Đồn đoán mây đỏ lạ là điềm báo cho thiên tai
Chiều ngày 19/9, trên bầu trời Sa Pa, Lào Cai bỗng xuất hiện nhiều đám mây đỏ lạ, giống như núi lửa cuộn trào. Hình ảnh này ngay lập tức được chia sẻ rầm rộ trên mạng với nhiều lý giải khác nhau. Trong đó, bài đăng cho rằng, hình ảnh này gắn với “thiên tượng”, “hỏa tượng” đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận kèm theo những lo lắng.
Ảnh chụp màn hình, nguồn: MXH
Những bài đăng cho rằng hình ảnh mây đỏ lạ ở Lào Cai gắn với 'thiên tượng', 'hỏa tượng' nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Ảnh chụp màn hình, nguồn: MXH
Một bài đăng với hơn 12 ngàn lượt thích với hàng ngàn lượt chia sẻ, tương tác lý giải:
“Hiện tượng xuất hiện những dải mây sáng rực đỏ trên bầu trời tại TP Sa Pa tỉnh lào cai là một thiên tượng báo hiệu những thiên tai sắp sảy ra liên tiếp vào những tháng cuối năm 2024 và đầu 2025. Động đất còn nhiều và cường độ mạnh hơn; Cháy rừng lớn vào cuối năm nay; Sạt lở vỡ đê còn nhiều xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bà con hết sức lưu tâm cảnh giác cao độ phòng cho mình không để mọi điều đáng tiếc xảy ra hạn chế thấp nhất rủi ro về người và tài sản”.
Tài khoản này cũng cho rằng các cơ quan nhà nước cần lưu ý cảnh báo này.
Chuyên gia: Không liên quan đến thiên tượng, hỏa tượng
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai khẳng định, hiện tượng mây đỏ lạ trên bầu trời ở Sa Pa, Lào Cai không liên quan gì đến thiên tượng.
Hình ảnh mây đỏ lạ trên bầu trời ở Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Mạng xã hội.
Lý giải về nhận định trên, TS Nguyễn Ngọc Huy cho hay, mây màu đỏ xuất hiện khi ánh sáng xanh bị phân tán và ánh sáng đỏ chiếm ưu thế. Ánh sáng đỏ thường xuất hiện vào khung giờ buổi chiều và buổi sáng (hoàng hôn và bình minh) và mây màu đỏ xuất hiện với 3 điều kiện đồng thời xuất hiện:
Thứ nhất, khí áp của bầu khí quyển tại thời điểm đó cao khiến cho các hạt vật chất bao gồm cả bụi và các hạt khí khác bị giữ lại ở bầu khí quyển, làm phân tán ánh sáng.
Theo chuyên gia, những đám mây đỏ lạ trên bầu trời Sa Pa, Lào Cai không là 'thiên tượng' hay 'hỏa tượng'. Ảnh: Mạng xã hội.
Ánh sáng mặt trời có 7 gam màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Mỗi màu sắc tương ứng với 1 bước sóng, tần số và mang năng lượng khác nhau. Trong đó ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất trong dải quang phổ khả kiến và ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất. Ánh sáng xanh có bước sóng trung bình bị cản bởi các hạt khí và bụi còn ánh sáng đỏ có bước sóng dài nên không bị các hạt cản lại.
Điều kiện thứ hai, là thời điểm và góc chiếu. Vào thời điểm buổi trưa quang mây ít bụi, ta sẽ thấy bầu trời màu xanh vì ánh sáng xanh chiếm đa số. Phần nhiều do đa số hạt bụi và hạt khí lơ lửng ở tầng bề mặt đất nên mặt trời chỉ xuyên qua lớp mỏng của các hạt.
Vào thời điểm buổi sáng và buổi chiều (hoàng hôn và bình minh) mặt trời có góc chiếu gần như song song trên bề mặt Trái đất nơi vị trí chúng ta quan sát mặt trời.
“Khi đó mặt trời phải xuyên qua một bề dày các lớp hạt, bao gồm cả bụi nên các ánh sáng có bước sóng ngắn bị cản lại. Chỉ còn ánh sáng bước sóng dài xuyên qua được và trở thành khả kiến (đỏ và cam). Đó là lý do chúng ta thấy hoàng hôn hay bình minh có màu cam và đỏ”, ông Huy nói.
Và điều kiện cuối cùng là các đám mây đủ dày và riêng biệt. Khi ánh sáng đỏ và cam xuyên qua các hạt bụi và khí nhỏ đập phải một đám hơi nước dày (mây) không thể xuyên qua thì chúng ta sẽ thấy mây có màu đỏ ở phía mặt trời chiếu tới, màu đen ở phía mặt trời không chiếu tới. Các đám mây như những màn chiếu hứng ánh sáng. Vậy là chúng ta có mây màu đỏ trên bầu trời. Hình dạng của mây là ngẫu nhiên và thi thoảng nó có tạo hình rồng, hình phượng. Mà rồng và phượng cũng là những linh vật trong trí tưởng tượng của con người.
“Việc sử dụng những hiện tượng tự nhiên rồi áp đặt nó vào việc lý giải tâm linh là điều không nên làm, nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua trận thiên tai quá lớn, dân chúng đang lo âu. Hành động đó là hành động reo rắc nỗi sợ hãi”, TS Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, việc bề mặt đất ở những nơi mới vừa bị trượt lở đang bất ổn định và tiềm ẩn các rủi ro hiện hữu cho các đợt trượt lở tiếp theo là có. Nhiều quả đồi đang ngậm nước ướt sũng, nhão, nứt và nặng. Chỉ cần thêm một đợt mưa lớn nữa có thể kích hoạt thêm các đợt trượt lở mới là điều hoàn toàn có thể. Vì vậy ở những nơi có nguy cơ cần có sự khảo sát của chính quyền địa phương, của người dân có kinh nghiệm trong làng và các chuyên gia địa chất để xác định các nguy cơ mà tránh.
“Đó là việc cần làm, không liên quan gì thiên tượng”, ông Huy khẳng định.
Đồng quan điểm, trao đổi với báo chí, ông Vũ Thế Hoàng, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết, những đám mây đỏ rực được chia sẻ là hiện tượng tán xạ, khúc xạ ánh sáng khi ánh nắng mặt trời xuyên qua các lớp khí quyển, lớp mây bị tán xạ vào thời điểm ráng chiều. Đây là khoảnh khắc của tự nhiên, không phải hiện tượng lạ.