MV There's No One At All của Sơn Tùng MT-P được xem là sản phẩm đánh dấu lần đầu tiên nam ca sĩ thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, hình ảnh, bối cảnh của MV cũng mang màu sắc quốc tế. MV hiện tại đã lên top 1 trending trên Youtube sau 12h công chiếu với 5 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn bình luận.
Tuy nhiên, bên cạnh độ hot của MV cũng như cái tên Sơn Tùng MT-P thì cũng có vô số những phản ứng trái chiều xoay quanh MV này, đặc biệt là câu chuyện và những hình ảnh trong MV.
Nội dung của MV xoay quanh nhân vật chính do nam ca sĩ thể hiện là một chàng trai bị bỏ rơi từ nhỏ, phải sống ở cô nhi viện và lớn lên trong sự bắt nạt của bạn bè, sự xa lánh, rè bỉu của xã hội. Không có sự yêu thương từ gia đình, nhân vật sống một cuộc đời đơn độc. Thứ duy nhất theo anh luôn mang theo là cuốn băng cát - xét như ghi lại cuộc đời của chính mình hay cũng chính là bản nhạc với tựa đề 'There's no one at all'.
Hình ảnh nổi loạn của Sơn Tùng trong MV
Bên cạnh những phân đoạn nhân vật nổi loạn, phá phách, trêu trọc người khác là những cảnh nội tâm đau khổ rằng xé, cảnh bị đánh đập. Điểm đáng nói là cái kết cuối MV, Sơn Tùng chạy trốn và kết thúc bằng cảnh buông xuôi và thả mình xuống từ tầng cao của tòa nhà.
Hình ảnh này lập tức gợi lại những câu chuyện đau lòng gần đây đang xảy ra liên tiếp khi nhiều bạn trẻ chọn cách tự tử sau những áp lực từ cuộc sống, học tập.
Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng đây là sản phẩm mang nhiều sắc thái tiêu cực nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Sơn Tùng. Và nó đã xuất hiện không đúng thời điểm.
Nhà báo Trần Thu Hà, tác giả của nhiều cuốn sách nuôi dạy con nổi tiếng cũng là diễn giả về giáo dục lên tiếng trên trang cá nhân: 'Rất mong Sơn Tùng M-TP điều chỉnh hoặc cắt bỏ đoạn cuối của clip "There's no one at all". Lúc này clip đã có 5 triệu views, nhưng đoạn kết thúc clip là những cảnh rất tiêu cực, quá ám ảnh, nhất là sau những chuyện tương tự vừa xảy ra mới đây.
Sơn Tùng là thần tượng của rất nhiều các bạn trẻ. Tuổi mới lớn nghe Sơn Tùng nhiều lắm. Những MV và hành động của Sơn Tùng sẽ ảnh hưởng đến rất lớn đến các bạn ấy. Nên dù chỉ 1 trẻ bắt chước theo đoạn cuối clip cũng là quá kinh hãi rồi, đúng không?'
Cảnh cuối trong MV của Sơn Tùng dấy lên những tranh cãi trái chiều
Nhà báo Trần Thu Hà cũng lấy dẫn chứng, GS.TS Nguyễn Phương Mai viết: 'Tự tử có tính lây lan (hiệu ứng Werther). Thanh thiếu niên học theo những gì người khác làm, nhất là khi một người nổi tiếng tự tử. Ví dụ, cái chết của Marilyn Monroe dẫn đến khoảng 200 vụ tự t ử diễn ra chỉ trong vòng một tháng sau đó. Điều tương tự xảy ra với cái chết của Choi Jin Sil, khiến tỷ lệ tự sát vọt lên 162%. Hiện tượng này cũng được ghi nhận bởi những người lính, học sinh và nhiều tầng lớp xã hội khác. Đây chính là lý do mà series truyền hình Netflix "13 Reasons Why" phải biên tập lại hình ảnh nhân vật chính Hannah cắt cổ tay trong bồn tắm, và series này vẫn tiếp tục được nghiên cứu cẩn thận vì nỗi lo sợ có thể làm tăng tỷ lệ tự t ử trong nhóm tuổi mới lớn.'
Nhà báo, diễn giả Trần Thu Hà bày tỏ quan điểm
Ngay dưới chia sẻ của chị Trần Thu Hà, nhiều người đã chia sẻ quan điểm của mình về câu chuyện này.
- Thật sự nếu cuối đoạn MV là cảnh giật mình sau giấc mơ tự tử, nhân vật bừng tỉnh và không có ý định đó nữa thì ok hơn. Kết bị shock quá. Có thể MV phản ánh phần nào đó của xã hội, nhưng kết MV như vậy nên cần kiểm duyệt trước khi phát hành. Gần đây có bộ phim Tomorrow của Hàn nói về những thần chết có nhiệm vụ giải cứu những người có ý định tử tự dù bất kỳ là người tốt hay xấu vì lý do gì thì người tự tử cũng rất đáng thương, không đáng trách. Dù biết chẳng có thần chết nào cứu được người tự tử nhưng bộ phim mang ý nghĩa/thông điệp tích cực hơn MV này rất nhiều.
- Sự áp lực là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Hãy truyền tải sự nỗ lực vượt quá áp lực chứ ko phải sự buông bỏ!
- Cách giải quyết vấn đề và vượt qua áp lực trong MV quá tiêu cực, không thể hiểu thông điệp bạn ấy muốn gửi gắm cái gì trong hình ảnh cuối đó.
Facebooker chia sẻ quan điểm yêu cầu Sơn Tùng gỡ MV
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc yêu cầu MV giải quyết vấn đề xã hội là áp đặt. Vì dù sao đây cũng chỉ là 1 sản phẩm âm nhạc mà Sơn Tùng muốn hướng tới là thị trường âm nhạc thế giới. Trước đây cũng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi những đề tài gai góc và được đón nhận.
- 'Việc bạn thích hay không thích 1 cái gì đó bạn có quyền làm tất cả mọi việc để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, miễn điều đó không vi phạm pháp luật. Một sản phẩm hàng hoá dịch vụ cũng sẽ được tồn tại và lưu thông nếu nó không vi phạm pháp luật. Nếu nói k cho con trẻ tiếp xúc với những thông tin tự tử, tiêu cực thì khác gì bạn nhốt con vào lồng kín. Tất cả là do góc bạn nhìn, mình thì thấy cần cho bọn trẻ đối mặt với mọi thứ: có chứng kiến cái chết mới thấy sự sống đáng quý nhường nào.'
- 'Sao mọi người không nhìn vào mặt tích cực ạ, những bài viết này thì cũng bơm vào đầu tụi con tiêu cực ạ. Vậy 1 bộ phận thấy những người cay nghiệt với Sơn Tùng như chúng con cũng tiêu cực với sự khắc nghiệt như vậy thì sao không ai lên tiếng ạ, không ai đồng cảm ạ? Tụi con số đông cả người trên 20 tuổi cả những em nhỏ đều nghe nhạc thì thấy tự hào, động viên nhau học tiếng anh, chứ có ai thấy tiêu cực đâu ạ. Sao mọi người không phân tích những điều tích cực lên để tiêu cực chìm xuống mà cứ phân tích tiêu cực lên cao thế ạ.'
- 'Chưa ra MV này thì bao vụ nhảy lầu rồi? Các phụ huynh nên cảnh tỉnh bản thân thì hơn. Chẳng có ai đang hạnh phúc mà vì 1 MV lại làm theo cả. Mà họ sẽ cảm thấy thương những người bạn trong hoàn cảnh như vậy, thấy mình thật may mắn vì có gia đình yêu thương. Bản thân tôi xem thì cũng thấy thương bạn Tùng vì đã phải chịu bao công kích, búa rìu dư luận suốt thời gian qua. Chúng ta không thể trách một người đau khổ vì họ đã trót đau khổ, không thể ép một kẻ khổ đau phải cố tỏ ra hạnh phúc được. Trong khi chính chúng ta góp phần tạo nên sự khổ đau đó.'
Hiện những ý kiến trái chiều vẫn chưa dừng lại. Phía Sơn Tùng MT-P cũng chưa có phản hồi nào về vấn đề này.