Chuyên gia bảo tồn người Đức Andrea Teufel đã có hơn 20 năm gắn bó với di sản Huế. Bà vẫn được đồng nghiệp gọi với tên thân mật là Bobo. Không chỉ cống hiến cho việc phục chế nhiều hiện vật cổ và di sản tại Huế, bà còn tận tâm giáo dục giới trẻ quan tâm đến nỗ lực bảo tồn di tích cũng như trân trọng những giá trị nghệ thuật và lịch sử của thành phố này.
Sau hơn 20 năm, bà Andrea Teufel nói bà đã đã coi Huế là nhà của mình. Bà nói: 'Tôi luôn muốn sống ở Huế. Huế là nhà của tôi'.
Bà Andrea đến Huế lần đầu tiên vào năm 2003 và khởi đầu chuyến đi này, bà nói mình chỉ dự định thời gian lưu lại đây là 3 tháng. Nhưng bà không ngờ rằng chuyến đi này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
'Thực ra chuyến đi chỉ dự kiến trong 3 tháng nhưng điều nằm ngoài dự kiến là tôi lại đem lòng yêu Việt Nam' - bà Andrea nói trong cuộc trò chuyện tại chương trình Talk VietNam - 'Tôi lưu luyến, muốn ở lại nơi này lâu hơn'.
'Và tôi cảm thấy có nhiều điều mình có thể làm được ở đây với nghề nghiệp của mình. Tôi thấy vẻ đẹp của Huế và muốn đóng góp một phần để bảo tồn nó' - bà Andrea nói tiếp.
Cũng theo chia sẻ của bà Andrea tại Talk VietNam, Huế không phải là điểm đến đầu tiên bà lựa chọn khi đến Việt Nam. Nhưng sau đó, khi phát hiện ra Huế, bà cảm thấy rất vui mừng.
'Thực ra lúc đó họ đang tìm người phục chế bức tranh tường ở cung An Định và đây là lĩnh vực chuyên môn của tôi. Khi tôi hạ cánh ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy choáng ngợp trước sự ồn ào, giao thông đông đúc và cuộc sống hiện đại nơi đây. Nhưng tôi rất mừng khi được đến Huế và tôi cảm thấy thích thú với vẻ đẹp đặc biệt của thành phố này. Tôi đã tự nhủ đây là một địa điểm hoàn hảo'.
Nói về những khó khăn trong quá trình trùng tu các công trình ở Huế, chuyên gia người Đức cho biết: 'Huế vẫn như thế. Nhiều địa điểm, các lăng mộ và Đại Nội Huế, vẫn trong tình trạng xuống cấp nặng. Tôi đã cố nghĩ cách để trùng tu'.
'Dần dần tôi nhận ra rằng khí hậu ở Huế chính là thách thức lớn nhất'.
Về niềm đam mê với công việc trùng tu, chuyên gia Andrea cho biết lý do khiến bà gắn bó với công việc này là nó mang đến cho bà nhiều cơ hội khám phá, luôn mới mẻ.
'Tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa khoa học, nghệ thuật và thủ công. Phạm vi công việc này rất rộng. Tôi không chỉ chuyên phục chế tranh tường mà còn chuyên về thạch cao. Tôi phục hồi những bức tranh tường và cả những bức khảm. Tôi có thể làm được rất nhiều thứ nên công việc luôn mới mẻ, luôn cho tôi cơ hội khám phá'.
'Tôi cũng rất thích nghiên cứu những điều mới mẻ' - chuyên gia Andrea nói tiếp - 'Ví dụ như ở điện Phụng Tiên nơi chúng tôi đang làm việc, chúng tôi đã tìm thấy một số mảnh gạch lát sàn cũ từ đại nội. Khi nghiên cứu sâu hơn, tôi đã phát hiện ra những điều vô cùng thú vị về những viên gạch này'.
'Chúng rất độc đáo vì người Việt khi xưa đã cố gắng tự sản xuất gạch từ mô hình của người Pháp thay vì phải nhập khẩu từ Pháp. Do đó, họ đã tự sản xuất bằng nguyên liệu địa phương. Điều này thật tuyệt vời'.
Bà Andrea cũng nói thêm rằng công việc của bà phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm hoạt động.
'Cụ thể như ở Huế, công việc của tôi khá là khắc nghiệt' - bà nói - 'Phải đương đầu với cái nóng, nắng và mưa nên đòi hỏi phải có sức khỏe tốt'.
Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu, điện thờ quan trọng của triều Nguyễn. Tiền thân điện Phụng Tiên có tên là Điện Hoàng Nhân, được xây dựng năm 1814 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1829, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Điện Phụng Tiên. Và năm 1837, vua Minh Mạng cho dời điện đến vị trí ngày nay. Đây là nơi thờ các vua và hoàng hậu của triều Nguyễn - nơi mà nữ giới thuộc hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói hàng ngày.
Qua biến thiên của lịch sử, ngôi điện đã bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng, các cổng, hệ thống tường bao quanh, bức bình phong. Cảm thấy tiếc nuối cho giá trị của một công trình lịch sử, bà Andrea đã cùng các đồng nghiệp kêu gọi tài trợ để bảo tồn, phục hồi các công trình còn lại tại khu vực Điện Phụng Tiên.
Và năm 1837, vua Minh Mạng cho dời điện đến vị trí ngày nay. Đây là nơi thờ các vua và hoàng hậu của triều Nguyễn, nơi mà nữ giới thuộc hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói hàng ngày.
Qua biến thiên của lịch sử, ngôi điện đã bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng, các cổng, hệ thống tường bao quanh, bức bình phong. Cảm thấy tiếc nuối cho giá trị của một công trình lịch sử, bà Anderea đã cùng các đồng nghiệp kêu gọi tài trợ để bảo tồn, phục hồi các công trình còn lại tại khu vực Điện Phụng Tiên.
Tại đây, những thiết bị hiện đại đã được sử dụng như công nghệ phun rửa áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng. Hệ thống gia nhiệt của máy sẽ đun hơi nước đến nhiệt độ lên đến 100 độ C, làm sạch bụi bẩn, nấm mốc trên bề mặt và bên trong lớp tường.
Tại đây, những thiết bị hiện đại đã được sử dụng như công nghệ phun rửa áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng. Hệ thống gia nhiệt của máy sẽ đun hơi nước đến nhiệt độ lên đến 100 độ C, làm sạch bụi bẩn, nấm mốc trên bề mặt và bên trong lớp tường.
Để cho bước tiếp theo có thể thực hiện được kỹ thuật 'fresco' - một phương pháp vẽ tranh tường dùng màu dạng bột trộn với nước đắp lên bức tường thạch cao mới còn ướt, không cần dùng keo. Kỹ thuật này đòi hỏi nghiên cứu cẩn thận về tỉ lệ pha trộn nguyên liệu, trát vá tỉ mỉ nhằm giữ màu của thời gian.
Kỹ thuật này đã có từ khoảng 4000 năm trước và nhiều công trình trên thế giới đã áp dụng. Nhưng sau đó kỹ thuật này đã bị lãng quên. Bà Andrea cùng các cộng sự đã nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật fresco phù hợp ở Huế để bảo tồn và phục hồi di tích Điện Phụng Tiên.
Điều mà bà Andrea luôn trăn trở là Điện Phụng Tiên bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh nên nhiều người không biết hết được vẻ đẹp và giá trị của nơi đây. Bà cũng đã đưa ra nhiều ý tưởng kết hợp với những chuyên gia Việt Nam để chia sẻ thông tin thu hút sự quan tâm của du khách đến với nơi này. Việc áp dụng kỹ thuật bảo tồn truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại đã trả lại vẻ đẹp giá trị cho các công trình, đặc biệt là tái hiện hình ảnh tổng thể kiến trúc Điện Phụng Tiên, thông qua hoạt động phục dựng ảo.
Trong cuộc trò chuyện tại Talk VietNam, trước câu hỏi bản thân bà có trực tiếp tham gia vào việc chuyển giao công nghệ và truyền đạt lại kiến thức cho thế hệ sau hay không? Chuyên gia Andrea nói: 'Đối với tôi, việc biên soạn sách hướng dẫn rất quan trọng. Sách hướng dẫn bao gồm những phần mô tả ngắn gọn của từng bước và cả công thức cụ thể. Sau này, kể cả khi tôi không còn ở Việt Nam, thì kiến thức sẽ vẫn nằm trong tay người Việt'.
'Và họ cũng học hỏi để tự thực hiện những kỹ thuật đó' - chuyên gia người Đức nói tiếp - 'Tôi vẫn luôn nói mọi người phải tự làm. Công thức thì có rồi, từ đó, sẽ tạo ra vật liệu cần thiết. Nhưng điều cực kỳ quan trọng là họ phải hiểu được toàn bộ quá trình'.
'Không phải người này chỉ biết công đoạn này, người kia chỉ biết công đoạn kia, mà mọi người đều phải làm được từ đầu đến cuối'.