Tưởng bỏng nhiệt, đi khám phát hiện Zona thần kinh
BSCKII Nguyễn Xuân Huyến, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện E cho biết, người bệnh lớn tuổi (72 tuổi), có tiền sử mắc u lympho. Trước khi nhập viện 5 ngày, người bệnh xuất hiện triệu chứng đau nhức mạng sườn trái.
Người bệnh tự ý sử dụng dầu nóng để giảm đau, nhưng sau đó lại phát hiện nhiều mụn phỏng nước tại vùng mạng sườn. Nghĩ đây là bỏng nhiệt, người bệnh đến khám tại bệnh viện chuyên ngành về bỏng và được các bác sĩ chẩn đoán ban đầu là zona thần kinh trên nền u lympho.
Thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
Sau đó, người bệnh quyết định chuyển về điều trị tại Bệnh viện E. Mặc dù người bệnh đến viện muộn, các bác sĩ tại Khoa Nội thần kinh đã nhanh chóng triển khai phác đồ điều trị toàn diện: Sử dụng thuốc kháng virus cho người bệnh: Đây là biện pháp quan trọng để kiểm soát sự phát triển của bệnh.
Kháng sinh đường tĩnh mạch giúp phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ bội nhiễm. Chăm sóc da chuyên sâu: Kết hợp với Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt để chăm sóc da hàng ngày, giảm nguy cơ để lại sẹo và tổn thương da kéo dài cho người bệnh.
Sau hai tuần điều trị, người bệnh đã ổn định và được xuất viện.
Biến chứng nguy hiểm gần 20 năm bác sĩ mới gặp
Theo BSCKII Nguyễn Xuân Huyến, đây là trường hợp người bệnh mắc zona thần kinh bị biến chứng nguy hiểm và rất nặng mà gần 20 năm qua, bác sĩ Huyến mới gặp. Bệnh zona thần kinh, hay còn được gọi là bệnh giời leo, là một tình trạng nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra, thường gặp ở những người lớn tuổi hoặc có hệ miễn dịch suy giảm.
Ở các đối tượng này, bệnh dễ dẫn đến các biến chứng nặng nề như đau rát, ngứa ngáy và nổi mụn nước trên da; đặc biệt là đau sau zona như đau dây thần kinh kéo dài, ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm lý và sức khỏe người bệnh.
Chăm sóc tổn thương cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
Như đối với người bệnh này, các triệu chứng của bệnh khá điển hình và trầm trọng với vùng da bị tổn thương xuất hiện các mẩn đỏ, các cụm mụn nước nhỏ chứa dịch xâm chiếm phần eo lưng kéo dài và lan rộng ra vùng bụng. Những mụn nước này thường mọc thành dải hoặc thành vùng, theo đường đi của dây thần kinh khiến người bệnh có cảm giác đau nhức dữ dội nghiêm trọng và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Đặc biệt, cơn đau có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi mụn nước đã lành, được gọi là đau dây thần kinh sau zona. Cơn đau mãn tính này khiến người cao tuổi thường xuyên mệt mỏi, suy nhược, giảm sức đề kháng và mất khả năng chịu đau.
Các bác sĩ lưu ý, các triệu chứng đau nhức, mụn phỏng nước thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đau cơ, đau dây thần kinh liên sườn, nên khi thấy các dấu hiệu đau bất thường hoặc có mụn nước, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân.
Bởi vì việc điều trị căn bệnh này trong 72 giờ đầu là rất quan trọng. Khởi động phác đồ kháng virus trong vòng 3 ngày đầu có vai trò quyết định trong việc giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh.
BSCKII Nguyễn Xuân Huyến nhấn mạnh, trường hợp người bệnh 72 tuổi trên là minh chứng rõ nét về sự nguy hiểm của Zona thần kinh nếu không được điều trị đúng cách. Sự phối hợp điều trị chuyên môn giữa các chuyên khoa tại Bệnh viện E như Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, khoa Nội thần kinh… đã mang lại kết quả tốt, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, để hạn chế biến chứng và giảm gánh nặng bệnh tật, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phòng ngừa chủ động vẫn là yếu tố then chốt.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với đối tượng nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền như ung thư, u lympho, hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch nên chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh Zona.
Việc tiêm vắc xin phòng Zona không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn giảm mức độ nghiêm trọng nếu bệnh xảy ra. Đặc biệt, với những người lớn tuổi và người có bệnh lý nền, đây là một biện pháp chủ động, hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khi người cao tuổi mắc bệnh zona thần kinh, việc điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm thiểu triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi. Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị thuốc kháng sinh, giảm đau… người bệnh cần chú ý chăm sóc và vệ sinh vùng da bị zona để tránh nhiễm trùng.
Kết hợp với chế độ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, tăng cường protein và các axit béo omega-3...
Theo dõi và phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc đau kéo dài sau zona. Tái khám định kỳ giúp bác sĩ đánh giá mức độ phục hồi, điều chỉnh thuốc nếu cần và dự phòng biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.