Vài ngày qua, dư luận Việt Nam chấn động vì vụ nhảy lầu tự tử của cặp đôi sinh năm 1996. Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng kết luận: Đôi nạn nhân trẻ tuổi cùng tìm đến cái chết vì bị cấm cản trong tình yêu.
Đây rõ ràng không phải vụ tự tử đầu tiên của năm 2020, tuy nhiên, nó nhắc nhở chúng ta - những con người còn sống và khỏe mạnh - về sự đáng sợ của việc tự tìm đến cái chết.
Tự tử là gì?
Tự tử hay tự sát (Hán-Việt), hiểu đơn giản là 'tự giết chết bản thân mình'. Còn tự sát (suicide) trong tiếng Anh là từ có nguồn gốc Latin, Suicidium.
Trong mọi ngôn ngữ, tự tử đều chỉ hành động của 1 hay nhiều cá nhân cố ý gây ra cái chết cho chính mình.
Theo CNN, việc tự tử thường có liên hệ trực tiếp và cả gián tiếp với trạng thái tâm lý tuyệt vọng, nghiện rượu hoặc lạm dụng chất kích thích. Ngoài ra, tự tử có thể xảy ra do một số rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt...
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hoặc gặp tình cảnh bất hạnh, khó khăn về tài chính, mâu thuẫn tình cảm (thất tình, mâu thuẫn gia đình, bạn bè...) cũng đóng vai trò nhất định khiến người ta tìm đến cái chết.
Tự sát là hành vi tưởng chừng chỉ có ở con người nhưng nó cũng xuất hiện ở nhiều loài động vật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính:
- Tự tử là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 13 trên thế giới (đứng đầu là nhồi máu cơ tim, thứ hai là ung thư và thứ ba là bệnh hô hấp) / xếp thứ 3 trong nguyên nhân gây tử vong ở lứa tuổi 15 - 19
- Có hơn 1 triệu người chết do tự sát mỗi năm trên toàn thế giới
- Tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên và người trưởng thành dưới 35 tuổi
- Tỷ lệ tự sát ở nam giới cao hơn hẳn nữ giới
- Mỗi năm, có từ 10 - 20 triệu vụ tự tử bất thành diễn ra trên thế giới
Con người đã tự tìm đến cái chết từ khi nào?
Trong suốt chiều dài lịch sử của loài người, tự sát vừa bị lên án, vừa được dung túng tùy vào hoàn cảnh xã hội.
Ví dụ, người Bà La Môn ở Ấn Độ từng dung túng cho suttee - hành vi tự sát tự nguyện 'được ca tụng' của góa phụ Ấn Độ.
Ở Hy Lạp cổ đại, tội phạm bị kết án được phép tự sát. Người Do Thái cũng chọn cách tự sát thay vì phục tùng kẻ xâm lược đến từ La Mã cổ đại. Ở Nhật, seppuku (mổ bụng tự sát) là nghi lễ tự sát nổi tiếng nhằm giúp samurai bảo vệ danh dự....
Nạn nhân tự tử nhỏ tuổi nhất của thế giới hiện đại: 6 tuổi
'Samantha Kuberski of Oregon' - nạn nhân tự tử nhỏ tuổi nhất thế giới
Vào năm 2009, dư luận Mỹ chấn động vì vụ án 'Samantha Kuberski of Oregon'.
Cô bé Samantha Kuberski, 6 tuổi, ở bang Oregon (Mỹ) - được coi là nạn nhân tự tử trẻ nhất của thế kỷ 21.
Theo Fox News, thi thể Samantha được tìm thấy trong tư thế treo cổ vào cũi trẻ em. Ở trường, Samantha là đứa trẻ được yêu mến, học khá và không có tiền sử bị bạo hành. Tuy nhiên, chỉ 1 giờ trước lần sinh nhật đánh dấu 7 tuổi, Samantha cãi nhau với mẹ và cho biết 'con sẽ tự sát'.
Trong khi mẹ cô bé và những anh chị em ở phòng khác, Samantha tự kết liễu đời mình.
Theo đài KGW8: Trẻ em không 'trong veo' như ta tưởng, chúng có thể nảy sinh cảm giác đau khổ sâu sắc, không thua kém gì người lớn - và đây có thể là lý do khiến vụ án 'Samantha Kuberski of Oregon' trở thành bài học đắt giá cho mọi vị phụ huynh trên thế giới.
CNN: Tự tử dưới tuổi 13 - cứ 5 ngày lại có 1 nạn nhân
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì: Từ năm 1999 - 2005, đã có 1.309 đứa trẻ từ 5 - 12 tuổi tự sát ở Mỹ.
Điều đó có nghĩa là: Cứ trung bình 5 ngày lại có 1 đứa trẻ chết vì tự tử.
Tần suất cao hơn từ năm 2013 đến năm 2015 - 3 đến 4 ngày lại có 1 đứa trẻ tự tử - chủ yếu vì số vụ tự tử của trẻ 11 và 12 tuổi tăng đột biến 54% so với 3 năm trước đó.
Năm 2019: Tự tử ở thanh thiếu niên và thanh niên đạt mức cao nhất kể từ năm 2000
Tỷ lệ thanh thiếu niên và thanh niên Mỹ chết vì tự tử đã đạt mức cao nhất trong gần hai thập kỷ, theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.
Năm 2017, số người từ 15 đến 19 tuổi tự tử nhiều hơn 47% so với năm 2000.
Những lý do chính dẫn tới tự sát ở thanh thiếu niên mà phụ huynh cần biết
Theo Tổ chức phi lợi nhuận KidsHealth thì:
'Tuổi thiếu niên của nhiều người giống như một vùng xám xịt giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Nó tràn đầy lo lắng, căng thẳng vì con người bắt đầu học cách hành động và chịu trách nhiệm cho bản thân'.
Bên cạnh đó, tuổi vị thành niên là thời gian hình thành bản sắc tình dục, hình thành các mối quan hệ nhưng cá thể thường gặp mâu thuẫn do quy tắc và kỳ vọng mà người khác đặt ra.
Vâng, người khác ở đây thường là bố mẹ, người giám hộ.
Những người trẻ tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần - chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc mất ngủ - có nguy cơ tự sát cao hơn hẳn. Thanh thiếu niên trải qua những thay đổi lớn trong cuộc sống (cha mẹ ly hôn, phá sản...) và những người là nạn nhân của bắt nạt cũng có tỷ lệ tự sát cao.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên bao gồm:
- Rối loạn tâm lý, đặc biệt là trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và sử dụng rượu, ma túy (trên thực tế, khoảng 95% những người chết do tự tử đều có rối loạn tâm lý tại thời điểm chết)
- Cảm giác đau khổ, khó chịu hoặc kích động
- Tùng nỗ lực tự sát trước đó nhưng không thành
- Gia đình có tiền sử trầm cảm, có người chết vì tự tử
- Bị lạm dụng về thể xác lẫn tinh thần
- Thiếu bạn bè, không có sự đồng hành của cha mẹ hoặc bạn bè đồng trang lứa, có cảm giác bị cô lập
- Bế tắc trong việc bộc lộ xu hướng tính dục / phải sinh ra trong gia đình hoặc môi trường thù địch, kỳ thị người đồng tính
Một số dấu hiệu cảnh báo quan trọng về hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên
Thật khó để đoán biết ai đó sẽ tự sát vào lúc nào, mất bao lâu để quyết định tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể nắm bắt xem con em mình có 'mơ hồ' tính đến chuyện tự tử thông qua những dấu hiệu dưới đây:
- Bóng gió về cái chết với bạn bè thân thiết
- Thay đổi tính cách (từ lạc quan sang trầm lặng kéo dài)
- Không còn hứng thú với bạn bè hoặc hoạt động yêu thích
- Viết văn, thơ, sáng tác nhạc liên qua đến cái chết hoặc sự chia lìa
- Biếng ăn, mất ngủ
- Mất cảm giác sợ hãi, thản nhiên tham gia vào các trò nguy hiểm
'Liệu mặt trời có lên sau những đêm dài tăm tối?' là nỗi băn khoăn của hầu hết các cá nhân từng có ý định tự tử, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.
Với vai trò là phụ huynh hoặc bạn bè, nếu phát hiện ra ai đó quanh mình có những biểu hiện trên - hãy lên tiếng, hãy hành động trước khi quá muộn.
Bởi vì, người chết rồi có biết gì đâu, kẻ ở lại thì sống mãi với nỗi đau.
Bài viết tổng hợp thông tin từ WHO/CNN/KidHealth/KGW8