Cơn bão Hagibis được đánh giá là mạnh nhất trong năm đã tiếp cận quần đảo Nhật Bản và gây ra những thiệt hại đầu tiên. Trong lúc này, tất cả người dân của đất nước mặt trời mọc đều đặt trong tình trạng báo động phải di tản hoặc phản ứng nhanh bất cứ lúc nào bão ập đến.
Trước đó, trong quá khứ, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều lần Nhật Bản bị thiên tai nặng nề như động đất hay sóng thần. Nhưng có một điều kỳ diệu là sau mỗi lần ấy, nhờ nghị lực phi thường mà người Nhật lại đứng lên và làm lại mọi thứ nhanh đến không tưởng. Nhiều người nói rằng làm được vậy là do khoa học kỹ thuật của Nhật Bản quá phát triển nhưng số khác lại dành lời khen cho những kỹ năng sinh tồn và khâu chuẩn bị trong từng gia đình nhỏ. Ở đó, người phụ nữ luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Từng gia đình nhỏ trong xã hội Nhật Bản đều có bước chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng khi thiên tai xảy đến.
Để đến khi thực sự phải đối đầu, họ vẫn giữ được sự can trường và dũng cảm.
Dạy con bài học đầu tiên và xuyên suốt cả cuộc đời đó là kỹ năng sinh tồn
Nếu nói không quan trọng thành tích thì cũng không đúng mà người Nhật chú trọng nhiều hơn đến việc dạy kỹ năng hơn là kiến thức khi các bạn nhỏ bước chân vào lớp 1. Thay vì đặt nặng mục tiêu về các môn học thì bài học đầu tiên mà các ông bố bà mẹ Nhật Bản kết hợp với nhà trường dành cho các bé chính là làm thế nào để đối phó với những tình huống nguy hiểm và thiên tai để tồn tại.
Những người mẹ Nhật Bản luôn dạy con cái của họ kỹ năng sinh tồn đầu tiên.
Từ khi còn nhỏ, nếu ở trường, các bé được tham gia vào nhiều lớp đào tạo kỹ năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên thì ở nhà, các mẹ cũng cho con được tự đi học tới trường. Đành rằng việc làm này có thể mang lại nhiều rủi ro co các bé, và thực tâm người mẹ thì khó có thể để đứa con bé bỏng của mình đi lại ở ngoài đường mà không có người lớn nhưng nếu làm như vậy, họ sẽ đổi lại được sự tự lập và tinh thần chiến đấu ngoan cường cho các bé.
Trong một xã hội đầy rối ren và thiên nhiên không ưu ái với tận 500 vụ động đất lớn nhỏ mỗi năm thì các mẹ người Nhật đã "liều" chọn làm như vậy để bảo đảm con có được hành trang cần thiết tự bảo vệ mình khi lớn lên.
Chiêu giáo dục trẻ nhỏ của các mẹ người Nhật cũng luôn được cả thế giới ngưỡng mộ. Ở đó, các bà nội trợ ngoài việc cơm nước thì còn là những chuyên gia giáo dục khi luôn lồng ghép các bài học sinh tồn và hoạt động vui chơi cho bé. Khi mà bài học trở thành niềm vui, tự khắc sự tiếp thu sẽ được tăng cao nhiều.
Đi học một mình là bài học nhớ đời mà bất cứ em bé Nhật nào cũng phải trải qua.
Còn nhớ từng có một cậu bé tên là Yamamoto Tanooka đã may mắn sống sót sau khi lạc trong khu rừng đầy gấu trong gần 1 tuần lễ. Điều thần kỳ hơn, cậu bé không có vết thương nặng nào ngoài cơ thể, tinh thần thoải mái, chỉ hơi đói bụng một chút mà thôi. Với một cậu bé ở tuổi ấy, trong 6 ngày không có sự bao bọc của bố mẹ mà vẫn khỏe mạnh, điềm tĩnh như vậy quả là đáng phải nể phục. Cậu bé ấy chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của việc giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ ở Nhật.
Cậu bé Yamamoto Tanooka và câu chuyện sống sót kỳ diệu từng là đề tài bàn tán của rất nhiều người.
Luôn chuẩn bị kỹ càng thực phẩm, nước uống trước mỗi trận thiên tai
Trừ những cơn địa chấn bất ngờ thì phụ nữ Nhật luôn phòng xa mỗi khi các phương tiện truyền thông báo bão. Họ thường ra các siêu thị và mua đồ ăn dự phòng ít nhất là 2 ngày trước khi bão đổ bộ để phòng trường hợp gia đình có thể bị đói nếu như tình hình thời tiết không thuận lợi.
Và vì lý do đó cho nên các siêu thị trước mỗi cơn bão luôn cháy hàng đến mức những người đến sau hầu như chẳng còn gì để mua. Các kệ hàng trống trơn, khu vực thanh toán ùn tắc đều là những cảnh tượng thường thấy trong siêu thị ở Nhật.
Các siêu thị luôn cháy hàng trước mỗi lần thiên tai tấn công.
Các giỏ hàng như sữa, bánh mì và mì ăn liền luôn trống rỗng.
Thời gian này, khi cơn bão Hagibis chuẩn bị đổ bộ thì người Nhật cũng làm y như vậy. Hiện các siêu thị đã đều không còn hàng để bán. Họ mua nhiều bánh, mì ăn liền và các loại nước đóng chai đến nỗi doanh thu của hầu hết các siêu thị đều tăng gấp 4, 5 lần so với ngày thường. Thông tin này được ghi nhận bởi tờ Japan Times vào ngày hôm qua 11/10.
Người Nhật chuẩn bị rất kỹ bằng cách mua hàng hóa tích trữ.
Không chỉ có vậy, ngay tại nhà, các bà nội trợ cũng tận dụng hết các dụng cụ chứa nước để tích trữ. Bởi vì nếu trời bão thì rất có khả năng nước sẽ bị cắt và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, đặc biệt là với các gia đình có con nhỏ. Và những người Việt Nam khi sang Nhật Bản sinh sống cũng đã học hỏi cách làm này của người bản xứ để chống chọi lại với thiên tai.
Tích trữ nước cũng là điều cần thiết khi bão đến.
Bịch nilon đựng nước của một gia đình người Việt ở Nhật.
Mọi dụng cụ có thể đựng nước đều được huy động.
Khi đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, chắc ít ai có thể giữ được bình tĩnh và sự kỷ cương. Nhưng người Nhật thì lại hoàn toàn làm được dù cho đó có là một đứa trẻ vài tuổi hay là người đầu tóc bạc phơ. Đàn ông hay phụ nữ, họ đều tuân thủ tuyệt đối kỷ cương để không xảy ra sự hỗn loạn mà làm ảnh hưởng tới tinh thần của những người khác.
Trong các video về thảm họa tự nhiên được trình chiếu, ở cuối video luôn có một câu thế này: "Thảm họa là không thể tránh khỏi nhưng hãy luôn hợp tác và đoàn kết. Đồ cứu trợ chỉ lấy đủ dùng, còn lại dành phần cho người khác".
Văn hóa xếp hàng kinh điển của người Nhật khiến cả thế giới kinh ngạc.
Chúng ta từng thấy hình ảnh người dân Nhật xếp hàng ngay ngắn trật tự nhận hàng cứu trợ trong sự kiện Fukushima 2011 khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục. Chúng ta từng được nghe nhiều câu chuyện về cách mà người Nhật nhường nhịn, giúp đỡ nhau trong các thảm họa tự nhiên. Và chúng ta thấy được hình ảnh dãy xe hơi thẳng tắp của người dân Fukushima di tản khỏi khu vực động đất sáng nay, như một lời nhắc nhở về cách mà dân Nhật đoàn kết, đồng lòng vượt qua nghịch cảnh.