Tự do
Sáu năm trước, một cô sinh viên năm thứ ba khoa báo chí tới gặp tôi và tuyên bố muốn bỏ học.
'Em không thấy học đại học là cần thiết' - cô nhìn tôi bằng đôi mắt buồn bã của tuổi đôi mươi.
Hai mươi năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một tiểu thuyết tựa đề 'Tuổi hai mươi yêu dấu'. Cuốn sách không nổi tiếng như những tác phẩm khác của ông. Có thể vì nó hơi quá trần trụi với thế hệ cha chú, nhưng lại quá đơn giản với những thanh niên. Mãi sau này tôi mới biết, Khuê - nhân vật chính của tiểu thuyết này - chính là con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Đó là những mảnh nổi loạn và hoang mang của một thanh niên mới lớn điển hình. Cảm thấy bị bỏ rơi, khát khao tìm kiếm và khẳng định cái tôi, những bi kịch tưởng tượng ra hoặc cường điệu hóa lên, những cuộc dấn thân liều lĩnh nhưng vô bổ. Và trên tất cả, là sự mất phương hướng, hay nói chính xác hơn là không có mục tiêu nào cho cuộc đời.
Thế mà, tuổi hai mươi yêu dấu lại cứ lạnh lùng trôi đi, trôi rất nhanh.
Cô gái đôi mươi tôi gặp năm nào, giờ đã lấy chồng. Tôi vẫn âm thầm quan sát cô những năm qua, thấy cô đi đó đây, làm những việc cô thích, viết những điều cô thực sự nghĩ (hoặc cô cho là). Không có mấy điều nổi bật, nhưng cô có vẻ thực sự hài lòng với lựa chọn đó - một lối rẽ bình lặng, heo hút và trầm lắng hơn nhiều so với tuổi hai mươi.
Đó là một lựa chọn tự do.
Tin tưởng
Hàng xóm nơi tôi ở bán phở gà từ đêm đến sáng. Chủ quán thuê một phụ nữ đứng tuổi đến từ miền Nam xa xôi. Cô đã rời quê 20 năm, sinh sống tại Thủ đô 10 năm, sống trong một phòng trọ nhỏ, đi rửa bát thuê để nuôi con ăn học. Mỗi ngày cô rửa bát cho 2 quán ăn, mỗi quán được trả 100.000 đồng/buổi. Với khoản thu nhập duy nhất đó, người mẹ ấy nuôi con học xong Đại học.
Tôi tóm tắt lại chuyện này lên trang Facebook cá nhân, được một vài nhóm hội chia sẻ lại. Nhiều người thông cảm, nhưng thật ngạc nhiên, rất nhiều người trẻ cho rằng tôi bịa ra câu chuyện này, hoặc ít nhất là 'có 1 nói 10'. Họ đưa ra những lý lẽ như, làm gì có ai rửa bát từ đêm đến sáng với mức lương như thế, sao cô ấy không đi làm giúp việc gia đình lương cao hơn nhiều, con gái cô ấy tốt nghiệp đại học mà không kiếm được việc thu nhập tốt đỡ mẹ hay sao...
Hai mẹ con không có giấy tờ tùy thân, muốn làm lại thì phải về quê, mà về quê thì không có tiền. Cô con gái kiếm việc, cũng chỉ có việc bưng bê chạy bàn, vì không có giấy tờ. Và mức lương 100.000 đồng/buổi rửa bát là mức rất phổ biến ở nhiều nơi ngay trong Hà Nội. Bởi vì mức lương chạy bàn bây giờ là từ 18.000 - 25.000/giờ.
Tôi có thể chứng minh những gì mình kể về người phụ nữ rửa bát thuê này hoàn toàn là sự thực. Nhưng nghĩ lại, tôi cũng nhận thấy, để những người trẻ nghi ngờ sự khó khăn của cuộc sống, đó là lỗi của thế hệ đi đàn anh đàn chú, trong đó có tôi. Có những người được trao cho nhiều cơ hội và quyền lựa chọn quá dễ dàng, nên lầm tưởng rằng nơi nào cũng vậy và ai cũng thế.
Kết nối con người, đó là nhiệm vụ của người cầm bút. Nhưng tin ở con người, thì đó là cuộc tự trưởng thành của mỗi cá nhân.
Tôn trọng
Đến một lúc trong đời, có lẽ ở khoảng giữa của những đứa trẻ và những thanh niên, dường như mỗi cá nhân sẽ xuất hiện nhu cầu phản kháng, lật đổ. Phản kháng những áp đặt và lật đổ những định kiến.
Thế hệ trung niên bây giờ, hai mươi năm trước vật lộn với cơn bão heroin, đua xe, đánh nhau kiểu băng đảng, và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Dễ hiểu, khi làm cha mẹ, họ tìm mọi cách ngăn chặn những rủi ro đó lặp lại với con em mình. Nhưng càng sợ hãi những mệnh lệnh càng nghiêm khắc, càng thái quá, những áp đặt càng trở nên ngặt nghèo đến mức vô lý. Khi đó, sự tôn trọng biến mất. Mà những người trẻ thì lúc nào cũng muốn được tôn trọng, trước cả khi họ ý thức được hiệu quả hay hậu quả.
Chúng ta cần được kết nối, thông qua sự thấu hiểu và tôn trọng nhau. Bạn và tôi, và họ. Thế giới này đã rất rời rạc, nó cần những người kết nối. Nhưng để kết nối thành công, trước hết cần có sự tôn trọng.
Ngày cuối năm. Tôi nghĩ về Tự do - Tin tưởng và Tôn trọng, khi nghĩ về thế hệ trẻ tràn ngập năng lượng quanh mình.