Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng cho biết, hằng năm, thông qua các kênh khác khau như: Tư vấn qua Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên (Tổng đài 111 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên); Tổng đài tư vấn dịch vụ Công tác xã hội (02362.214668) và tư vấn trực tiếp, Trung tâm đã tiếp nhận và tư vấn khoảng 30 trường hợp trẻ em bị xâm hại trên mạng.
Một số hình thức trẻ bị xâm hại trên mạng thường thấy như lừa đảo qua mạng, xem nội dung không phù hợp với lứa tuổi, kết giao với bạn bè xấu, bị bắt nạt trên mạng, nghiện internet, bị lộ thông tin cá nhân, bị xâm hại tình dục qua mạng,...
Trẻ em đối diện nhiều nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. (Ảnh minh họa)
Theo trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng, ngày nay, thông qua internet, trẻ em được học tập và kết nối thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Các trải nghiệm của trẻ không còn giới hạn trong khuôn khổ gia đình, lớp học hoặc nơi mình sinh sống mà trẻ có thể kết nối với mọi người trên khắp thế giới.
Trẻ em sử dụng Internet từ rất sớm nhưng lại không có đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình khỏi các nguy cơ bị xâm hại tình dục qua phòng chat, video trực tiếp, camera trên web, điện thoại thông minh,.. Đồng thời, trẻ em tiếp nhận sớm và công nghệ đã phát triển với tốc độ nhanh chóng nên cha mẹ, người giám hộ và người chăm sóc có thể gặp khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.
Đặc biệt, sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em đã phải tiếp xúc môi trường mạng nhiều hơn cho việc học online cũng như duy trì các mối quan hệ trong thời gian giãn cách, điều này dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng cao.
Trẻ em ngày nay được tiếp xúc với môi trường internet rất sớm để phục vụ học tập, giải trí. (ảnh minh họa)
Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng đã hỗ trợ can thiệp một số trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Trong đó có trường hợp trẻ bị đe dọa bởi thủ phạm ghép hình ảnh trẻ vào hình ảnh khiêu dâm khác hoặc có trường hợp trẻ bị thủ phạm cho xem những hình ảnh khiêu dâm trên mạng, trẻ bị bạn bè lập nhóm nói xấu, đặt điều trên mạng,...
“Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã cử cán bộ liên hệ với UBND phường để xác minh sự việc, hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ phường tiến hành đánh giá rủi ro, lập và triển khai kế hoạch hỗ trợ cho trẻ, đồng thời kết nối các dịch vụ can thiệp – hỗ trợ, bao gồm kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần, tham vấn tâm lý cho trẻ và trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn, bảo vệ bản thân khỏi những xâm hại trên mạng”, lãnh đạo Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng cho hay.
Theo Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng, để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng thì cần những giải pháp như: Trong quá trình thực hiện quy trình tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan;
Phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng các loại hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm tăng cường nguồn lực kết nối, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và những nơi kém phát triển;
Ban hành các chính sách, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin- truyền thông có trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho phụ huynh, giáo viên, học sinh;
Ngoài ra, cần xây dựng các công cụ kỹ thuật, phần mềm ứng dụng để phòng ngừa xâm hại trên môi trường mạng như ứng dụng phát hiện hành vi dụ dỗ, quấy rối, công cụ chặn lọc nội dung,...
Đối với cha mẹ, cần tìm hiểu về đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ ở mỗi giai đoạn; sẵn sàng tìm hiểu thêm về cả lợi ích và rủi ro trên internet, cách sử dụng internet thông minh và an toàn; sẵn sàng lắng nghe và học từ trẻ; tôn trọng và cùng trẻ đưa ra các giải pháp để phòng tránh rủi ro trên môi trường mạng hiệu quả; luôn chia sẻ, quan tâm, thấu hiểu trẻ; tạo sự tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ các thông tin cũng như những vấn đề mà trẻ gặp phải để hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, cha mẹ cần cung cấp cho trẻ thông tin về đường dây nóng và tổng đài trợ giúp cũng như các kênh hỗ trợ khác, những người tin cậy mà trẻ có thể liên hệ khi cần hỗ trợ.