Bệnh nhân Đỗ Phương Linh (Hải Phòng) có biểu hiện đau hàm nhẹ, sau đó đau tăng lên và hàm khép hẳn khi mới 15 tuổi. Gia đình đưa em đi một số cơ sở y tế nhưng không chẩn đoán ra bệnh.
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ nhận định em bị dính khớp thái dương hàm, tức là phần xương hàm dưới và phần xương thái dương của bệnh nhân bị dính vào nhau khiến cho bệnh nhân không thể há được miệng như những người bình thường mà chỉ mở được 0,5cm.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.
Tiến sĩ, bác sĩ Đồng Ngọc Quang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho hay, tình trạng này gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, bệnh nhân không thể ăn uống được nên thể trạng rất gầy yếu, chỉ nặng 35kg.
Bên cạnh đó, bệnh nhân rất khó khăn trong vệ sinh răng miệng như người bình thường, chỉ có thể vệ sinh bên ngoài hoặc dùng nước súc miệng để hỗ trợ việc làm sạch răng miệng.
'Khi hàm dưới kém vận động sẽ dẫn đến sự biến dạng của xương hàm. Theo đó xương hàm dưới của bệnh nhân bị lùi ra phía sau, cằm cũng lùi ra phía sau. Khi xương hàm bị biến dạng như vậy, hàm của bệnh nhân bị hô, cằm thì bị lẹm', Tiến sĩ Quang chia sẻ.
Bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp trên vì khi cằm lùi ra sau, lưỡi cũng sẽ ở vị trí lùi ra phía sau hơn trước, làm hẹp cổ họng của bệnh nhân. Khi bệnh nhân ngủ, đường thở hẹp sẽ gây ra ngáy, nặng hơn, nhất là khi bệnh nhân ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi sẽ gây ngưng thở khi ngủ.
Sau ca hội chẩn toàn bệnh viện vào ngày 1/8, các bác sĩ quyết định tập trung nhân lực và sử dụng các trang thiết bị tốt nhất phục vụ cho ca phẫu thuật. Bệnh nhân được chụp phim cắt lớp lấy đủ ba chiều về xương; sử dụng phần mềm hỗ trợ mô phỏng kế hoạch di chuyển xương hàm của bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương chia sẻ về ca phẫu thuật.
Dựa trên những mô phỏng ấy, các y, bác sĩ của bệnh viện đã tự thiết kế những công cụ phẫu thuật phù hợp để làm giảm chi phí cho ca mổ. Các công cụ hiện đại đã được áp dụng tại ca phẫu thuật này như phần mềm lập kế hoạch trên máy tính, nẹp hướng dẫn xương cá nhân hóa, hệ thống định vị phẫu thuật, dao siêu âm để hạn chế chảy máu, tăng độ chính xác và tiến hành phẫu thuật nhanh nhất cho người bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, đây là ca bệnh rất phức tạp, do đó các chuyên gia của bệnh viện đã kết hợp cùng lúc nhiều kỹ thuật trong ca phẫu thuật này.
Trước đây, các bác sĩ đã thực hiện rất nhiều ca giải phóng ổ khớp để bệnh nhân há được miệng. Chỉ riêng mỗi ca phẫu thuật như vậy cũng khoảng 4-5 giờ đồng hồ.
Nhưng trong ca mổ cho bệnh nhân này, các bác sĩ đã kết hợp cả phẫu thuật mở xương hàm trên, tiến hành chỉnh hình hàm trên, sau đó tiến hành phẫu thuật mở khớp thái dương hàm.
Tất cả những việc này làm sao để bệnh nhân có được các chức năng bình thường của hàm mặt như những người khác, đồng thời mang lại gương mặt thẩm mỹ cho người bệnh.
'Ca phẫu thuật kéo dài 10 giờ đồng hồ. Từ giờ thứ 5 của ca phẫu thuật trở đi, chúng tôi đã phải dùng kỹ thuật gây mê hạ huyết áp chỉ huy để bệnh nhân mất máu ít nhất có thể, đồng thời thường xuyên đánh giá biến loạn cơ thể qua máy đo khí máu, máy đo độ đau… Chúng tôi cũng tính toán kỹ phương án hồi sức cho người bệnh', bác sĩ Bính cho hay.
Ca phẫu thuật kéo dài 10 giờ đồng hồ.
Trải qua cuộc mổ căng thẳng, bác sĩ Đồng Ngọc Quang cho biết, với những bệnh nhân không bị dính khớp, việc tiến hành phẫu thuật để sửa lại khuôn mặt hết hô, lẹm hay lệch mặt thì đã được làm rất nhiều rồi vì đây là kỹ thuật rất phổ biến.
Tuy nhiên, là bác sĩ phẫu thuật răng-hàm-mặt, anh chưa từng chứng kiến bệnh nhân nào tại Việt Nam sau khi giải phóng ổ khớp dính thái dương hàm, lại được chỉnh hình lại xương hai hàm cho giống người bình thường về mặt thẩm mỹ. Vì thế, ca bệnh này có thể được coi là ca đầu tiên khi kết hợp hai phương pháp này cùng lúc.