Các mã cổ phiếu dưới 5.000 đồng/cp thường được gọi với cái tên “cổ phiếu trà đá” hay cổ phiếu penny. Điều này đồng nghĩa, chỉ cần bỏ ra số tiền rất nhỏ, nhà đầu tư đã có thể sở hữu cổ phần của một công ty trên sàn.
Dưới đây là thống kê một số cổ phiếu giá 'siêu rẻ', dưới 5.000 đồng/cp và đang được giao dịch trên sàn HOSE – nơi có nhiều yêu cầu và điều kiện ràng buộc khắt khe để được niêm yết hơn là sàn HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội).
Tùy vào khẩu vị, nhà đầu tư có thể chọn các phân khúc giá cổ phiếu khác nhau. Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và trung bình trong một thời gian dài sẽ ít biến động.
Trong khi đó, dòng tiền có thể tìm đến những cổ phiếu giá rẻ để tận dụng những biến động ngắn hạn. Đặc tính của nhóm cổ phiếu nhỏ là, chỉ cần một dòng tiền vừa đủ đã có thể làm khan lượng hàng trôi nổi trên thị trường và kích thích tâm lý đầu cơ của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group nhận xét, việc dòng tiền đầu cơ tìm đến nhóm cổ phiếu nhỏ là điều bình thường trong một xu hướng phục hồi. Thường ở giai đoạn đầu phục hồi từ đáy của thị trường chứng khoán, các dòng cổ phiếu nhỏ sẽ được ưu tiên vì không mất quá nhiều chi phí vốn để mua, trong khi biên độ dao động giá lại lớn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư phải cẩn trọng khi đầu tư vào các cổ phiếu giá rẻ, bởi nhiều cổ phiếu trong nhóm này thuộc các doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, có kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm liền, lượng thanh khoản cũng rất thấp.
Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu nên là các doanh nghiệp thuộc ngành có khả năng phục hồi sớm, doanh nghiệp có sự chuyển biến trong kết quả kinh doanh, thành công trong việc cơ cấu lại và nhóm doanh nghiệp có dòng tiền, tình hình tài chính ổn định nhất định để tồn tại qua khó khăn.
Trong 9 doanh nghiệp trên sàn HOSE có giá cổ phiếu dưới 5.000 đồng/cp, hầu hết đều đang gặp vấn đề về tài chính lâu năm, cổ phiếu bị bán tháo, thanh khoản kém.
Một số cổ phiếu giá dưới 5.000 đồng/cp đang giao dịch trên sàn HOSE.
Cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) là một ví dụ. Sau nước đi sai lầm của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), công ty đã được bán cho Thaco Group của tỷ phú Trần Bá Dương.
Mặc dù đã nhiều năm cố gắng vực dậy HAGL Agrico, vị tỷ phú phải thừa nhận “Không còn cách nào khác là phải lỗ. Những cái gì trước đây trong sổ sách để chỗ này, đưa chỗ kia để tránh lỗ thì cho lỗ hết, cho sạch, để sau đó làm cho căn cơ, chấp nhận hủy niêm yết để sau này trở lại mạnh mẽ hơn”.
Từ giá vùng 35.000 đồng/cp từ thời điểm chào sàn (2015), cổ phiếu HNG đã rơi về mức 4.170 đồng/cp chốt phiên 7/8. Hiện tại, HAGL Agrico đã nhận được thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HNG do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.
Tính tới cuối tháng 6/2024, tổng số lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã lên gần 8.472 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu giảm về dưới 2.387 tỷ đồng.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Cổ phiếu này bị vào diện cảnh báo và hạn chế giao dịch do chưa nộp báo cáo kiểm toán năm 2023 và vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm. Hiện tại cổ phiếu ITA giao dịch vùng 3.630 đồng/cp.
Tập đoàn Tân Tạo cho biết đã gửi đơn xin tạm hoãn công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và Báo cáo thường niên 2023 vì lý do bất khả kháng nhưng vẫn chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phản hồi.
Tập đoàn Tân Tạo cũng cho biết việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán 4 kiểm toán viên thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021, 2022 và soát xét bán niên 2023 (gồm 2 kiểm toán viên của Ernst & Young Việt Nam và 2 kiểm toán viên của AASCS) cho tập đoàn này một cách bất thường, không minh bạch khiến tất cả công ty kiểm toán khác đều “sợ kiểm toán” cho ITA cũng sẽ bị đình chỉ tư cách kiểm toán viên tương tự.
Theo Tập đoàn Tân Tạo, lãnh đạo các công ty kiểm toán cho biết chỉ dám thực hiện kiểm toán cho tập đoàn nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE có văn bản chính thức cho phép, không tìm cách gây khó khăn và đình chỉ tư cách kiểm toán viên có thời hạn.
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã: TTF) từng được ví như 'vua gỗ', doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm gỗ, lại đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn. Lỗ lũy kế tính đến hết tháng 6/2024 là 3.231 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu của công ty liên tục trượt dài, khiến các nhà đầu tư ngày càng thất vọng. Chốt phiên 7/8, cổ phiếu TTF chỉ còn 3.410 đồng/cp, so với mức đỉnh 17.000 đồng/cp thiết lập đầu năm 2022. Hiện tại, cổ phiếu TTF còn đang rơi vào diện cảnh báo của HOSE.
Trong báo cáo giải trình về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo quý II/2024, ban lãnh đạo TTF cho biết, công ty đã nỗ lực duy trì mối quan hệ với các đối tác và khách hàng trong và ngoài nước, không phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào.
Gỗ Trường Thành cho biết thêm, công ty đã giải quyết các tồn đọng liên quan đến nợ thuế từ năm 2012 đến 2022, giúp quá trình hoàn thuế GTGT trở lại bình thường và cải thiện đáng kể dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, ban lãnh đạo TTF rất lạc quan, cho rằng sẽ đạt được kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh sắp tới, từ đó từng bước giảm thiểu và xóa bỏ lỗ lũy kế, khắc phục tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.
Cổ phiếu TTF từng được kì vọng lên vùng giá 30.000 đồng/cp nhưng sự thật, cổ phiếu đã rơi thảm về dưới 5.000 đồng/cp.
Một trường hợp đặc biệt là CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG) khi cổ phiếu công ty này từng thu hút nhiều nhà đầu tư với vùng giá 28.000 đồng/cp nhưng giờ đã rơi thảm về còn chưa tới 2.000 đồng/cp.
Nguyên nhân là công ty này đã dính nhiều lùm xùm, từ việc các cựu lãnh đạo bị bắt, khởi tố về việc lừa dối khách hàng, Chủ tịch bán chui cổ phiếu, nợ bảo hiểm xã hội và nhiều lần khất nợ trái phiếu. Mới đây, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có quyết định mở thủ tục phá sản với LDG. Điều này khiến cổ phiếu LDG càng ngày càng giảm điểm.
Nếu nhìn về phía tích cực, cũng có những cổ phiếu được định giá rẻ so với giá trị thực. Giá cổ phiếu thấp chỉ do khó khăn tạm thời từ yếu tố vĩ mô.
Chẳng hạn, trong năm 2020, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ, PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam hay PVD của PV Drilling có giá dưới 10.000 đồng/cp. Vì thời gian này COVID-19 bùng nổ khiến giá dầu lao dốc. Ngành phân bón và ngành dầu khí, vốn hưởng lợi từ giá dầu cao, đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Nhưng đến năm 2021 khi giá dầu phục hồi, ngay lập tức ngành phân bón và dầu khí ghi nhận doanh thu, lợi nhuận cao. Từ đó kéo theo đó là giá cổ phiếu DPM, PVS và PVD tăng lên gấp 3, 4 lần.
Thực tế trên thị trường, cổ phiếu còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nữa. Do đó, nhà đầu tư cần có những nghiên cứu và phán đoán kỹ càng để đưa ra những quyết định phù hợp nhất.