Người Hàn Quốc thông thạo tiếng Việt vốn đã là một sự thú vị. Đằng này, Tuấn Jeon - một chàng trai 'thuần Hàn' lại còn làm phiên dịch cho những người Việt Nam tại xứ sở kim chi thì hiển nhiên sẽ thu hút rất nhiều tò mò.
Chàng trai 25 tuổi này chính là một trong nhiều tình nguyện viên đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc, giúp đỡ người Việt giải quyết khó khăn về ngôn ngữ giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Hiện tại, Tuấn Jeon vừa học tại Đại học Sogang, vừa làm tình nguyện viên.
Tuấn bắt đầu tham gia BBB Korea - dịch vụ cuộc gọi hỗ trợ thông dịch giúp đỡ người nước ngoài tại Hàn Quốc (do chính phủ triển khai từ World Cup 2002 đến nay) từ năm 2014, lúc đó cậu mới tốt nghiệp cấp 3. Đây là dịch vụ hoàn toàn miễn phí, với đội ngũ tình nguyện viên thông thạo hoạt động 24/7, áp dụng cho 20 thứ tiếng (bao gồm cả tiếng Việt).
Tuấn Jeon khi đến thăm Hà Nội
Từ đó đến nay, Tuấn đã nhận được khoảng 2000 cuộc gọi từ những người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc. Đã có những cuộc gọi lúc nửa đêm, có cả những cuộc gọi lúc Tuấn đang ngồi trong lớp học,... nhưng Tuấn chẳng cảm thấy nề hà gì. Cậu chỉ thấy rất hào hứng và vui vẻ vì được nói tiếng Việt và giúp đỡ mọi người. Bởi lẽ, hẳn họ cũng đang vội vàng và mệt mỏi với những tình huống khó xử tại nước ngoài.
Khác với tưởng tượng của nhiều người, bố mẹ của Tuấn đều là người Hàn. Vậy lý do gì đã đưa cậu bạn Hàn Quốc này đến với tiếng Việt? Và trong mùa dịch Covid-19 này, Tuấn đã giúp mọi người những gì? Cùng trò chuyện với Tuấn Jeon nhé!
Bén duyên với Tiếng Việt nhờ thi... trượt tiếng Anh
Chào Tuấn, lý do gì đã thôi thúc bạn học Tiếng Việt vậy?
Tuấn coi việc này là số trời, định mệnh. Vì khi Tuấn thi vào THPT Ngoại Ngữ tại Hàn Quốc, mình chọn thi vào khoa Tiếng Anh vì rất thích Tiếng Anh. Vậy nhưng, hồi đó điểm thi thấp quá không vào được nên mình chuyển vào khoa Tiếng Việt. Rồi mình bắt đầu học Tiếng Việt và dần cảm thấy thích thú với nó.
Hẳn là một định mệnh mở ra cho bạn nhiều cơ hội đúng không?
Chính xác. Chắc nên nói, Tiếng Việt và đất nước Việt Nam làm Tuấn có thể tìm được những thứ, những điều mình muốn làm. Tuấn vẫn đang kiên định với nó.
Điều mà bạn muốn làm chính là trở thành một phiên dịch viên, giúp đỡ những người Việt Nam gặp khó khăn?
Việc làm 'phiên dịch viên' đó là tạm thời.
Tuấn bây giờ là sinh viên, không có nhiều thời gian, cũng không có nhiều điều kiện để làm những gì khác. Thế nên giờ vị trí mà Tuấn có thể phát huy hết năng lực thì đó chính là phiên dịch viên. Tuấn luôn mong muốn có thể giúp được những người Việt Nam tại Hàn Quốc đang gặp khó khăn, nhất là khó khăn giao tiếp.
Bạn có thể chia sẻ một vài kỷ niệm khi làm phiên dịch viên trực tuyến không?
Tuấn nhớ như in hai cuộc gọi.
Một, là cuộc gọi của cô dâu Việt mới kết hôn, kéo dài 3 tiếng. Cô dâu Việt Nam và chú rể người Hàn mới cưới 2 tháng nhưng gặp vấn đề về giao tiếp, ngôn ngữ, văn hoá. Hai người chẳng hiểu gì về nhau cả. Tuấn không chỉ thông dịch đơn thuần mà còn giải thích để hai người hiểu rõ văn hoá hai nước. Chẳng thế mà hai người sau khi hiểu chuyện đã khóc rất nhiều.
Hai, là câu chuyện của một y tá và một lao động người Việt gặp tai nạn, phải nhập viện cấp cứu. Anh ấy hoàn toàn đơn độc vì cả công ty chỉ có duy nhất anh là người Việt Nam. Anh cũng không có người chăm sóc. Các bác sĩ, y tá cũng rất vất vả vì không thể giao tiếp với anh. Nhận được cuộc gọi về trường hợp này, Tuấn đã phải rất cẩn thận, hướng dẫn anh ấy lịch mổ, thuốc men, các chú ý cần thiết. Anh ấy đã mổ thành công, nhưng sau mổ thì khá yếu và phải theo dõi hàng ngày.
Vì sự cấp thiết đó nên mình quyết định công khai số điện thoại cá nhân cho chị y tá (dù điều này là trái nguyên tắc, nhưng mình rất mong được thông cảm). Vậy là, hàng ngày, mình đều giúp chị y tá từ xa viết hướng dẫn cụ thể cho anh ấy, như ăn gì, uống gì, tiêm gì, để ý điều gì,... lên giấy. Nghe nói, anh ấy nhìn và cười rất nhiều. Trong vòng 2 tháng đến khi anh ra viện, mình đều hỏi thăm ít nhất 2 ngày/lần để đảm bảo mọi thứ tiến triển tốt. Xuất viện rồi, anh ấy nói với Tuấn là: 'Anh sẽ không bao giờ quên được sự giúp đỡ ấm áp và tốt bụng của em'.
Tuấn Jeon
Dù vẫn là sinh viên, chưa có điều kiện để làm được nhiều thứ hơn (như bạn chia sẻ ở trên), vậy còn đến khi ra trường, bạn vẫn muốn theo đuổi công việc phiên dịch chứ?
Việc thông dịch cần tinh thần trách nhiệm rất cao, nếu phiên dịch viên thông dịch sai thì sẽ có vấn đề rất lớn. Do đó, cơ quan BBB Korea chỉ tuyển người từ 20 tuổi và việc phỏng vấn, thi cử rất gắt gao. Để trở thành phiên dịch viên của BBB, bạn bắt buộc phải đảm bảo năng lực ngôn ngữ và cả sự am hiểu về văn hóa đất nước đó. Hoạt động tình nguyện cùng Tuấn hầu như là người già hoặc các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc, chứ Tuấn chưa thấy các bạn trẻ tham gia hoạt động này.
Khi ra trường, Tuấn nhất định sẽ tiếp tục tình nguyện tiếp ở đây và cũng sẽ mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, nhiều đơn vị hơn để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
Thực sự rất buồn nếu nhỡ mất cuộc gọi cần giúp đỡ
Công việc phiên dịch mùa Covid-19 của bạn diễn ra như thế nào?
Gần đây thì không có nhiều trường hợp như trước, vì không có du khách. Các cuộc gọi đến vẫn nhiều nhưng chỉ đến từ chỗ khu khám, bệnh viện hoặc sân bay.
Họ thường hỏi bạn về vấn đề gì?
Khu khám và bệnh viện thì muốn biết thông tin về người đến khu. Sân bay thì là vấn đề xuất nhập cảnh cần những hồ sơ gì liên quan đến Covid-19 (do có nhiều thủ tục đã thay đổi).
Có cuộc gọi nào khiến bạn cực kỳ căng thẳng vào mùa dịch không?
Hôm đó, mình nhận được cuộc điện thoại từ khu khám Covid. Một y tá gọi cho mình và bảo rằng có một người Việt Nam đang đến. Cô y tá cực kỳ hoang mang vì không biết người đàn ông đó nói gì. Sau khi trò chuyện, mình được biết anh người Việt Nam đó bị ho và nhức cơ thể, do vậy muốn đi xét nghiệm Covid. Anh đó là lao động tại Hàn, sợ bị nhiễm Corona thì sẽ không được đi làm. Mình đã rất đau lòng khi nghe anh chia sẻ về hoàn cảnh.
Sau cuộc gọi đó, mình đã học thêm về chính sách của Hàn Quốc để có thể giải thích kỹ càng hơn đối với những người Việt cần sự giúp đỡ của mình.
Bạn có bao giờ cảm thấy phiền khi phải liên tục nhận điện thoại tư vấn không?
Không bao giờ. Mình coi đó là nhiệm vụ của bản thân. Khi mà ngủ quên, hay đi vệ sinh mà làm nhỡ mất cuộc gọi, mình thực sự rất buồn.
Đóng góp của mình chỉ là một phần nhỏ, nếu ngày càng nhiều người chung tay thì sẽ trở nên lớn hơn. Mình chỉ làm những gì mà mình có thể làm được thôi, mong là giúp đỡ càng người càng tốt.
Việc nhận nhiều cuộc điện thoại trong mùa cao điểm Covid 19 có khiến bạn gián đoạn việc học?
Lúc trước, vì muốn nghe máy quá, mình còn giả vờ đi vệ sinh để nhận cuộc gọi.
Hiện nay, người Việt Nam ở Hàn Quốc đang như thế nào?
Thực ra, người Hàn và người Việt ở đây cũng bình thường, chỉ là thay đổi một chút về thói quen hàng ngày như: đeo khẩu trang, rửa tay kỹ,... Nhưng nếu có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh thì sẽ rất mệt mỏi.
'Bởi vì tôi yêu Việt Nam, nên tôi sẽ...' Tuấn có thể điền thêm vào cho câu trọn vẹn, có thể truyền cảm hứng đến mọi người được không?
Bởi vì tôi yêu Việt Nam, nên tôi sẽ hết sức cố gắng để những gì mà tôi có thể làm được. Tôi muốn trở thành cầu nối kết nối Việt Nam và Hàn Quốc, giao tiếp với nhiều người hơn và giúp đỡ nhiều người hơn.
Cảm ơn Tuấn Jeon vì những chia sẻ trên!