Vụ việc cháu N.T.V.A. (8 tuổi) ngụ quận 1, TP.HCM tử vong nghi do bị 'dì ghẻ' bạo hành đang khiến dư luận phẫn nộ.
Cụ thể, nghi phạm là N.V.Q.Tr. (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh bắt về hành vi hành hạ, đánh đập dẫn đến một bé gái tử vong. Được biết bà Tr. là vợ sắp cưới của ông Th. (36 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) và đang cư trú cùng ông Th. cùng con gái riêng (là cháu A).
Trước đó, vào chiều tối 22/12, Công an phường 22 (quận Bình Thạnh) nhận tin báo của một bệnh viện trên địa bàn về việc một bé gái được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong trước đó. Vì nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ về cái chết của bé gái này nên phía bệnh viện báo công an vào cuộc.
Khi kiểm tra thi thể, bác sĩ ghi nhận cháu bé có những vết bầm lớn nhiều nơi trên cơ thể, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Từ những vết thương và mảng thâm, bầm trên cơ thể bé, cơ quan chức năng nghi vấn cháu bé bị đánh đập dẫn đến tử vong.
Những vết bầm tím trên cơ thể của bé 8 tuổi bị 'dì ghẻ' đánh tử vong.
Đáng chú ý hơn, theo tiết lộ của hàng xóm gia đình cháu A. cho biết vào chiều 22/12, có người nghe tiếng cháu A. la hét, bị đánh đập, thậm chí nhiều lần trước đó cũng nghe thấy tiếng cháu A. bị đánh, bạo hành.
Anh B - một hàng xóm sống ngay dưới căn hộ của cháu A cho biết, vợ chồng anh nghe thấy tiếng ồn ào, la hét từ căn hộ tầng trên từ tháng 9/2020. 'Vợ tôi phản ánh với bảo vệ của tòa nhà, bảo vệ nói đó không phải đánh chó, mà là đánh con. Lúc nghe vậy, tôi cũng bức xúc lắm, tôi hỏi sao các anh không lên xem sao và can thiệp thì họ nói các gia đình xung quanh cũng phản ánh rất nhiều và đã lên can thiệp rồi’, anh B. nói.
Theo lời kể của anh B. thì ngày nào cũng nghe thấy tiếng ồn ào từ căn hộ của cháu A, 'ban ngày cũng có, ban đêm cũng có, trước khi đi ngủ cũng có', lúc này, anh B. chỉ nghĩ chắc vợ chồng cãi vã, xích mích, sau mới biết là đánh trẻ con.
Một người hàng xóm khác sống cùng tầng cho biết: 'Hàng xóm phía bên đó và tầng dưới, tầng trên họ đều nghe thấy tiếng con bé la hét, khóc than'.
Nhiều cộng đồng mạng khi biết tin vô cùng xót thương cho bé gái nhỏ
Dù vậy, việc hàng xóm xung quanh không tố cáo vụ việc kịp thời của cháu A. đến cơ quan công an hay khuyên nhủ, can ngăn kịp thời đã dẫn đến xảy ra vụ việc đau lòng là sự ra đi mãi mãi của cháu bé mới chỉ 8 tuổi khiến dư luận thêm phần khó hiểu.
Sau những vụ việc này có câu hỏi được đặt ra: Khi phát hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là bạo hành trẻ em mà người phát hiện không can thiệp, tố giác ngay để hành vi phạm tội tiếp tục diễn ra, nguy hại đến sức khỏe trẻ em, liệu những người này có vi phạm luật?
Theo báo Dân Việt, liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết:
Trong những vụ việc này, cần xem xét và tìm hiểu thật rõ lý do vì sao người chứng kiến hành vi phạm tội đang diễn ra lại không nhanh chóng ngăn cản, trình báo công an.
Bởi cần căn cứ bối cảnh diễn ra vụ việc, tính chất nghiêm trọng của vụ việc mới có thể kết luận hành vi trên có vi phạm pháp luật hay không, mức độ vi phạm và xử lý vi phạm tới đâu.
Trường hợp người chứng kiến không có khả năng và điều kiện để can thiệp, ngăn cản hành vi phạm tội thì người này không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nếu người này có khả năng ngăn chặn, cứu giúp nạn nhân nhưng không có hành động phù hợp, để hậu quả nghiêm trọng xảy ra, gây chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ có thể bị truy cứu pháp luật. Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự thì trường hợp người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến năm năm.
Như vậy, nếu người chứng kiến hành vi bạo hành trẻ em đang diễn ra, gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ và có khả năng can thiệp, giải cứu nạn nhân nhưng không cứu giúp thì có thể bị truy cứu hình sự theo quy định trên. Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm hình sự của người này thì cần rất thận trọng xem xét nhiều yếu tố cần thiết.
Trước hết hành vi này phải là cố ý không cứu người. Theo quy định trên, cố ý không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện cứu mà không cứu dẫn đến người đó bị chết.
Ở đây cũng cần lưu ý 'có điều kiện cứu' không chỉ là có khả năng mà phải là có điều kiện hoàn toàn có thể cứu người được. Thêm vào đó, chỉ khi xảy ra hậu quả chết người và hậu quả chết người là do bị bỏ mặc không cứu giúp thì 'người có điều kiện mà không cứu giúp' đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.