Nhu cầu mua hàng online của chị em ngày càng phát triển, nhất là trong dịp 'bão sale' Black Friday sắp tới. Vậy nhưng, việc tin tưởng vào những lời nhận xét sản phẩm và đánh giá 5 sao trên trang bán hàng từ người dùng khác để mua hàng không hề là việc nên làm bởi rất nhiều trong số đó đã được làm giả, đặc biệt là trên hệ thống Amazon. Đó chính là cảnh báo của tờ Buzzfeed gửi đến mọi người với bài viết độc quyền nói về việc người bán thao túng hệ thống đánh giá sản phẩm để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Chỉ tính riêng trong năm nay, Jessica (tên đã được thay thế) đã chi ra số tiền 15 nghìn USD (khoảng 348 triệu đồng) để mua hơn 700 món đồ trên Amazon, bao gồm vật dụng trang trí Haloween cho đến drap trải giường. Mặc dù hầu hết các sản phẩm đều khá bình thường nhưng sau mỗi lần mua hàng, Jessica đều để lại đánh giá 5 sao cho người bán.
Việc làm của Jessica mang lại khá nhiều lợi ích cho người bán vì nó ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Thông thường khi mua hàng online, mọi người sẽ dựa vào các đánh giá hoặc bài review đính kèm hình ảnh, video, để quyết định có nên mua hay không. Nói với Buzzfeed News, Jessica tin rằng cô đang góp phần giúp đỡ người bán trên Amazon.
Hầu hết những người bán đều biết các mánh khóe để bán được hàng trên Amazon. Đó là có nhiều review tích cực và được xếp hạng cao trên thanh tìm kiếm. Vậy nên họ không ngần ngại chi tiền để thao túng hệ thống phức tạp của Amazon để thao túng các chỉ số bao gồm số lượng sao đánh giá và làm giả các bài review tích cực để thu hút khách hàng tiềm năng.
Vì Amazon cấm tuyệt đối trò give away (tặng không) các sản phẩm để nhận thêm sao đánh giá nên Jessica đã yêu cầu Bzuzfeed giấu tên để đảm bảo tài khoản của cô không bị xóa sổ trên trang bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới này.
Người bán đã tiếp cận với Jessica thông qua quảng cáo trên Facebook. Họ chào mời các mặt hàng miễn phí, mời cô để lại những bình luận tích cực về sản phẩm vào các hội nhóm với hàng nghìn thành viên và đính kèm một bảng hướng dẫn cô mua hàng của họ trên Amazon. Sau khi Jessica đánh giá 5 sao, người bán sẽ lập tức hoàn lại số tiền cô đã trả để mua sản phẩm vào tài khoản Paypal hoặc cho cô 1 gift card để mua hàng trên Amazon.
Tính đến thời điểm hiện tại, tài khoản của Jessica vẫn chưa bị Amazon dòm ngó. Cô đặt mua hàng và thanh toán bằng thẻ ngân hàng của riêng mình nên tất cả các đánh giá của cô đều được hệ thống cho là xác thực. Sau khi xác nhận đánh giá của Jessica, khoản thanh toán của người bán dành cho cô được thực hiện bên ngoài hệ thống Amazon. Không chỉ vậy, chiếc thẻ thanh toán của Jessica, do Amazon phát hành, cũng tặng thêm điểm thưởng cho cô vì đã mua hàng. Vậy nên Jessica không chỉ nhận được món hời từ người bán mà cả Amazon cũng 'trả công' cho cô để lại đánh giá 5 sao và góp phần kích thích sức mua của các khách hàng khác.
Buzzfeed đã gửi cho Amazon một vài câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để xác định các đánh giá là thật hay giả. Người đại diện Amazon cho biết công ty đang nỗ lực bài trừ những người bán sử dụng các bài quảng cáo chào mời trên Facebook để đánh lừa hệ thống đánh giá trên trang bán hàng. Thời gian vừa qua, Amazon đã phát hiện và khai trừ khoảng 13 triệu đánh giá giả, đồng thời có xử phạt thích đáng đến 5 triệu người bán thực hiện hành vi gian lận nhằm thao túng các đánh giá.
Tuy nhiên, một chuyên gia tư vấn tin rằng việc thao túng đánh giá trên Amazon vẫn sẽ diễn ra như cơm bữa vì người bán hoàn toàn có thể lợi dụng những điểm yếu trong chính sách của trang bán hàng để 'lách luật'. Bên cạnh đó, có rất nhiều khách hàng giống như Jessica, tình nguyện để lại đánh giá tích cực để nhận được lợi ích nhất định.
Hầu như mỗi ngày Jessica đều nhận được hàng đặt từ Amazon, mặc dù điều này khiến bạn trai của cô vô cùng khó chịu. Sau khi nhận hàng, Jessica sẽ cẩn thận lấy chúng ra, chụp hình rồi đăng chúng lên phần bình luận kèm với đánh giá 5 sao. Jessica khẳng định với Buzzfeed cô đầu tư không ít công sức vào bình luận của mình nhưng không bao giờ thẳng thắn nhận xét về chất lượng của sản phẩm. Điểm tương đồng ở tất cả các bài nhận xét là đánh giá 5 sao.
Jessica làm việc với người bán thông qua email và nhiều ứng dụng bao gồm Facebook Messenger và Whatsapp. Nhiều người bán còn tỉ mẩn hướng dẫn cô gõ từ khóa để tìm kiếm sản phẩm bởi việc này cũng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm trên hệ thống Amazon. Thêm nữa, Jessica được chỉ định đánh giá sản phẩm sau khi nhận nó khoảng 5-6 ngày nhằm tăng tính tin cậy của bài nhận xét.
Tất cả những thông tin về sản phẩm hay số tiền nhận được từ người bán, Jessica đều cẩn thận ghi chú lại trong một bảng tính. Tính đến thời điểm trả lời phỏng vấn cho Buzzfeed, Jessica vẫn chưa nhận được tiền từ người bán cho 117 sản phẩm với số tiền hơn 2.200 đô la (khoảng 51 triệu đồng). Trên Amazon, người bán nhận được rất nhiều lợi ích từ những đánh giá tích cực được viết bởi người dùng như Jessica.
Hầu hết các sản phẩm trên Amazon đều không do chính Amazon đăng bán mà thuộc về bên thứ 3. Theo báo cáo năm 2018 của Amazon, khách hàng đã chi 160 tỷ USD (hơn 3,7 nghìn tỷ đồng) để mua hàng từ người bán thuộc bên thứ 3, chiếm 58% doanh thu trên toàn trang. Chính CEO của Amazon, tỷ phú Jeff Bezos, cũng thừa nhận bên thứ 3 chiếm đa số thị phần của Amazon.
Mỗi ngày, có hàng nghìn người bán mới đăng kí bán hàng trên Amazon, rất nhiều trong số đó đến từ Trung Quốc. Theo một bài báo của Wall street năm 2018, cứ mỗi 1/50 giây thì lại có một sản phẩm đến từ người bán Trung Quốc được đăng bán. Chính vì thị trường ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ nên rất nhiều người bán tổ chức các chương trình give away tặng miễn phí các sản phẩm để thu hút khách hàng. Việc làm của Jessica giúp thuyết phục khách hàng mua sản phẩm đồng thời nâng cao uy tín của người bán trên Amazon.
Theo ông John LeBaron, giám đốc doanh thu của Pattern, một công ty tư vấn thương mại điện tử, các đánh giá không chỉ tác động lớn đến doanh số bán hàng mà còn ảnh hưởng đến thứ hạng tìm kiếm. Theo nghiên cứu của công ty ông, mức tăng 1 sao có thể giúp doanh thu doanh nghiệp tăng thêm 26%. Ông LeBaron khẳng định việc có được thứ hạng tìm kiếm cao mang đến hàng chục nghìn đô la cho người bán mỗi tháng.
Đơn cử như từ khóa 'kính râm cho đàn ông', những người bán lọt vào top 5 của kết quả tìm kiếm có thể thu về trung bình 60 nghìn đô la (hơn 1,3 tỷ đồng) mỗi tháng, top 10 có lợi nhuận 53 nghìn đô la (hơn 1,2 tỷ đồng). Chỉ cần người bán xuất hiện trong trang 1 kết quả cũng đủ thu về 42 nghìn đô la (hơn 974 triệu đồng).
Ông LeBaron cho biết việc thu hút khách hàng tiềm năng sẽ vô cùng tốn kém nhưng không đảm bảo các đánh giá tích cực. 'Cách dễ dàng và rẻ tiền nhất để làm ra lợi nhuận là gian lận. Trừ trường hợp Amazon đưa ra các chính sách hiệu quả nếu không thì người bán vẫn tha hồ sử dụng các chiêu trò để tăng lợi nhuận' - ông LeBaron nói.
Jessica lần đầu tiên biết được mánh lới này là nhờ vào quảng cáo trên Facebook về món quà là một bộ thìa đo lường cùng 1 đường link dẫn vào inbox của người bán. Sau khi làm theo chỉ dẫn là để lại nhận xét tích cực trên trang bán hàng, Jessica nhận được bộ thìa đo lường kèm khoản tiền cô đã bỏ ra để mua chúng. Lúc đó, Jessica vô cùng bất ngờ.
Sau đó, người bán mời Jessica vào một vài nhóm kín trên Facebook. Một trong số đó có đến 30 nghìn thành viên và hầu hết đều làm công việc review giả như Jessica.
Jessica cho biết hầu hết những người bán làm việc với cô đều là người Trung Quốc. Trong những kì nghỉ lễ của xứ sở tỷ dân, admin của các nhóm kín sẽ thông báo rằng quá trình hoàn tiền có thể kéo dài lâu hơn đồng thời người bán cũng sẽ không thể online để trả lời thắc mắc bởi họ đang tận hưởng thời gian nghỉ ngơi.
'Tôi thích nhận những món hàng. Nó giống như mỗi ngày đều là Giáng sinh vậy' - Jessica hào hứng nói về 'công việc' của mình. Không chỉ lấy về các sản phẩm cho mình mà Jessica còn sử dụng chúng làm quà biếu mọi người xung quanh hoặc đóng góp từ thiện quần áo mà cô không mặc vừa. Ngoài ra, Jessica còn kiếm được không ít lợi nhuận từ việc đăng bán những sản phẩm cô không có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh việc được người bán hoàn tiền và cho không sản phẩm, Jessica còn nhận được tiền thưởng từ Amazon, trung bình 100 đô la (hơn 2,2 triệu đồng) mỗi tháng.
Jessica đánh giá 5 sao đối với đa số các sản phẩm cô nhận được, chỉ trừ duy nhất 1 chiếc túi đeo chéo bị hư phần khóa cài. Cô chỉ đánh giá món hàng 3 sao nhưng vẫn nhận được số tiền hoàn 20 đô la (khoảng 460 nghìn đồng) từ người bán.
Theo kinh nghiệm của Jessica, những món đồ như quần áo hay đồ gia dụng, mà cô nhận được đều có chất lượng khá tốt, không thua kém sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, Jessica lại rất ngại sử dụng đồ điện tử, thường đi kèm với hướng dẫn sử dụng khó hiểu được ghi bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Jessica không tin tưởng sản phẩm làm đẹp và sức khỏe bởi bạn trai của cô, người có kiến thức về hóa học, đã tìm thấy không ít thành phần độc hại trong các món đồ này.
Dù cũng tiêu tốn không ít quỹ thời gian trong ngày nhưng công việc này khá nhàn hạ đối với Jessica và cũng không mang đến quá nhiều rủi ro.
'Tôi nghe nói nếu như hệ thống bắt được tôi gian lận, họ chỉ tiến hành xóa các bài đánh giá của tôi trên các trang bán hàng chứ không xóa tài khoản của tôi' - Jessica thích các món đồ miễn phí dù đôi khi chúng cũng rất vô dụng.
Đối với những khách hàng bình thường trên Amazon, họ rất đề cao các đánh giá tích cực và không hề biết chúng là thật hay giả. Thậm chí, những khách hàng thông minh cũng đôi lúc không thể biết được tính xác thực của các review và đa số mọi người sẽ chọn mua sản phẩm được đánh giá cao.
'Mỗi ngày, khách hàng trên Amazon sẽ tiếp xúc với những sản phẩm kém chất lượng nhưng được đánh giá cao. Dần dần, họ sẽ mất niềm tin với trang bán hàng' - James Thomson, một cựu nhân viên của Amazon, cho hay.
Để giảm thiểu gian lận, ông James tin rằng Amazon cần phải khai trừ những người bán lẫn khách hàng (như Jessica) thiếu trung thực và vi phạm các điều khoản quy định của trang bán hàng trực tuyến.
'Amazon cần phải bóp nghẹt những nhu cầu sử dụng đồ miễn phí của một bộ phận lớn người tiêu dùng' - ông James nói.
(Nguồn: Buzzfeed)