uống chai nước lạ
Cụ thể, từ ngày 2/2, cháu Phan Thanh H. (9 tuổi) và cháu Phan Văn Kh. được người thân đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An trong tình trạng co giật, nôn ói nghi do ngộ độc thuốc diệt chuột. Đến ngày 5/2, cháu H. đã hồi phục sức khỏe nên được cho về nhà tiếp tục chăm sóc. Riêng cháu Kh. triệu chứng ngày càng nặng và tiên lượng xấu nên được gia đình đưa về nhà. Đến 15h ngày 6/2, cháu Kh. tử vong.
'Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền xã đã vào bệnh viện thăm hỏi hai cháu. Tuy nhiên, điều đáng tiếc cháu K. không thể qua khỏi', lãnh đạo xã Phúc Thành cho biết.
Loại thuốc diệt chuột mà bệnh nhi mua trên trang thương mại điện tử (Ảnh BV Nhi TW)
Cũng nghi ngộ độc thuốc diệt chuột, trước đó PLO thông tin, ngày 24/1, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đã tiếp nhận 32 bệnh nhi, hầu hết là học sinh trường Tiểu học Phú Bình, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) nhập viện. Theo lời kể từ các bệnh nhi, sáng 21/1, có một trẻ ra khỏi khuôn viên nhà trường, sang đồi chè sát cạnh trường để chơi và tìm thấy một túi có chứa nhiều ống nhựa màu đỏ, xanh bên trong. Trẻ lấy một ống mang về trường và rủ một trẻ khác uống ngay trong buổi sáng 21/1. Sau đó, các học sinh khác cũng sang đồi chè và lấy các ống này về trường. Các trẻ chia nhau uống trong buổi chiều 21/1. Một phụ huynh cho biết con gái lớp 2 của mình có uống khoảng 1-2 giọt từ bạn chia cho. 'Con bảo thuốc có mùi thơm như siro kẹo, nhưng khi thử uống thấy đắng nên đã nhổ đi', phụ huynh này nói. Một phụ huynh khác cũng chia sẻ rằng chiều tối khi con về nhà có biểu hiện đau bụng, được cho uống thuốc đau bụng. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo với gia đình về vụ việc, bố mẹ mới vội vàng đưa con đến bệnh viện địa phương. Lúc này con mới nói đã uống khoảng 2 giọt 'siro hồng'. Có 32 trẻ được chuyển điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và 5 trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong số đó, 7 trẻ nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai đã uống mức đáng kể, từ 1/3 đến 1 ống, có triệu chứng đau đầu, nôn, chóng mặt, có nguy cơ bị ngộ độc nặng. Các trẻ còn lại uống từ 1-3 giọt. Sản phẩm thuốc diệt chuột được đóng gói như kẹo. (Ảnh: Internet/NLĐ) Liên quan đến một vụ việc ngộ độc thuốc trừ sâu khác, NLĐ đưa tin, vào 10h ngày 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận tổng số 20 trẻ trong tình trạng nghi bị ngộ độc thuốc diệt chuột, trong đó có 2 trẻ triệu chứng đau bụng, buồn nôn, quấy khóc. Sở Y tế Lai Châu phối hợp với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cùng các y, bác sĩ thực hiện quy trình cấp cứu ngộ độc thuốc diệt chuột theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của chuyên gia. Theo Trường Mầm non Giang Ma, lớp mầm non 25 - 36 tháng tuổi có 20 học sinh và 2 giáo viên phụ trách là cô Lò Thị Thiên và Đinh Thị Hường. Sáng 5/11, khi xảy ra vụ việc, 1 cô trong nhà vệ sinh, còn 1 cô đang chăm sóc trẻ. Khoảng 8h30 cùng ngày, khi quay lại lớp, giáo viên phát hiện một số trẻ đang cầm trên tay các viên thuốc màu hồng nghi là thuốc diệt chuột sinh học.... Rất may, vụ việc xẩy ra với học sinh trường Tiểu học Phú Bình và Trường Mầm non Giang Ma không có trường hợp tử vong. Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Bệnh viện Nhi Trung ương, thuốc diệt chuột có thành phần Natri Fluoroacetate khi ăn hay uống phải, người bệnh sẽ có thể có hiện tượng co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan,… dẫn đến tử vong. 'Dù là thuốc cần được kiểm soát, nhưng hiện nay người dân có thể dễ dàng mua thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật thú y, trên mạng, các sàn thương mại điện tử… Người có nhu cầu, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên mạng sẽ dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm với đủ các mức giá, xuất xứ khác nhau và có thể mua đơn giản vì không kiểm định đối tượng mua hàng, không kiểm soát đối tượng bán hàng… Điều đáng chú ý ở đây, Fluoroacetat là thuốc diệt chuột đã được cấm lưu hành nhiều năm nhưng lại được đóng gói dưới dạng thuốc diệt chuột được phép lưu hành hiện nay. Việc mua bán một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc...', bác sĩ Hùng cho hay. Uống nhầm thuốc, hoá chất không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn,… Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên ngộ độc thuốc diệt chuột có chủ đích do trẻ có ý định tự tử,… điều này dẫn đến các tổn thương nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo, đối với gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đối với trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ khi vui chơi, sinh hoạt. Đối với những trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ những loại hóa chất độc hại, cách phân biệt các loại đồ ăn có hình dáng tương tự cũng như quan tâm đến các tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của con. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc, khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân, có cách xử lý phù hợp.