Khi người dân trên toàn thế giới đều đang hướng về Paris, về Pháp với câu chuyện Notre Dame bị cháy rụi một phần nóc - nỗi đau khôn nguôi với người dân nước Pháp khi biểu tượng gần 1000 năm của đất nước bị lửa kéo ngùn ngụt, kéo theo bao lớp thời gian theo tro bụi thì đâu đó trên mạng xã hội, vẫn có những ý kiến đi ngược lại đám đông.
'Đấy là những gì nước Pháp xứng đáng phải nhận khi đã phá hủy nhiều công trình trên toàn thế giới'.
'Tại sao khóc lóc cho nước Pháp trong khi hàng loạt công trình ở Việt Nam gặp hỏa hoạn thì không thấy ai tiếc thương? Chắc toàn đú bẩn thôi'.
'Đúng là tư tưởng nhược tiểu, sính ngoại ham Tây, Nhà thờ Đức Bà ở Pháp cháy thì liên quan đến mình quá đấy mà giăng status xúc động như thật, có khi một ngôi chùa nghìn năm tuổi nào đó của Việt Nam bị phá dỡ cũng chẳng biết đâu!'...
Xót thương cho ký ức Notre Dame
Có lẽ những người phát ngôn ra những lời trên không biết rằng, người ta khóc thương cho nước Pháp thì ít, tiếc nuối và hoài vọng cho Notre Dame thì nhiều. Notre Dame không còn là một công trình mang giá trị và bản sắc của riêng nước Pháp, nó là một tài sản văn hóa của cả nhân loại mở ra cho chúng ta nhiều điều về diễn tiến lịch sử gần 1000 năm qua.
Vì vậy nếu có ai đó không-liên-quan-gì-đến-nước-Pháp buồn vì Notre Dame bị hủy hoại, đó là điều hoàn toàn rất bình thường. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, họ vẫn vin vào cái cớ văn hóa quốc gia và chủ nghĩa dân tộc để nói về 'sự thiên vị' và sính ngoại trong nỗi buồn và yêu ghét.
Có hai điều để người ta yêu một công trình, để ngậm ngùi khi ngắm nhìn nó bị phá hủy: Đó là một phần kỷ niệm, ký ức gắn nhiều với tuổi thơ hay biến cố cuộc đời của nhiều người và công trình đó có giá trị lịch sử to lớn, ý nghĩa với một cộng đồng rộng khắp.
Kỳ thực, Notre Dame không phải một điều gì quá xa lạ để những người phản đối vin vào cớ 'khéo còn không biết Notre Dame ở đâu mà bày đặt thương xót'. Notre Dame hiện lên trong dáng dấp của Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, trong ký ức của những người yêu văn chương với tiểu thuyết kinh điển 'Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà'.
Thế hệ chúng tôi đi qua những áng văn học Pháp và không thể quên được Quasimodo, Esmeralda hay rất nhiều tác phẩm khác của các tác giả Pháp với khung cảnh nhà thờ Đức Bà nằm im lìm trong ánh chiều tà.
Chúng tôi yêu mến cầu Long Biên như một chứng nhân lịch sử, và cũng yêu mến Notre Dame của nước Pháp - công trình gần 1.000 năm lịch sử chứng kiến bao đổi thay của cả thế giới. Notre Dame đi vào văn học, đi vào lịch sử với những câu chuyện về cách mạng Pháp, về công xã Paris. Nhiều người hiểu rõ giá trị của Notre Dame xét trên bình diện thế giới, vượt lên ngoài biên giới nước Pháp.
Mất mát của Notre Dame là mất mát của hiện tại, của những điều đang diễn ra. Đằng sau ngọn lửa thiêu rụi Notre Dame, còn ai biết được liệu đó có phải một đòn giáng nào đó vào nước Pháp không? Người ta có đủ lý do để thấy buồn cho nước Pháp.
Mọi cái đẹp đều đáng tôn trọng
Nhìn nhận một cách công bằng, khi đứng trước một công trình đẹp, chúng ta đều là những người duy mỹ, yêu vẻ đẹp của công trình bất chấp những rào cản chính trị, sắc tộc, tôn giáo, quốc gia. Không thể phủ nhận, nhà thờ Đức Bà Paris là một công trình mang nét kiến trúc độc đáo với vô số cổ vật, di sản có giá trị không chỉ với người dân Pháp và cả thế giới.
Tôi không tin rằng người Việt thờ ơ với những di sản trong nước khi họ đã cảm nhận được những nét đẹp đằng sau từng công trình - vẻ đẹp kiến trúc hay vẻ đẹp tinh thần. Khi thông tin về rạp Hòa Bình bị phá hủy và dinh Tỉnh Trưởng phải di rời, nhiều người đã ngậm ngùi tiếc thương - đó là một phần ký ức của họ, tuổi thơ quanh quẩn khu Hòa Bình.
Hàng nghìn người cũng đã lên tiếng trước thông tin xây dựng cáp treo ở Sơn Đoòng, họ hiểu được giá trị và vẻ đẹp của hang động này đối với cuộc sống của bản thân và của cả cộng đồng lớn. Sẽ không ai im lặng trước 'cái đẹp' - cả về kiến trúc, giá trị và tinh thần, chỉ cần cho họ đủ một lý do để lên tiếng.
Người Hà Nội cũng yêu cầu Long Biên, yêu Nhà thờ Lớn như họ yêu Notre Dame, thậm chí là còn nhiều hơn, bởi nó thiết thân với họ, là máu thịt quê hương họ. Nhưng trong một xã hội toàn cầu hóa, chúng ta không chỉ cứ ôm lấy những di sản của quốc gia mình mà không mở lòng với các nền văn minh khác - điều đó không chứng tỏ bạn yêu nước hay hiểu biết hơn. Văn hóa có tính tiếp biến và lan tỏa, muốn hiểu rõ những công trình tại Việt Nam, những giá trị di sản trong nước, việc biết yêu và trân trọng những di sản của nhiều nước khác là điều cần thiết, trong đó có Pháp.
Yêu thích là tự do cá nhân
Suy cho cùng, lựa chọn yêu thích là lựa chọn của cá nhân. Chúng ta có quyền yêu công trình A, không thích công trình B và bàng quan với những điều nằm ngoài sự quan tâm. Tôi cũng nghĩ rằng, trong số những người khóc thương cho Notre Dame ấy, có những người cũng không biết Notre Dame thực sự có ý nghĩa như nào với dòng chảy lịch sử nhưng chí ít, họ cũng đã lên tiếng cho một công trình văn hóa.
Khi thế giới cần sự đồng lòng, ai sẽ đi so đo đó là tình yêu thật hay một tình yêu hời hợt giả vờ? Suy cho cùng, chẳng ai phải chịu 'thiệt' trong câu chuyện này, chỉ có những người so đo tự cảm thấy mệt mỏi mà thôi.
Còn phần đông còn lại, tôi tin họ hiểu được giá trị của Notre Dame, cảm mến một công trình có ý nghĩa, giá trị với lịch sử. Tôi không rõ người ta tìm ở đâu những người 'bú fame' như phe chỉ trích nói. Còn bạn bè tôi, họ đăng những câu chuyện về Paris, những điểm chạm văn hóa trong cuộc sống của họ với nước Pháp, từng trang văn về Victor Hugo họ đã đọc.
Tình yêu vốn chưa từng bị giới hạn bởi lãnh thổ, dù cho đó là tình yêu dành cho con người, công trình hay lịch sử. Vậy từ khi nào một giọt lệ cho Paris, cho Notre Dame lại khiến người ta bị buộc tội là ích kỷ, sính ngoại? Ai mới là kẻ ích kỷ ở đây?
Thiết kế: Minh Đức