Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của tác giả Hà Minh An (Thanh Hoá).
Có người từng nói: “Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình - đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai…”.
Tháng 6 không chỉ có cái nắng của mùa hạ, cái vội vã của mùa thi mà còn có cái dịu êm, nhẹ nhàng của Ngày cha (19/6) hay Ngày gia đình (28/6). Những ngày đặc biệt nhằm tôn vinh gia đình ấy một lần nữa nhấn mạnh, nhắc nhở cho những con người chúng ta về thứ tình yêu vĩ đại, giản đơn mà trường tồn ấy.
Ở cái tuổi 17, cái tuổi mà không lâu nữa thì “Bữa cơm gia đình” bỗng từ một điều hiển nhiên trở thành một thứ xa xỉ, chúng hẳn là xa xỉ hơn bất cứ món đồ hiệu nào ngoài kia. Dẫu chỉ mới 17 tuổi nhưng cái bữa cơm đông đủ mọi thành viên trong gia đình vẫn là điều hiếm hoi với tôi. Gia đình tôi có 7 người là ba mẹ, anh hai, chị dâu, chị gái, cháu gái và tôi.
Từ khi tôi bước qua 6 tuổi thì anh chị tôi từng người lần lượt tiến vào thủ đô, tiếp tục con đường học vấn. Khi ấy thì một năm tôi chỉ còn được ăn cơm gia đình sum vầy đâu đó được 3 tháng. Rồi tôi bắt đầu vào cấp 2, khi đấy anh chị tôi lại bắt đầu gia nhập thị trường lao động. Họ bắt đầu làm việc ngày đêm, chăm chỉ hơn bất kì ai tôi biết để có cơ hội thăng tiến, phát triển trong sự nghiệp. Sự chăm chỉ ấy với tôi đồng nghĩa với việc họ sẽ ít về nhà hơn và bữa cơm gia đình sẽ vơi bớt đi.
Bấy giờ bữa cơm gia đình đúng nghĩa lại còn chỉ đếm bằng tuần, bằng các dịp lễ ít ỏi, thậm chí có khi lễ họ cũng chẳng thể về. Hỏi rằng tôi buồn không, tôi buồn chứ, tôi cũng muốn có anh chị kè cạnh như bạn bè, vui thì chia sẻ với nhau, buồn thì choảng nhau. Thế nhưng đó là điều không thể, một đứa trẻ cấp hai thì làm gì để thay đổi cục diện đây và đúng hơn thì tôi nào thể sống thay phần họ đâu.
Là con út, có lẽ tôi tự tin nói bản thân hiểu tâm tư cha mẹ nhất, tôi hiểu nỗi lòng của họ, hiểu những nhớ nhung và lo âu mà đôi khi họ chẳng thế cất thành lời. Họ nhớ anh chị tôi lắm, họ luôn cầu nguyện cho anh chị (cả cho tôi nữa) được an toàn, được hạnh phúc, được thuận buồm xuôi gió. Ba mẹ tôi luôn chờ điện thoại của anh chị tôi, luôn muốn biết, hiểu ra khó khăn của họ và luôn sẵn sàng hết sức để hỗ trợ họ bất cứ khi nào.
Hiểu được tâm tư ấy, tôi đã trở thành một cây cầu nối vô hình cho gia đình, tôi chủ động tâm sự, gọi điện với anh chị nghe ngóng xem họ sống thế nào, có điều gì mới không, có khó khăn gì không, có chuyện gì thú vị không,...
Rồi tôi lại qua kể cho ba mẹ nghe rồi ba mẹ cũng hiểu được thêm suy nghĩ, quan điểm và cả những lo âu của anh chị hơn. Dần dần, thì tôi cứ video call với anh chị lúc nào là tôi bay ngay ra chỗ ba mẹ và cứ thế dần dần thì chúng tôi cũng dễ dàng chia sẻ mọi thứ hơn. Những năm gần đây, bất cứ chúng ta có xa nhau thế nào thì sinh nhật mỗi người đều tổ chức rất đầy đủ, hầu hết là tổ chức online nhưng không sao “Khi trái tim gần nhau thì khoảng cách nào phải vấn đề chứ.”
Có lẽ không qúa nếu tôi tự phong mình là “Đại sứ gia đình cấp xóm” nhỉ. Mỗi khi Tết đến, xuân về, gia đình chúng tôi tụ họp, tôi hay có thói quen “đếm ngày”. Tôi mong 27 Tết đến sớm để gặp họ và từ từ hãy đến mùng 6, thực tế thì tôi không ưa mùng 6 đâu vì lại phải xa họ rồi. Tuy chúng tôi ở xa nhau lắm, hàng trăm cây số và có lẽ năm sau tôi sẽ cách họ cả nghìn cây số nhưng sự ủng hộ và yêu thương mà chúng tôi giành cho nhau là thứ không thể thay đổi. Khoảng cách có thể biến số nhưng tình thân của chúng tôi chính là hằng số.
Cuộc đời tôi, trải qua cũng khá nhiều thăng trầm, thất bại trong học tập, thành công trong thử cử, được người đời tùng hô hay bị giáo viên sỉ nhục thì tôi đều trải qua. Mỗi lần thất bại, quả thật tôi đã nghi ngờ và chán ghét bản thân vô cùng, tôi tin vào lời chê bai khiếm nhã của giáo viên nhưng gia đình tôi thì chưa từng nghi ngờ tôi. Bằng một sức mạnh tâm linh kì diệu nào đó, họ luôn luôn tin tưởng và khẳng định tôi có tiềm năng, tôi có năng lực. Thực tế thì có lẽ khi ấy đó là lời động viên chân thành nhưng với tôi đó là cái phao cứu sinh, là sợi dây mỏng manh để cứu tôi khỏi sự sa ngã.
Những lúc buồn bã nhất, tôi đã thử trốn tránh bằng những chuyến đi nhưng dù cảnh đẹp lộng lẫy đến mấy thì lòng tôi vẫn tràn ngập sự bất an, đau khổ. Nhưng chỉ cần về nhà, ăn cơm mẹ nấu, tán ngẫu với gia đình thì sự an toàn, cảm giác hạnh phúc lại như đang ôm lấy tôi. Quả thực, dân gian có câu “ Không ở đâu bằng nhà mình”, với gia đình có lẽ tôi chính là phiên bản chân thật nhất, khi buồn hay thất bại, tôi sẽ chạy về khóc, khi thành công tôi sẽ ca hát cả ngày, cầm cái giấy khen đi đi lại lại, khi vui vẻ sẽ nhảy hát ca múa, khi ghét ai thì cũng tha hồ mà ngôi buôn,...
Tôi cứ là tôi mà chẳng sợ rằng họ sẽ ghét rồi tránh xa hay phát xét mình. Tôi vốn rất cứng đầu, thích tranh luận nhưng gia đình vẫn rất bao dung tôi, họ không bỏ rơi tôi, ngược lại họ rất nhẫn nại giải thích và nói lí lẽ với tôi.
Trên đời này, thứ tình yêu vô điều kiện trong truyền thuyết có lẽ tôi chỉ tìm thấy được ở gia đình mình, họ cho tôi đi chơi, đi ăn, mua đồ đẹp cho tôi,... mà chẳng khi nào họ yêu cầu tôi phải đền đáp. Họ bảo vệ tôi một cách rất chu đáo, tận tình. Khi còn bé, khi đi tắm biển, lúc những cơn sóng to ập đến thì bố thường dùng thân mình để che lại cho tôi, hẳn ông sợ tôi bị đau hay bị uống nước. Khi tôi lớn hơn một chút thì mỗi khi tôi bị bắt nạt, bị đánh thì ba tôi sẽ đến nói lí lẽ để lấy lại công bằng cho tôi. Ba tôi cũng dạy võ bài bản cho tôi, ông muốn thấy tôi luôn tự tin và có thể lo cho chính mình.
Ở với mẹ tôi, tôi luôn có cảm giác được nâng niu và trân trọng vô cùng, bà nấu đồ ăn ngon, mua đồ đẹp, dạy học và săn sóc tôi rất kĩ càng. Bà là người đầu tiên an ủi tôi mỗi khi tôi buồn, là người đầu tiên dạy tôi làm đẹp… Đặc biệt, mẹ chính là người đầu tiên và duy nhất có thể khiến những cơn đau về thể xác và tinh thần của tôi tan biến chỉ bằng một cái ôm.
Anh chị tôi thì quá ư là ngầu luôn, họ là những “Xế xịn” của tôi, họ đã chở tôi tham quan, thưởng thức món ngon khắp Hà Nội. Họ đã giúp một đứa trẻ 17 tuổi ở quê hiểu tương đối rất rõ về thủ đô, hiểu thêm về bao nhiêu giai đoạn lịch sử, trải nhiệm bao nhiêu dịch vụ thú vị…
Tôi vô cùng biết ơn vì bản thân đã may mắn có một gia đình như vậy, có những con người ưu tú, tuyệt vời và yêu thương tôi hết mình. Hy vọng, sau khi công việc của chúng tôi ổn định thì cả gia đình tôi có thể có một chuyến du lịch Châu Âu mà ba mẹ tôi hằng mong. Với tôi, nhà không đơn thuần là nơi mình cư trú hay sinh hoạt mà nhà còn là nơi phải có gia đình tôi.
>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY