Cô bé mồ côi sống trong nỗi đau mất cả cha lẫn mẹ, bị xa lánh vì căn bệnh thế kỷ
Chiều muộn, dạo qua nhiều con hẻm ngoằn nghèo, hỏi thăm mãi chúng tôi mới tìm được đến nhà em Ngô Kiều Anh (học sinh lớp 9, ngụ xóm 5, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, Kiều Anh đang ngồi chải tóc cho bà nội.
Ấn tượng đầu tiên về em là dáng người nhỏ nhắn, da trắng, mái tóc dài, đen nhánh được búi cao, nụ cười xinh tươi để lộ chiếc răng khểnh. Duy chỉ có ánh mắt là đượm buồn, không thể che giấu nỗi bất hạnh mà em từng phải gánh chịu.
Kiều Anh và bà nương tựa sống với nhau đã hơn chục năm nay.
Thắp nén nhang lên bàn thờ, em ngồi xuống bên cạnh bà, chậm rãi kể về cuộc đời mình. Cô bé mới 14 tuổi, nhưng dường như những trải nghiệm khổ đau mà em nếm trải thì nặng nề hơn nhiều số tuổi của em.
Chẳng có một tuổi thơ bình thường như bạn bè cùng trang lứa, năm Kiều Anh lên 3 tuổi, em đã là trẻ mồ côi, vì bố qua đời sau khi nhiễm HIV. Đứa trẻ ngây thơ ngày ấy chưa kịp thấm thía nỗi đau, chưa kịp quen với sự vắng mặt của cha, thì 7 tháng sau, mẹ cũng bỏ lại em mà ra đi mãi mãi. Mẹ em, một người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó đã bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ bố em.
Kiều Anh sớm chịu cảnh côi cút khi mới tuổi lên ba.
Kiều Anh mất cả cha lẫn mẹ, côi cút, bơ vơ giữa cõi đời. Nhưng đau đớn hơn, tủi hổ hơn những đứa trẻ mồ côi 'bình thường', Kiều Anh còn từng bị người dân ở xóm làng nhỏ bé nơi em sống dè bỉu, xa lánh, vì cái chết 'không bình thường' của bố mẹ em.
'Ngày ấy, em còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau khi mất đi cha mẹ, cũng chẳng hề biết căn bệnh HIV là như thế nào, bệnh thế kỷ là sao. Em chỉ thấy tủi thân khi bị bạn bè, mọi người xa lánh, coi thường, thậm chí có người gặp em còn hoảng sợ như gặp ma, nhất định không cho con chơi cùng em, vì sợ lây bệnh.
Giữa em và mọi người dường như có một bức tường vô hình nào đó ngăn cách. Mãi đến sau này, khi hiểu được căn bệnh thế kỷ, em mới hiểu, và càng đau hơn', Kiều Anh kể lại trong nước mắt.
Từ ngày cha mẹ qua đời, Kiều Anh lớn lên trong tình thương yêu của bà nội Nguyễn Thị Sửu (85 tuổi). Nghi ngờ em cũng bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ, mọi người xung quanh xa lánh em. Nhiều người còn ngăn cấm, không cho con cái chơi với em vì sợ rước họa vào thân. Cuộc sống của Kiều Anh chỉ biết quay quẩn quanh nhà cùng bà nội già nua, với những thứ đồ chơi cũ mà bà xin được của người ta đưa về.
Cô bé đã vượt qua nhiều nỗi đau, bóng đêm quá khứ của bố mẹ để sống như một người bình thường.
'Rất nhiều lần em hỏi bà vì sao bố mẹ lại bỏ em ra đi sớm như vậy? Vì sao mọi người lại xa lánh trong khi em chẳng làm gì có lỗi. Em đã khóc rất nhiều khi thấy mình bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời này… Nhưng rồi, em chẳng nhận được câu trả lời nào của bà ngoài những giọt nước mắt. Thấy bà khóc, em cũng khóc theo'.
Năm Kiều Anh bước vào lớp 1, để tháo gỡ bức tường vô hình, nhà trường đã kết hợp với gia đình đưa em đi xét nghiệm, không phải một mà những hai lần. Kết luận âm tính HIV đã làm mọi người dần thay đổi, có cái nhìn thiện cảm với em hơn, thương em mồ côi.
Dù chỉ có 3 năm, nhưng ký ức về mẹ vẫn lấp lánh
Với Kiều Anh, mọi lời đàm tiếu về bố mẹ em, có lẽ em chẳng quan tâm, vì đó vẫn là người thân yêu nhất đời. Sống trong mặc cảm, vượt qua nỗi đau, Kiều Anh từng viết những lời tràn ngập ký ức đau thương, những mảnh vỡ quá khứ, nỗi buồn thân phận... gửi đến mẹ em như thế này, vào ngày 8/3, ngày của mẹ:
'Mẹ yêu quý! Bạn bè con ở lớp ai cũng dự định sẽ mua hoa để tặng mẹ. Các bạn còn nói cho nhau nghe về cách tạo bất ngờ cho mẹ mình vào hôm ấy nữa. Xem ra ai cũng rất hồi hộp và háo hức mẹ ạ. Chắc chắn khi các bạn mang hoa về tặng mẹ sẽ được mẹ đáp lại bằng những cái ôm thật ấm áp.
Còn con, con sẽ tặng mẹ ở một nơi khác – nơi thật xa – nơi mà có lẽ mẹ nhìn thấy con nhưng con lại chẳng thấy mẹ ở đâu cả. Và món quà con nhận lại không phải là cái ôm của mẹ mà là chính sự nhẹ nhõm trong lòng con. Tuy được vơi đi phần nào nỗi buồn nhưng lòng con vẫn thấy trống trải. Không hiểu sao hôm nay con lại nhớ mẹ nhiều đến thế! Con thèm khát một vòng tay âu yếm, thèm khát một lời động viên an ủi và hơi ấm của tình mẫu tử.
Mẹ ơi! Mẹ có còn nhớ ngày 8 tháng 3 của mười năm trước không? Hồi ấy sao mà vui quá! Khi ấy con còn nhỏ nên mẹ đã làm một bữa ăn thật ngon để dành tặng con và cũng là để tự tặng mẹ. Hai mẹ con mình cùng hát, cùng vỗ tay, lời bài hát 'Mồng 8 tháng 3' cứ ngân nga mãi trong lòng con, có lẽ đến suốt đời.
Con đâu ngờ rằng đó là năm đầu tiên và cũng là năm cuối cùng con được đón ngày mồng 8 tháng 3 cùng mẹ, khi mà con gần 4 tuổi thì mẹ đã bỏ con mà đi, đi thật xa. Với con, mất mẹ là nỗi đau lớn nhất, là sự mất mát không gì có thể bù đắp được vì trước đó không lâu con đã mất đi người cha yêu dấu do căn bệnh thế kỷ.
Mẹ có biết không. Sau khi mẹ mất con đã rất đau khổ, con cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng vì không có bàn tay chăm sóc, yêu thương của mẹ nữa. Con chỉ biết dựa vào bà nội hơn 80 tuổi như chiếc lá vàng trên cây. Con cứ tưởng tượng đến một ngày nào đó bà cũng sẽ bỏ con mà đi thì cuộc sống của con sẽ ra sao đây? Nghĩ đến mà con hoảng hốt'.
Kể về nỗi khát thèm hơi mẹ mỗi lần thấy bạn được mẹ mình âu yếm, kể về những đêm mưa nhớ mẹ, nằm khóc, Kiều Anh bảo mẹ: 'Thời gian trôi đi, nỗi đau cũng vơi dần. Con cũng tập làm quen với thực tại. Ban đầu con cũng rất nhút nhát nhưng giờ con đã mạnh mẽ rồi mẹ ạ. Con không còn yếu đuối, nhút nhát, mặc cảm như trước kia nữa.
Con đã làm theo lời mẹ dặn trước lúc lâm chung rồi đấy. Con còn có ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người nữa. Con mong sẽ không ai bị bệnh, không ai mất mẹ để bao trẻ em khác sẽ không phải chịu nhiều khổ đau như con'.
Bình tĩnh sống, làm chỗ dựa cho bà nội
Nói về cuộc sống hiện tại của hai bà cháu, bà Sửu vui mừng khoe, suốt từ năm học lớp 1 đến nay, Kiều Anh luôn là học sinh giỏi của trường. Em được đánh giá là một học sinh ngoan, năng động, mạnh mẽ và học giỏi đều các môn.
Hằng ngày, Kiều Anh đi học, tới buổi lại về phụ giúp bà nội cơm nước, giặt giũ, chăn nuôi vịt gà. Hai bà cháu lại thui thủi bên bữa cơm đạm bạc. Vì sức khỏe yếu nên bà Sửu không thể ra đồng, thu nhập của hai bà cháu phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước giành cho trẻ mồ côi và sự hỗ trợ của bà con lối xóm.
'Em thèm được như các bạn, thèm được gọi tiếng cha, tiếng mẹ; được cha mẹ đưa đi học, đi chơi; được ăn những bữa cơm ấm cúng bên gia đình, được cha mẹ chăm sóc, dỗ dành mỗi khi bị ốm… những điều này đối với em sao quá xa vời.
Mỗi lần có chuyện buồn hoặc khó khăn là em lại nghĩ đến lời bà nói, số phận em không giống như các bạn nên phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 lần để vượt qua, phải mạnh mẻ, tự tin và suy nghĩ chín chắn mới có thể sống tốt trên đời. Có như vậy mới làm bà vui, cha mẹ dưới suối vàng sẽ yên lòng nhắm mắt. Nhớ những lời bà dặn em lại càng có thêm nghị lực để phấn đấu' - cô bé tâm sự.
Chia tay cô nữ sinh mồ côi, ngước nhìn lại vẫn thấy em đứng trước hiên nhà ôm chặt bà nội già yếu như ngọn đèn trước gió. Kiều Anh nhoẻn miệng cười, nói với theo: 'Em thấy mừng cho những ai đang còn cha mẹ bên cạnh. Họ là những người hạnh phúc và xin hãy trân trọng hạnh phúc đó.
Còn cha mẹ em dù đã ở bên kia thế giới nhưng em biết cha mẹ vẫn đang từng ngày dõi theo em. Em hứa sẽ sống thật tốt để cha mẹ được yên lòng'.