Liên quan đến sự việc dì ghẻ bạo hành con riêng của chồng dẫn đến tử vong, ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê tỉnh Gia Lai) về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nạn nhân là bé N.T.V.A. (8 tuổi) sống tại chung cư Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) cùng với bị can và bố đẻ.
Đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang
Để giúp độc giả hiểu hơn về sự việc dưới góc nhìn pháp luật, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Xuân Tín, đoàn Luật sư TP.HCM.
Xin chào Luật sư. Theo Luật sư, với việc bị khởi tố về tội danh Hành hạ người khác thì Nguyễn Võ Quỳnh Trang sẽ phải nhận mức án nào cho hành vi của mình?
Tôi được biết, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê tỉnh Gia Lai) về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Với tội danh này thì mức hình phạt cao nhất mà bị can phải đối mặt từ 01 năm đến 03 năm tù.
Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì hành vi của bị can Trang tàn ác như vậy, nếu khởi tố tội Hành hạ người khác thì khung hình phạt cao nhất từ 01 năm đến 03 năm tù là không tương xứng với hành vi phạm tội và chưa đủ sức giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Bởi vì, bị can đã đánh đập bé gái để lại những vết bầm lớn nhiều nơi trên cơ thể, vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Có những vết thương cũ, vết thương mới chứng tỏ hành vi gây thương tích, tổn hại cho bé gái đã diễn ra nhiều lần và thời gian dài dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là bé gái tử vong. Trong khi đó bị can cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Trong quá trình điều tra nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành các tội theo điểm a khoản 4, tội Cố ý gây thương tích Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm tù hoặc tội Giết người tình tiết được áp dụng để định khung hình phạt là phạm tội với người dưới 16 tuổi theo Điều 123 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình thì Cơ quan chức năng nên xem xét lại các tình tiết khách quan của vụ án và hậu quả để lại và truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Những vết bầm tím khắp người bé V.A khiến ai cũng xót xa (Ảnh Tuổi trẻ)
Trong câu chuyện này, nếu tình trạng bạo hành diễn ra trong một thời gian dài và gây ra hậu quả là khiến bé tử vong đều có sự chứng kiến hoặc biết về sự việc của bố đẻ nạn nhân. Vậy bố đẻ nạn nhân có được tính là đồng phạm hoặc khép vào tội che giấu hành vi phạm tội hay không?
Sự việc của bé gái tử vong nghi do đánh đập diễn ra trong một thời gian dài như vậy mà cha cháu bé không biết thì hết sức vô lý? Bình thường phụ huynh khi thấy con mình bị một vết cào, vết xước, hay vết bầm tím trên cơ thể thì sẽ hỏi xem những vết thương này ở đâu ra hoặc các em sẽ tự về mách cho cha mẹ mình biết.
Vụ án này đang trong quá trình điều tra nên việc có hay không có hành vi phạm tội của cha cháu bé sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.
Nhưng trong trường hợp này nếu cha cháu bé có hành vi đánh đập hoặc/và xúi giục, kích động, cổ súy cho mẹ kế đánh đập hoặc biết mà ngó lơ, thờ ơ không ngăn cản hành vi phạm tội của người mẹ kế đối với con đẻ của mình, trường hợp này có thể bị xem xét với vai trò là đồng phạm hoặc Tội không tố giác tội phạm với mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù.
Tóm lại người cha trong trường hợp này đã không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình, ngoài trách nhiệm hình sự người cha này còn phải đối mặt với trách nhiệm lương tâm, đạo đức của mình.
Mẹ đẻ của nạn nhân có chia sẻ, nhiều lần muốn gặp con nhưng phía bố của bé và mẹ kế đã ngăn cản không cho gặp, vậy đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì 'Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở'.
Nhưng bố cháu bé và bị can đã ngăn cản quyền thăm nom con của mẹ cháu bé là hành vi vi phạm pháp luật. Và sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Xuân Tín
Vậy những người mẹ trong hoàn cảnh bị ngăn cản như vậy thì cần làm gì?
Để đảm bảo vệ quyền lợi của mình, người mẹ có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc xin xác nhận về việc người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con.
Từ đó yêu cầu cơ quan thi hành án việc thăm con, chăm sóc con theo bản án, quyết định của Tòa án. Người mẹ có thể khởi kiện ra Toà án, yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con.
Trường hợp có căn cứ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con thì phía còn lại có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Xin cảm ơn Luật sư.
Tại cơ quan công an, bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang khai nhận, nhiều lần đánh đập con riêng của chồng với lý do là dạy học cho bé. Trang nói thêm do đánh đập nhiều lần bằng roi mây nên roi mây bị gãy, sau đó đã chuyển sang dùng gậy gỗ để tiếp tục 'dạy dỗ’ bé.
Theo lời khai của bị can, buổi sáng hôm xảy ra vụ việc ngày 22/12, bé A học online đến 10h thì Trang kiểm tra bài. Đến 14h, Trang nấu phở cho bé ăn. Khi cháu A có đòi uống sữa, Trang đưa cho cháu 3 hộp. Sau đó cháu bé tiếp tục uống nước ép ổi.
Sau khi ăn uống xong, Trang dạy bé học bài. Do bé làm sai bài nên Trang đánh nhiều cái. Bị can chỉ dừng đánh đến khi bé A học tốt lên. Khoảng nửa giờ sau, A. than mệt và vào phòng nghỉ. Thấy bé nôn ói, Trang dọn dẹp và gọi bố nạn nhân về.
Ông Th. về đến nhà thì ôm con gái vào nhà tắm. Phát hiện trong mũi bé có nhiều dị vật (thức ăn) nên ông Th. hút ra, nhưng bé vẫn tiếp tục dấu hiệu yếu đi, ông Th. đã gọi cấp cứu và nhờ bảo vệ đưa nạn nhân đến bệnh viện, tuy nhiên bé đã tử vong.
Đáng chú ý, ông Th. khai nhận đã thấy con gái có nhiều vết bầm tím trước đó và sợ mẹ kế. Dù vậy, trong suốt thời gian sinh sống chung, thay vì lên án hay trao đổi để Trang thay đổi cách dạy dỗ con gái thì ông Th. lại có ứng xử như đồng tình với bị can.
|