Thao túng chính là điều mà mọi sếp tồi đều muốn thực hiện đối với các nhân viên của mình. Họ sử dụng mọi chiến lược khác nhau, mục đích để làm sao khiến cho bạn luôn phải ưu tiên đặt lợi ích của công ty lên trên lợi ích cá nhân của mình.
Bằng cách này hay cách khác, những người sếp tồi luôn biết cách làm mủi lòng nhân viên để họ cống hiến một cách 'mù quáng' cho công việc. Bạn có bao giờ gặp phải một vị boss như vậy chưa?
Nếu một ngày bạn đang làm việc cặm cụi và chợt nhận được những tin nhắn này từ sếp, người đang cố khiến bạn phải cúi đầu và làm việc nhiều hơn, cật lực hơn mà không có bất kỳ một khoản lợi ích nào thì đừng để mình bị lừa:
'Công việc chính là gia đình của bạn'
Sử dụng ngôn ngữ thân mật như người trong gia đình là một thông điệp phổ biến mà các nhà tuyển dụng thường dùng để đảm bảo cam kết cho sự nghiệp của các nhân viên mới. Nếu sếp của bạn thường bày tỏ những lời nói, cử chỉ như người trong gia đình bạn thì khi đó, bạn sẽ khó có khả năng lên tiếng chống lại những lời đề nghị hay bắt buộc làm việc tăng ca bất hợp pháp hay thậm chí là những nhiệm vụ phi đạo đức mà sếp yêu cầu.
Nên nhớ rằng, trong gia đình, bạn có thể chấp nhận mọi yêu cầu của người thân một cách vô điều kiện nhưng trong một doanh nghiệp thì không, khi ai đó đối xử quá gần gũi hay thân thiết với bạn, thì trước hết bạn cần phải nhìn nhận kỹ lưỡng mục đích đằng sau đó là gì trước khi đặt trọn niềm tin vào sự thân mật đó.
'Tôi cần bạn sẵn sàng bất cứ lúc nào'
Nhờ những tiến bộ trong công nghệ, chúng ta có thể làm việc ở bất cứ đâu, nhưng nhược điểm của điều này chính là khiến cho một số người sếp nghĩ rằng bạn luôn luôn có thể làm việc 24/24h. Một nghiên cứu vào năm 2017 từ Học viện Quản lý cho thấy các nhân viên dành trung bình 8 giờ trên một tuần để xử lý các email công việc sau khi đã tan làm nhiều giờ đồng hồ. Điều này cũng có nghĩa rằng, họ vẫn phải tiếp tục làm việc thêm thời gian nhưng không nhận thêm bất kỳ một khoản trợ cấp nào và nhiều người lãnh đạo cho rằng đó là việc đương nhiên mà nhân viên nào cũng phải làm.
Như thế có phải chăng là quá bất công? Bạn có quyền dành thời gian rảnh rỗi cho bản thân mình sau khi tan ca, nhưng kết quả vẫn phải vùi đầu vào công việc trong suốt một đêm nếu như muốn hoàn thành các nhiệm vụ của sếp đúng hạn. Để đảm bảo quyền lợi của các nhân viên văn phòng trong vấn đề này, Pháp đã đưa điều đó vào trong pháp luật của quốc gia mình. Theo đó, các nhân viên văn phòng có quyền ngắt kết nối với công việc sau giờ làm một cách hợp pháp mà không phải đối mặt với bất kỳ sự cản trở nào từ phía công ty.
Làm việc lâu hơn không hẳn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho công ty. Nếu bạn thấy mình đang làm việc nhiều hơn 50 giờ một tuần để đáp ứng các nhu cầu của sếp thì việc làm thêm giờ này có lẽ sẽ không tạo ra kết quả công việc tốt hơn bạn mong đợi. Bởi lẽ hiệu suất công việc thường sẽ bắt đầu lên cao và giữ nguyên ở mức 50 giờ và sau đó giảm mạnh sau 65 giờ/ tuần đối với các nhân viên.
Chính vì lẽ đó, nếu sếp cứ liên tục gửi nhiệm vụ cho bạn dù là đã tan làm thì hãy nên cân nhắc thêm về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho bản thân nhé.
'Mọi thứ đều ổn'
Một trong những người sếp tồi nhất là người chỉ biết nói suông mà không có bất kỳ hành động cụ thể nào để nhân viên noi theo. Ví dụ như trong tình huống lèo lái công ty qua khỏi giai đoạn khó khăn, một người sếp bận rộn tuy có thể không xuất hiện trực tiếp trước mặt nhân viên nhưng bằng cách nào đó, họ nên hành động để nhân viên cảm thấy rằng mình đang được một người lãnh đạo đúng đắn kề vai sát cánh để vượt qua khó khăn. Chứ không phải trong mọi tình huống, những người sếp tồi chỉ luôn miệng bảo rằng mọi thứ vẫn ổn trong khi ngân sách và hoạt động của công ty đang thể hiện điều ngược lại.
Sự lãnh đạo 'lấy lệ' như thế này sẽ khiến cho các nhân viên cần sự phản hồi và hướng dẫn từ phía công ty cảm thấy mơ hồ, mất niềm tin. Thay vì câu nói mọi thứ đều ổn, một người sếp đúng nghĩa nên giúp các nhân viên hiểu rõ tình hình của công ty và giải quyết các câu hỏi, thắc mắc của họ một cách chân thành nhất để mọi vấn đề đều được giải quyết một cách đúng với thực tế.
'Đây là cách mà chúng tôi vẫn luôn thực hiện'
Ngôn ngữ này thường xuất phát từ một người sếp chỉ biết thực hiện mọi việc theo quy tắc của bản thân một cách cứng nhắc, dùng quyền lực của mình ép mọi người phải làm theo khuôn khổ của mình mà không quan tâm đến bất kỳ một ý kiến đóng góp nào.
Khi sếp của bạn nói đây là cách mà mọi người vẫn hay làm thường ngày thì có nghĩa rằng họ đang báo hiệu với bạn họ không chấp nhận những ý tưởng mới và không muốn tiếp thu một sự phá cách nào trong cách làm việc của bạn. Chính vì thế, nếu gặp phải những vị sếp như thế này, cách tốt nhất bạn muốn ở lại công ty chỉ là lặng lẽ làm việc theo cái khuôn khổ mà sếp đề ra, đừng dại dột tạo nên các bứt phá mới lạ nếu như không muốn ký hợp đồng nghỉ việc sớm.
'Bạn có đồng ý không?'
Đây là một câu mà các nhà lãnh đạo thường đưa ra sau mỗi cuộc thảo luận hay cuộc họp nhưng thực chất đây chỉ là một câu hỏi lấy lệ mà chưa chắc họ đã chịu nghe ý kiến của bạn nếu lỡ bạn 'không đồng ý'.
Khi đưa ra những câu hỏi như thế này, các nhà lãnh đạo đang đặt nhân viên vào một tình huống không thoải mái, chính vì thế đa phần đều sẽ chọn đồng ý một cách đầy máy móc nếu như không muốn trực tiếp đối đầu với sếp.
Một người sếp thao túng có thể sẽ khiến bạn phải chấp nhận các suy nghĩ, sắp đặt của họ vô điều kiện và phải ở lại làm việc trong một môi trường tồi tệ lâu hơn bạn nên làm. Chính vì vậy nên khi làm việc với một người sếp thao túng như trên, việc quyết định sẽ trở thành con rối trong tay sếp, làm việc rồi nhận lương hằng tháng nhưng không có quyền phản kháng hay bày tỏ ý kiến của mình ở công ty hay bức phá để tìm đến một môi trường mới phù hợp với bản thân hơn đều nằm ở lựa chọn của chính bạn.