Tin xấu đến bất ngờ
Chỉ chưa đầy 2 tuần, người đàn ông mất vợ, đứa con thơ mất mẹ trong một đại dịch mang tên SARS (năm 2003). Mọi chuyện xảy ra vào cuối tháng 2/2003, điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng (làm việc tại Bệnh viện Việt Pháp) đi trực đêm về, bà nói với chồng rằng mình cảm thấy mệt và hơi sốt.
Ông Nguyễn Thế Vĩnh (71 tuổi, chồng điều dưỡng Lượng) không ngờ được rằng lần ốm đó vợ mình đã ra đi mãi mãi bỏ lại ông và con gái.
Buổi sáng hôm đó theo kế hoạch bà và chồng cùng về quê chơi 1 ngày. Sau khi từ quê về Hà Nội, bà Lượng bắt đầu sốt cao, mệt mỏi. Lúc đó, ông Vĩnh chỉ nghĩ vợ cảm thông thường, nên đã đi chợ mua lá về cho vợ xông.
'Chưa bao giờ tôi thấy vợ ốm lại mệt mỏi đến vậy. Vợ tôi sốt cao tại nhà được 3-4 ngày thì nhận được điện thoại từ Bệnh viện yêu cầu phải vào viện ngay lập tức', ông Vĩnh nhớ lại.
7/3 bà Lượng nhập viện, khi vào viện bà vẫn nói với chồng: 'Anh về đi ngày mai em sẽ về!'.
Ngày 8/3, không thấy vợ về, ông và con mua hoa, quà vào thăm vợ. 'Khi tôi vào phòng thấy có 5 người khác cũng đang có triệu chứng giống vợ tôi đang được điều trị. Lúc đó, vợ tôi vẫn tỉnh táo nói chuyện, tôi dặn vợ cứ yên tâm điều trị.
Khoảng 1-2 ngày sau khi tôi đến thăm vợ, lúc này bệnh của vợ tôi đã trở nặng. Bác sĩ gọi riêng tôi ra nói chuyện thông báo tình hình của vợ tôi rất xấu, phổi đã trắng nhiều. Tôi vẫn chưa thông báo tin xấu với gia đình vì nghĩ mọi chuyện sẽ ổn.
Vợ tôi đang nằm ở một bệnh viện hiện đại nhất nhì Hà Nội, bác sĩ giỏi từ trong nước tới nước ngoài đều tập trung tại đây cơ mà. Tôi tự trấn an bản thân khi bước ra khỏi bệnh viện. Tôi vẫn giữ suy nghĩ vợ tôi sẽ không sao, mọi chuyện xấu không thể đến với vợ tôi', ông Vĩnh xúc động nhớ lại.
Ông Vĩnh đang xem lại những bức ảnh của người vợ quá cố, ảnh L.P.
Điều ông Vĩnh không bao giờ nghĩ tới cũng đã đến, bệnh tình của bà Lượng vẫn diễn biến xấu đi. Thậm chí bệnh viện còn khuyến cáo người nhà không nên vào thăm vì căn bệnh bà Lượng và đồng nghiệp mắc là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhưng ông Vĩnh vẫn cương quyết đề nghị bệnh viện cho vào thăm vợ.
Lúc ông biết bệnh tình của vợ ngày một lâm nguy, ông đã nói chuyện với con gái: 'Ngọc ơi! Bệnh mẹ con mắc rất nguy hiểm, có thể lây, con có muốn vào thăm mẹ với bố không. Con bé đồng ý cùng tôi vào bệnh viện gặp mẹ và đây cũng là lần cuối nó gặp mẹ'.
16 giờ, ông Lượng và con có mặt tại bệnh viện để vào thăm vợ. Lần vào thăm vợ này ông Vĩnh và con được mặc áo bảo hộ, mang khẩu trang, đeo gang tay. Bác sĩ nhắc ông chỉ nói chuyện ngắn để đảm bảo an toàn cho cả hai bố con.
Hôm đó là ngày 12/3, ông và con nói chuyện với vợ khoảng 10 phút. Sau đó, vợ ông ra dấu để cho con ra ngoài trước. Ông ở lại với vợ thêm 5 phút, sau đó nhân viên y tế nhắc ông nên đi ra.
'Trong 5 phút ngắn đó, tôi động viên vợ: 'Bệnh viện nói không có vấn đề gì đâu em. Em cứ yên tâm điều trị mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Vợ tôi gắng sức nói với tôi câu cuối: 'Thôi anh cố gắng chăm sóc con bé học hành cho tốt và lo cho nó tới nơi tới chốn'', ông Vĩnh chia sẻ.
Ngày hôm sau 13/2, bà Lượng rơi vào hôm mê sâu. Đến ngày 15/2, Bệnh viện gọi điện cho ông Vĩnh thông báo tình trạng bà Lượng rất xấu khó có thể qua khỏi.
Ông phi như bay tới bệnh viện lúc đó là 17h chiều. Khi bước vào căn phòng, ông thấy vợ đang nằm đó bất động, thân thể lạnh dần. Ông Vĩnh ném nỗi đau vuốt mắt để cho vợ ra đi thanh thản.
'Tôi trở về nhà thông báo tin buồn cho cả gia đình, ai cũng bàng hoàng. Tôi quay đi chuẩn bị quần áo mới để quay trở lại bệnh viện đưa vợ đi hỏa thiêu. Khoảng 19-20 giờ xe bệnh viện trở tôi và con xuống Văn Điển', ông Vĩnh nói trong nước mắt.
Trong khoảng hơn 1 tuần vợ nằm viện ông Vĩnh đã vào thăm vợ 5-6 lần. Theo ông Vĩnh lúc đó không ai dám vào thăm các bệnh nhân mắc bệnh, đa phần người nhà nói chuyện với bệnh nhân qua điện thoại. Nhưng ông Vĩnh và con vẫn quyết vào thăm để động viên vợ.
Sau này một số y bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức có nói với ông Vĩnh: 'Anh là người chồng tuyệt với, dám vào căn phòng có căn bệnh 'đại dịch' thăm chị'.
Giữ đúng lời hứa với vợ
Sau khi vợ mất, ông Vĩnh một mình gà trống nuôi con, cuộc sống vô cùng khó khăn. Cả ông và con đều bị hàng xóm xa láng vì sợ mắc bệnh, con gái ông phải nghỉ học một thời gian.
'Rất may mắn dù vợ tôi ốm ở nhà 3 ngày, tôi với cháu nhiều lần vào thăm cô ấy trong bệnh viện nhưng không mắc bệnh. Sau khi vợ tôi mất, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã tới nhà tôi lấy máu của tôi và con gái để xét nghiệm. Họ cũng thắc mắc tôi và con tiếp xúc gần với vợ mà không mắc bệnh.
Cán bộ y tế phường cũng tới nhà tôi phun nước tỏi như mưa trong nhà. Nước tỏi phun nhiều tới mức chiếc tivi nhà tôi đã hỏng', ông Vĩnh nói.
Sự ra đi bất ngờ của bà Lượng khiến cho ông Vĩnh bị 'sốc' tâm lý. Ông phải thay vợ dạy con học hành, chăm sóc con. Quãng thời gian đầu năm 2003, ông Vĩnh suy sụp sống trong nỗi buồn mất đi người vợ thân yêu. Lúc này ông mới cảm nhận thấy nỗi mất mát là quá lớn.
Ông nhớ tới câu nói cuối cùng của vợ phải chăm lo cho con. Ông suy nghĩ số phận không thể thay đổi được thì người sống phải sống tốt để người ra đi được yên lòng.
'Dù đau buồn nhưng tôi đã phải mạnh mẽ để là chỗ dựa cho con gái. Tôi đã giữ đúng lời hứa với vợ chăm sóc và nuôi dạy con đến nơi tới chốn.
Rất may, con bé là đứa trẻ nghị lực và có tính tự lập. Cháu không bao giờ than thở, luôn cố gắng học để vui lòng bố. Ngay cả khi lập gia đình rồi con bé vẫn cố gắng chăm sóc và bù đắp cho bố', ông Vĩnh tâm sự.
Anh vẫn luôn giữ những kỷ vật của vợ, ảnh L.P
Những kỷ vật vô giá
Nhiều năm sau ngày vợ mất ông Vĩnh không dám đi qua những con đường cạnh bệnh viện. Nếu có việc phải đi qua đó ông cũng tránh vì nó lại gợi nhớ về người vợ của mình.
Khi vợ còn sống ông luôn cố gắng giúp vợ từ việc là quần áo cho vợ con cho tới việc dắt xe cho vợ đi làm.
'Tôi luôn muốn vợ, con dù ăn mặc không sang trọng nhưng cũng phải sạch sẽ', ông Vĩnh nói.
Ông vẫn giữ những bộ quần áo vợ từng thích mặc, những món trang sức vợ đã từng đeo. Ông bảo: 'Tôi cất lại tới khi nào mình chết sẽ đưa lại cho con'. Dành tất cả tình thương để nuôi con gái khôn lớn nhưng ông Vĩnh cho rằng: 'Nếu năm đó tôi mất thay vợ… thì con Ngọc sẽ sướng hơn'!
Dù nỗi, sự mất mát đã trôi qua 17 năm nhưng mỗi khi gợi nhớ lại ông Vĩnh không thể kìm nén nổi nước mắt. Ông vẫn luôn tự thắc mắc vì sao số phận lại khiến ông mất đi người vợ thân yêu.