Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên hay tổn thương một nhánh mạch vành bên phải hoặc bên trái nhưng trường hợp bệnh nhân này thì nhồi máu ở cả hai thành trước và dưới, tổn thương nặng cả hai nhánh mạch vành nên phải can thiệp đặt 2 nhánh cùng một lúc.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa tiếp nhận một trường hợp nhồi máu cơ tim nguy kịch lúc giữa đêm. Nhờ sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ Khoa can thiệp tim mạch, bệnh nhân đã được cứu sống, thoát khỏi nguy cơ tử vong trong gang tấc.
Loại nhồi máu hiếm gặp nghiêm trọng nhất
Giữa đêm, anh H. N. C (36 tuổi, Hóc Môn) đột ngột đau tức ngực kèm nôn ói, cơn đau ngày càng tăng nên anh được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cấp cứu.
Các bác sĩ lập tức tiến hành thăm khám và xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm tim và xét nghiệm men tim. Kết quả được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành trước và thành dưới giờ thứ 2. Bệnh nhân được dùng thuốc và hội chẩn khẩn bác sĩ Can thiệp tim mạch để chụp và can thiệp mạch vành dưới DSA nhanh chóng tái tưới máu nuôi tim cho bệnh nhân.
Không để lãng phí thời gian, ekip Can Thiệp Tim Mạch đã nhanh chóng đưa bệnh nhân vào phòng DSA. Kết quả chụp tắc hoàn toàn nhánh vành phải (RCA), bán tắc nhánh vành trái (LAD), các bác sĩ tiến hành đặt 1 stent cho nhánh bên trái (LAD) và 2 stent cho nhánh bên phải (RCA) giúp khôi phục lại dòng máu nuôi tim.
Sau khi hoàn tất can thiệp, tình trạng đau ngực của người bệnh đã giảm đáng kể. Nhờ sự chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng, chính xác của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, anh C đã vượt qua cơn nguy kịch và được xuất viện sau 07 ngày điều trị.
Chia sẻ về ca bệnh này, ThS. BS. Trần Tấn Việt, Trưởng Khoa Can Thiệp tim Mạch BVĐK Xuyên Á cho biết: 'Đây là trường hợp hiếm gặp, bởi vì thường nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên hay tổn thương một nhánh mạch vành bên phải hoặc bên trái nhưng trường hợp bệnh nhân này thì nhồi máu ở cả hai thành trước và dưới, tổn thương nặng cả hai nhánh mạch vành nên phải can thiệp đặt 2 nhánh cùng một lúc.
Trường hợp này ít gặp trên lâm sàng và xử lý cũng khó hơn so với trường hợp chỉ bị tổn thương một nhánh mạch vành'.
BSCKI Nguyễn Đức Hưng, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội cho biết, nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI) là hội chứng mạch vành cấp tính nghiêm trọng nhất, xảy ra khi một động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tim. Hệ quả là cơ tim chết từ từ mà không thể tự phục hồi hoặc tái tạo.
Nếu cơ tim bị tổn thương quá nhiều, điều này dẫn đến một trạng thái gọi là sốc tim, thường gây tử vong. Ngoài ra, thiếu máu cục bộ cơ tim cũng có khả năng gây ra một nhịp tim nguy hiểm (nhịp nhanh thất hoặc rung thất), có thể khiến người bệnh ngừng tim và đột tử.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
Nhiều biến chứng nghiêm trọng
Theo BSCKI Nguyễn Đức Hưng, Cơ chế dẫn tới một cơn nhồi máu cơ tim STEMI là:
- Mảng xơ vữa tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim. Sự tích tụ mảng xơ vữa là căn nguyên gây hẹp lòng động mạch vành. Khi mảng xơ vữa vỡ ra, tạo điều kiện thuận lợi hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành.
- Khi bị tắc nghẽn, phần cơ tim được cung cấp máu bởi động mạch đó sẽ nhanh chóng bị thiếu oxy, còn gọi là thiếu máu cục bộ. Một số cơ tim bắt đầu chết, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng nhồi máu cơ tim có ST chênh lên ở mỗi người không giống nhau. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau xung quanh bả vai, cánh tay, ngực, hàm, bụng trên.
- Đau hoặc cảm thấy đè nặng xung quanh vùng ngực, còn gọi là đau thắt ngực.
- Đổ mồ hôi, khó thở.
- Khó chịu hoặc nặng tức ở cổ/cánh tay.
- Khó tiêu, khó chịu ở dạ dày và ngực.
- Ợ chua.
- Buồn nôn và nôn.
- Mệt mỏi, kiệt sức.
- Chóng mặt.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Yếu tố nguy cơ.
Cơn nhồi máu cơ tim có ST chênh lên có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:
Rối loạn nhịp tim: Các cơ bị tổn thương làm gián đoạn sự truyền tín hiệu điện điều khiển tim, gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim với các dạng như tim đập quá nhanh (nhịp tim nhanh trên thất), đập quá chậm (nhịp tim chậm), đập không đều (rung tâm nhĩ)…
Suy tim: Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả. Biến chứng này có thể phát triển sau một cơn nhồi máu cơ tim nếu cơ tim bị tổn thương quá nhiều, thường là ở phía tim trái (tâm thất trái).
Sốc tim: Cơ chế của sốc tim tương tự như suy tim nhưng nghiêm trọng hơn. Nó xảy ra khi cơ tim bị tổn thương quá mức, không còn khả năng bơm đủ máu để duy trì nhiều chức năng của cơ thể. Lúc này có người bệnh có thể rơi vào tình trạng tụt huyết áp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vỡ tim: Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng tương đối hiếm gặp của nhồi máu cơ tim, khiến các cơ thành tim bị tổn thương và thủng. Vỡ tim có khả năng xảy ra nếu tim bị tổn thương nặng nề trong vòng 1-5 ngày kể từ khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện.
Khi có biến chứng này tiên lượng cho những người bệnh rất xấu. Người ta ước tính rằng cứ 2 người bị vỡ tim do nhồi máu cơ tim thì có 1 người tử vong trong vòng 5 ngày sau đó.
Can thiệp 2 nhánh mạch vành, cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp hiếm gặp - Ảnh BVCC
Cách phòng ngừa bệnh
Yếu tố nguy cơ gây ST chênh lên trong nhồi máu cơ tim được chia thành 2 nhóm: nhóm yếu tố có thể kiểm soát và nhóm yếu tố không thể kiểm soát.
Các yếu tố có thể kiểm soát:
- Hút thuốc lá.
- Chế độ ăn uống thừa muối (làm tăng huyết áp), đường (gây bệnh đái tháo đường) hoặc chất béo xấu (tăng nguy cơ xơ vữa động mạch).
- Lối sống ít vận động.
- Uống quá nhiều rượu.
- Lạm dụng ma túy (đặc biệt là chất kích thích như amphetamine, cocaine hoặc các loại thuốc ảnh hưởng đến tim).
- Lạm dụng rượu bia là một trong những yếu tố đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Các yếu tố không thể kiểm soát:
-Tuổi tác: Bạn càng lớn tuổi, khả năng bị nhồi máu cơ tim càng tăng lên.
- Giới tính: Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng cao đối với nam giới sau tuổi 45. Trong khi đó, phần lớn phụ nữ trên 50 tuổi hoặc sau khi mãn kinh mới đối mặt với nguy cơ này.
- Tiền sử gia đình: Nếu bạn có cha mẹ hoặc anh chị em bị nhồi máu cơ tim, nguy cơ của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
- Ngoài ra, nếu bạn có cha/anh trai được chẩn đoán mắc bệnh tim trước 55 tuổi hoặc mẹ/chị gái bị bệnh tim trước 65 tuổi, bạn cũng tăng khả năng bị nhồi máu cơ tim.
- Di truyền hoặc bẩm sinh: Một số tình trạng bệnh lý bẩm sinh hoặc di truyền (chẳng hạn như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp…) có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Để chẩn đoán cơn nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng cũng như kết quả cận lâm sàng của người bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể khai thác tiền sử gia đình, tình trạng bệnh lý cũng như thói quen ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Các cận lâm sàng thường được chỉ định để xác nhận hoặc loại trừ cơn nhồi máu cơ tim có ST chênh lên bao gồm:
Điện tâm đồ (EKG): là chìa khóa để chẩn đoán STEMI, giúp xác định có đoạn ST chênh lên trên điện tâm đồ hay không.
Siêu âm tim: Xét nghiệm hình ảnh phổ biến nhất được sử dụng khi nghi ngờ cơn nhồi máu cơ tim là siêu âm tim.
Phương pháp này sử dụng nguyên lý sóng siêu âm để quan sát cấu trúc tim cũng như sự vận động và chức năng của quả tim.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI): giúp bác sĩ xác định vị trí hẹp và tắc nghẽn trong lòng động mạch. Tuy nhiên, kỹ thuật này không thể thay thế hoàn toàn được việc chụp động mạch vành qua da.
Xét nghiệm troponin T: Khi cơ tim bị tổn thương, một lượng lớn troponin T sẽ được giải phóng vào máu. Xét nghiệm này giúp định lượng nồng độ troponin T trong máu, từ đó chẩn đoán cơn nhồi máu cơ tim cấp cũng như các bất thường ở tim.
Khi gặp phải cơn STEMI, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Việc cấp cứu kịp trong thời điểm 'giờ vàng' sẽ tăng cơ hội tái thông lòng mạch, giảm tổn thương cơ tim và giảm nguy cơ để lại di chứng sau điều trị.