Tiếng thét xé lòng của cô bé M'Nông
Tiếng khóc thét của Hà My khi chiếc xương đùi bị gãy được cố định lại bằng nẹp y tế
Trận lở núi kinh hoàng vùi lấp nhà cửa, vùi lấp người ở nóc Ông Lục. Hồ Hà My cùng em, mẹ, ông bà ngoại đang ở trong nhà tránh bão số 9 thì đất đá ào xuống. Căn nhà đổ sập, chìm trong bùn đất.
Mẹ Hà My là chị Hà chạy thoát ra ngoài được. Họ quay lại đào bới liên tục. Hà My cùng em gái Sa Ny được cha mẹ đào lên từ đống bùn đất. Bà ngoại cũng được tìm thấy. Ba bà cháu bị thương nặng, Hà My bị nặng nhất khi bị gãy xương đùi.
'Con bé gãy xương đùi, đi suốt 17 cây số đường núi, lội sông, trèo dốc mà không khóc một tiếng. Nó cắn răng chịu đựng. Cái chỗ xương gãy trên đùi sưng to như đùi người lớn, nó vẫn không khóc', anh Hồ Tấn Cường, trú thôn 1 xã Trà Dơn, người gánh Hà My ra ngoài, cảm phục kể.
Quân y tiếp nhận cô bé M'nông từ những người gánh võng. Họ động viên, an ủi cô bé cùng cả gia đình và những người làng đang bị thương khác. Chân cô bé sưng vù, đôi mắt to tròn vô hồn, thất thần. Các chiến sĩ quân y nhẹ nhàng tháo chiếc nẹp tạm để cố định lại trước khi chuyển đến bệnh viện. Nhẹ nhàng, cẩn thận, họ sợ làm cô bé đau.
Chiếc nẹp y tế được đưa vào chân cô bé. Anh chiến sĩ quân y bó lại chiếc nẹp. Cô bé M'nông mới chỉ 7 tuổi khóc thét lên từng tiếng. Đau đớn. Miệng cô bé thốt lên những tiếng gọi mẹ. Mẹ cô đang bồng em, ngồi bệt xuống chiếc cáng quân y nơi con gái nằm. Tay bồng con gái nhỏ, tay kia chị Hà nắm chặt tay Hà My. Hai mẹ con mắt ướt nhoè.
Những người có mặt chứng kiến, công an, bộ đội, cán bộ, người dân đều bật khóc. Những tiếng xuýt xoa bật lên từ môi những người chứng kiến. Tiếng thét của cô bé dừng khi chiếc nẹp cố định xong.
'Thương con bé quá, đau lắm, vết gãy xương đùi gây nhức vô cùng. Về bệnh viện các bác sĩ sẽ mổ ngay cho bé', anh chiến sĩ quân y thốt lên.
Được biết chồng chị Hà chính là anh Nguyễn Cao Tùng, người đàn ông ở Trà Leng được cộng đồng mạng quan tâm với câu nói 'em không cần tiền, cho em xin đi xe thôi'.
Anh Nguyễn Cao Tùng đang chăm con tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Sau khi đi bộ từ huyện xa về làng và nghe hung tin gia đình tang thương, anh xin đi nhờ xe từ vùng núi Trà Leng xuống Tam Kỳ để thăm vợ con đang điều trị do núi sạt lở vùi lấp. Người ta cho tiền, anh lắc đầu nói trong nước mắt: 'Em không nhận tiền, em chỉ xin đi xe thôi...'.
Anh Tùng cho hay khi đang đi làm công nhân ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), anh nghe người ta nói rằng thôn 1, xã Trà Leng bị sạt lở, nhiều người mất tích.
'Nóng ruột! Tôi xin ông chủ về ngay trong đêm nhưng ông chủ không cho. Sáng dậy tôi trốn về, phải băng qua năm con suối, đi bộ tám tiếng đồng hồ mới tới nhà. Vừa đi vừa mơ màng, không nghĩ được gì, chỉ muốn về gặp con thôi...', anh Tùng nhớ lại.
3 giờ chiều ngày 30/10, anh về đến tiệm tạp hoá trên đường vào nhà thì nghe một người dân nói: 'Đừng về, vợ con đưa hết xuống bệnh viện dưới Tam Kỳ rồi'. Không nghĩ được gì, anh bật khóc quay ngược ra đường đón xe tìm vợ con.
'Chân tôi đi như chạy, bụng đói. Gặp mấy anh chị từ thiện, tôi xin đi xe mà họ cho tiền, tôi sợ họ không cho đi nên nói 'em không nhận tiền, em chỉ cần xin xe đi thôi'', anh Tùng kể.
Anh Tùng nhờ đi xe đến bệnh viện đa khoa Quảng Nam lúc 20 giờ. Gặp vợ con, anh mới hết lo sợ vì họ vẫn còn sống. 'Không có gì bằng được ở bên người thân. Chỉ quá buồn vì bố vợ mất rồi!', mắt anh vẫn đỏ hoe khi nhắc về chuyện người bố vợ bị núi vùi lấp.
Người mẹ cạn khô nước mắt khi cùng lúc mất 3 con trong vụ sạt lở
Chị Diệu một lúc mất 3 đứa con do sạt lở đất.
Chị Hồ Thị Diệu (28 tuổi, ngụ thôn 1 xã Trà Leng) vẫn chưa hết bàng hoàng khi 3 đứa con của chị - đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tháng tuổi bị chôn vùi trong đống đổ nát do sạt lở núi khi các con đang được gửi bên nhà hàng xóm.
'Vì trời báo bão lớn, vì lo sợ nên hai vợ chồng đã đưa gửi bên nhà hàng xóm bảo cho an toàn. Nào ngờ, đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp 3 con', chị Diệu nói trong nước mắt.
Chị Diệu nhớ lại, khoảng 15 giờ chiều 28/10, hai vợ chồng đang ngồi ngoài hiên nhà thì ngọn đồi sau làng phát ra tiếng nổ lớn. Vài phút sau, đất đá theo dòng nước dữ tràn xuống lùa luôn cả ngôi làng. Trước sự uy hiếp của thiên nhiên, vợ chồng chị Diệu chỉ biết dắt nhau bỏ chạy mà quên rằng trong nhà vẫn còn cô con gái hơn 2 tuổi đang ngủ.
'Vì quá hoảng loạn vợ chồng mình chỉ biết bỏ chạy nhưng chẳng biết chạy về đâu. Bốn phía đất núi đổ xuống, che lấp cả. Chạy được một đoạn thì mới nhớ ra con gái còn ngủ trong nhà', chị Diệu bần thần nói.
Rất may, con gái vợ chồng chị bị đất đẩy ra ngoài và may mắn được người dân cứu sống. 'Tụi mình tưởng đứa con gái đã chết, nào ngờ con được người dân cứu và đưa lên rẫy ngủ một đêm. Khổ sở lắm mới sinh được 4 đứa con, giờ 3 đứa đã mãi mãi ra đi', Diệu nghẹn lại.
Giọt nước mắt của người phóng viên từng trải
Anh Đoàn Hữu Trung khóc nghẹn khi lực lượng cứu hộ đưa thi thể cháu bé ra khỏi nơi sạt lở (Ảnh: Tấn Lực)
Những ngày trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, anh Đoàn Hữu Trung - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phải lặng người quay máy đi chỗ khác, hai dòng mắt tràn lệ vì chứng kiến cảnh tượng đoàn cứu hộ đưa thi thể cháu bé 2 tuổi ra khỏi đống sình lầy.
'Cháu bé tầm 2 tuổi, nằm úp mặt xuống đất, như một con búp bê. Khi được đưa lên, bé không có áo quần, người bé chỉ một màu bùn đất. Rất may cả người cháu không bị trầy xước gì', anh Đoàn Hữu Trung nhớ lại.
Anh Trung bảo rằng, sạt lở tại Trà Leng là kinh hoàng và tan thương nhất mà anh từng chứng kiến. Cả ngôi làng với 11 ngôi nhà bị san phẳng, đất đá, cây cối vùi lấp tất cả.
Anh Trung kể, khoảng 9h sáng 30/10, lực lượng cứu hộ xác định được vị trí của một người bị vùi lấp. Lúc này, các chiến sĩ đào bới lớp đất đá, cây cối dày cả mét thì thấy thi thể.
Nhiều người dân, lực lượng cứu hộ và phóng viên xúm lại để xem khoảnh khắc tìm thấy nạn nhân vụ sạt lở. Lúc này, anh Trung đứng gần vị trí tìm thấy thi thể cháu bé, anh đặt sẵn máy để quay lại.
Nhưng lúc các chiến sĩ đưa thi thể bé lên khỏi lớp bùn đất, sình lầy, anh Trung đã dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỵ xuống, òa khóc như một đứa trẻ.
'Đến hiện tại, tôi vẫn không quên giây phút đó. Cảm xúc lúc ấy quá khó tả, dâng trào, người run lên, tôi hướng ống kính máy quay đi chỗ khác, nước mắt cứ thế tuôn trào. Không khí lúc ấy ngột ngạt, bao trùm toàn một màu đau thương', anh Trung nhớ lại.
Anh Trung tâm sự, bản thân mình cũng có 2 con, khi nhìn cảnh cháu bé được đưa ra, anh cứ ngỡ đó là người thân, con cháu trong nhà.
Các chiến sĩ đưa nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở để người nhà nơi an táng
Trung tá Võ Chí Bắc, Phó Chủ nhiệm hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Nam cho biết, ngoài việc nuôi quân, lực lượng hậu cần còn phân công những chiến sĩ bưng cơm khắp làng để chăm sóc người dân.
'Thương tâm nhất là những đứa nhỏ ánh mắt ngây ngô không biết thảm họa vừa quét qua làng mình, người lớn ở xã Trà Leng thì thất thần vì nỗi mất mát quá lớn. Ngay lập tức, chúng tôi đã mang các phần ăn, bánh chưng đến để họ chống đói chờ thông tin người thân…, chúng tôi chỉ biết làm như vậy. Đau thương vô cùng', trung tá Bắc nghẹn ngào.
Trước nỗi đau quá lớn của đồng bào, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ mong đưa những người xấu số đang nằm dưới lớp bùn đất về 'đoàn tụ'... với gia đình.