Phần lớn công việc của cô Cha Quanling (24 tuổi) ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đều liên quan tới người chết. Theo đó, cô Cha chịu trách nhiệm chuẩn bị tang lễ cho người đã khuất với khoảng thời gian kéo dài nhiều tiếng đồng hồ từ làm vệ sinh, lau chùi và đôi khi là sắp xếp lại các mảnh thi thể của nạn nhân qua đời do tai nạn. Sau đó, cô Cha sẽ nói chuyện với thân nhân của người đã mất về các thủ tục trong tang lễ sắp được cử hành.
Giống như các đồng nghiệp khác, cô Cha nằm trong nhóm mới vào nghề hộ tang trong ngành dịch vụ tang lễ ở đất nước tỷ dân. Một số người buộc phải lựa chọn công việc bị xem là đáng sợ do không tìm được công việc nào khác. Nhưng cũng có người làm việc này để thay đổi quan niệm về nghề hộ tang, cũng như hiểu rõ hơn về áp lực và sự kỳ thị đối với ngành nghề đặc biệt.
Cô Cha Quanling (bên trái) cùng đồng nghiệp khâu lại thi thể người đã khuất. (Ảnh: Sixth Tone)
Theo phong tục truyền thống của Trung Quốc, cái chết gắn với nỗi sợ hãi và điềm xấu. Do đó, nhiều người tránh sử dụng số 4, bởi con số này phát âm là 'tứ' gần đồng âm với 'tử' nghĩa là cái chết trong tiếng Trung. Thậm chí, những người làm nghề hộ tang còn bị người khác xem thường và coi là điềm báo xấu.
'Một số người tham dự lễ tang sẽ tránh giao tiếp với chúng tôi, thậm chí một số tài xế sẽ từ chối chở bạn tới nhà xác nhất là trong các dịp lễ Tết như Tết Nguyên đán', Sixth Tone dẫn lời cô Cha.
Theo các chuyên gia, sự kỳ thị tồn tại lâu nay với những nghề hộ tang khiến ngành tang lễ Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng lên tới 20.000 người/năm.
Dữ liệu được chính phủ Trung Quốc công bố từ năm 2021 cho thấy Trung Quốc có 4.373 đơn vị tổ chức tang lễ với 87.000 người làm nghề hộ tang và xử lý gần 10 triệu người chết mỗi năm.
Đáng nói, ngành dịch vụ tang lễ được nhận định sẽ còn tăng trưởng nhanh do tình trạng dân số già ở Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Huaon, thị trường đám ma ở đất nước tỷ dân sẽ đạt doanh thu 411,4 tỉ nhân dân tệ (56,9 tỉ USD) vào năm 2026.
Chính tình trạng thiếu nhân lực trong khi nhu cầu tuyển nhân viên hộ tang vẫn gia tăng khiến nhiều lao động trẻ mới ra trường, những người đang chật vật tìm kiếm việc làm giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc trì trệ nhất là sau 2 năm chống dịch Covid-19, chuyển hướng sang làm nghề hộ tang.
Cô Tian Anxin (34 tuổi), người đã làm nhân viên hộ tang được 10 năm ở tỉnh Phúc Kiến, cho hay ngày càng có nhiều lao động trẻ tham gia ngành nghề này trong những năm gần đây, bất chấp tình trạng phân biệt đối xử và miệt thị vẫn tồn tại dai dẳng. Theo cô Tian, một đồng nghiệp của cô từng bị thân nhân của người đã khuất tát vào mặt khi đang làm việc.
Người phụ nữ (34 tuổi) nhấn mạnh cô chỉ mô tả mình là một nghệ sĩ hóa trang, hoặc giáo viên dạy cách xã giao mỗi khi người khác hỏi về công việc đang làm nhằm 'tránh những rắc rối không cần thiết'.
'Nhiều người nghĩ công việc của chúng tôi chủ yếu liên quan tới người chết, nhưng thực tế đây là chuyện xoay quanh người sống nhiều hơn', cô Tian tâm sự.
Trong bối cảnh, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi và tốt nghiệp Đại học hay Cao đẳng tham gia nghề hộ tang, những người làm trong nghề hy vọng họ sẽ thay đổi được thái độ khiếm nhã của xã hội đối với nghề này, cũng như làm hiện đại hóa ngành dịch vụ tang lễ. Bởi nhiều phong tục truyền thống nay đã được cắt bỏ, do một số gia đình muốn người thân được hỏa táng thay vì địa táng. Bên cạnh đó, các nghi lễ rườm rà cũng được giảm thiếu, do chính phủ Trung Quốc đã ban hành những quy định thực hiện tiết kiệm trong quá trình làm ma chay hay cưới hỏi.
Cũng theo cô Tian, làm nghề hộ tang cũng như chứng kiến cuộc sống và cái chết cận kề khiến cô cảm thấy thương xót hơn trước những người quá cố. Điều này khiến cô muốn học thêm về chương trình an dưỡng cuối đời, và chăm sóc cho những người đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời.
Trong khi đó, cô Cha có ý định dùng kinh nghiệm tích lũy trong khoảng thời gian làm nghề hộ tang để làm chuyên gia tư vấn nhằm giúp mọi người vượt qua nỗi đau buồn khi mất mát người thân và bạn bè.
'Tôi muốn được xoa dịu cả người sống lẫn người chết', cô Cha nói.