Rất nhiều lần trong lúc thu tiền cơm, chị Trà My nhận được 10 nghìn, 20 nghìn đồng với lời nhắn: ‘’Cô/chú trả tiền cho cả bàn nhé'. Rồi vị khách quay sang nói với mọi người: 'Hôm nay tôi mời!’’, đầy tự hào và sảng khoái. Thế là tất cả đều cười phá lên, rất vui vẻ.
Nhiều lần trong lúc ngồi trò chuyện sau bữa ăn, các cô nói: 'Hai nghìn có đáng gì đâu so với bữa cơm này. Các cháu là muốn cho các cô đỡ ngại thôi đúng không?'
Đó là những câu chuyện nhỏ trong quán cơm 2 nghìn đồng mang tên Nụ cười Shinbi gần cổng Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội).
Mỗi buổi chiều tối từ thứ Hai tới thứ Sáu, quán cung cấp 150-200 suất ăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều).
Chỉ với 2 nghìn đồng nhưng suất cơm tối vẫn đầy đủ món mặn, xào, phụ, canh với cơm gạo tám thơm và hoa quả tráng miệng.
Cặp vợ chồng Võ Tiên Lâm (45 tuổi) và Nguyễn Trà My (37 tuổi) là người sáng lập quán cơm 2 nghìn đồng cùng với một người bạn là chủ một phòng khám nha khoa, cũng là nhà tài trợ chính cho quán.
'Thực ra, trước đó, tại địa điểm này cũng là một quán cơm từ thiện nhưng vì một số lý do nên đã đóng cửa. Tôi cũng từng là tình nguyện viên ở đây. Khi biết quán đóng cửa, tôi rất tiếc khi những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mất đi một sự trợ giúp. Khi tôi ngỏ lời với một người bạn, không ngờ anh ấy lại đồng ý ngay, mỗi tháng tài trợ 18 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, điện nước và trả lương cho anh đầu bếp chính' - chị Trà My chia sẻ.
Chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động, quán đã nhận được sự đồng hành rất tích cực của các mạnh thường quân. Chị My cho biết, hiện tại nguồn quỹ để mua nguyên liệu nấu cơm khá là khả quan, và đều được công khai minh bạch trên số tài khoản thiện nguyện của quán.
Có những người ủng hộ tiền mặt, có người góp gạo, góp rau. Có người thì 'bao' quán nguyên 1 ngày ăn.
'Vợ chồng tôi chỉ là cầu nối giữa các mạnh thường quân và bà con' - chị My nói. Tuy vậy, ai cũng biết vợ chồng chị đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để quản lý, kêu gọi sự đồng hành của các mạnh thường quân.
Từ khi quán bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 9/3, ngày nào vợ chồng chị cũng có mặt tại quán vào đầu giờ chiều để cùng các tình nguyện viên sơ chế, nấu nướng. Khoảng 4h chiều - khi bà con đã xếp hàng đầy cửa quán, chị My lại trực tiếp ra đón tiếp, phục vụ.
Tính tình cởi mở, hay nói, chị luôn miệng trò chuyện với các cô, các bác ghé ăn cơm, vì thế mà chị trở nên thân thiết và hiểu rõ hoàn cảnh từng vị khách.
Hôm nào xong sớm, 7-8h tối chị được về nhà. Những hôm muộn thì tới 9-10h mới xong việc. Từ ngày quản lý quán cơm 2 nghìn đồng, con trai chị không được bố đón về nữa, mà phải nhờ hàng xóm, đồng nghiệp hỗ trợ. Nhiều hôm, cậu bé được chở về quán ăn luôn với mẹ, rồi hai mẹ con mới cùng nhau về nhà.
'Rất may là bé hiểu chuyện khi nghe bố mẹ giải thích lý do' - chị My chia sẻ.
Những vị khách đặc biệt của quán cơm 2 nghìn đồng
Hiện tại, mỗi ngày quán sẽ chuẩn bị 150-200 suất ăn, trong đó có 30 suất sẽ được chuyển sang khoa Nhi của Bệnh viện K. Số còn lại được bệnh nhân và người nhà tới ngồi ăn tại chỗ. Mỗi người cũng được mua thêm 1 suất mang về.
Chị Trà My luôn tự hào về mỗi suất cơm mà quán làm ra, bởi vì nó không những sạch sẽ mà còn vừa miệng, bắt mắt. Quán luôn đông và hết đồ từ sớm. Nhưng lý do khiến các thực khách luôn dành tình cảm đặc biệt cho quán là vì các tình nguyện viên ở đây luôn thân thiện, phục vụ thực khách hết sức nhiệt tình. Nếu hôm nào có đủ tình nguyện viên thì mỗi suất cơm còn được mang ra tận bàn cho các cô, các bác.
'Do đặc thù của bệnh nhân K nên thực khách đến với chúng tôi cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Họ đến ăn được vài ngày rồi lại không thấy đến nữa, vì đã hết đợt hoá trị, hoặc có khi không bao giờ quay lại… Thế nên, bẵng đi một thời gian mà thấy khách quen đi từ đằng xa tới là mừng lắm'.
Chị Trà My (đeo kính) trở thành người bạn thân thiết với các thực khách ghé ăn.
Có cơ hội tiếp xúc với các bệnh nhân, chị My chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. 'Đó là Linh ở Bắc Giang lên chăm con. Lần đầu ra quán, bạn ấy không cầm cặp lồng để lấy suất mang về, mà cầm theo một cái ca nhựa không có nắp. Đến ngày thứ 2, bạn cũng vẫn mang theo cái ca ấy. Khi tôi hỏi ‘nay vẫn đựng bằng cái này à’, thì bạn bảo ‘tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy’. Thương quá, ngày hôm sau chúng tôi tặng bạn một chiếc cặp lồng. Bạn không khéo ăn nói, chỉ cảm ơn ríu rít mỗi lần tới quán'.
Đó là anh Tuấn phát hiện u não khi con mới sinh được vài ngày. Đó là người vợ chăm chồng mắc 3 loại ung thư đã 13 năm nay… và rất nhiều hoàn cảnh đáng thương khác.
'Có lần, tôi nghe một cô nói chuyện với mọi người rằng cô dặn con cô sau này lớn lên, nếu quán còn hoạt động thì phải quay lại. Khi được hỏi quay lại để làm gì, cô bảo ‘quay lại để trả nợ cho mẹ'.
'Tôi nghe vậy thì rất xúc động' - chị My kể.
Thế rồi, một hôm cô báo sắp xuất viện. 'Bình thường cô vui vẻ, lạc quan lắm nhưng hôm đó trông cô rất buồn. Tưởng bệnh của cô khả quan hơn, được bác sĩ cho về, tôi chúc mừng cô. Nhưng cô bảo, bệnh cô nặng lắm rồi. Bây giờ mổ tiếp cũng không có tiền, lại sợ biến chứng. Cô bảo cô cứ về đã. Bác sĩ tiên lượng nhanh thì 2 tháng, chậm thì 8 tháng'.
Chứng kiến những mảnh đời ấy, động lực để duy trì hoạt động quán cơm của vợ chồng chị My càng mạnh mẽ hơn. Chị nói, quán mới mở được hơn 1 tháng nay, anh chị vẫn đang còn rất nhiều năng lượng và nhiệt huyết nên chưa cảm thấy có khó khăn gì. 'Chỉ mong quán luôn được các mạnh thường quân tin tưởng đồng hành để bữa cơm cho người bệnh được duy trì ổn định và lâu dài'.