnh nhân và thân nhân người bệnh, từ đó nhen nhóm ý tưởng nấu ăn phục vụ họ. Những suất 'cháo yêu thương' bắt đầu ở Bệnh viện Ung bướu là hoạt động khởi đầu của nhóm Thiện nguyện Đồng Cảm. Thành viên của nhóm ban đầu là bà Hoa cùng một số người bạn. Kinh phí hoạt động do các thành viên đóng góp. 'Có nhiều thì nấu nhiều, có ít nấu ít. Miễn sao mỗi tuần cố gắng thực hiện đều đặn là được' - bà Hoa nói. Dần dà, nhóm nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhiều thành viên tham gia và thu hút nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ. Chính vì thế, hoạt động thiện nguyện của nhóm tăng dần các suất ăn và tần suất phục vụ.
Bà Lê Thị Hòa (SN 1976, một chuyên gia ẩm thực) - là thành viên tích cực của nhóm, cho biết ít nhất mỗi tuần bà đều cố gắng thu xếp công việc để tham gia một hoạt động của bếp. Công việc của bà Hòa là đi chợ theo thực đơn có sẵn và phụ bếp. Theo bà Hòa, những phần cháo hay bánh mì tại bệnh viện thì đã cố định. Còn đối với suất cơm 2.000 đồng thì bà thường chọn mua những thực phẩm từ các nhà cung cấp uy tín, bảo đảm trước hết phải đạt tiêu chí sạch và an toàn. Sau đó là đến hàm lượng dinh dưỡng, mỗi suất ăn đều phải đầy đủ chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết…
Bà Lê Thị Thu Thủy (đầu bếp chính của nhóm) cho hay việc nấu ăn tại bếp được thực hiện rất kỹ lưỡng, chỉn chu. 'Đã gọi là phần ăn đồng cảm thì làm sao cho người dùng thấy được sự chia sẻ, thấu hiểu. Bữa ăn không chỉ ngon miệng mà còn ấm áp, mang lại niềm vui cho cả người dùng lẫn người phục vụ' - bà Thủy nói.
Nhóm Thiện nguyện Đồng Cảm còn thực hiện rất nhiều chương trình từ thiện như trao tặng xe lăn, giường xếp tại các bệnh viện, trao các phần quà là tiền mặt hoặc thực phẩm cho người nghèo, bệnh nhân. Mỗi năm vào dịp Tết, nhóm cũng tổ chức nhiều hoạt động trao quà cho các vùng khó khăn, miền núi ở các tỉnh, thành phố khắp miền Trung. Toàn bộ kinh phí hoạt động được nhà hảo tâm hỗ trợ và quyên góp từ các thành viên trong nhóm.