Tiêm Botox và chất làm đầy (Dermal Filler) là những phương pháp thẩm mỹ không phẫu thuật, đều có tác dụng làm trẻ hóa làn da được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, nhiều chị em lại nhầm tưởng hai phương pháp này giống nhau, dẫn đến việc đưa ra lựa chọn sai lầm.
Bài viết này sẽ làm rõ những điểm khác nhau giữa botox và filler để chị em có thể chọn được phương pháp phù hợp nhất cho bản thân.
Botox là gì và được sử dụng như thế nào?
Botox (Botulinum Toxin loại A) là 1 độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Mặc dù với liều lượng lớn có thể gây tử vong nhưng sử dụng botox lượng nhỏ và được kiểm soát đã là 1 trong những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ an toàn trong nhiều thập kỷ qua.
Botox hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu thần kinh đến cơ làm giảm hoạt động của các cơ, hạn chế và có thể loại bỏ các nếp nhăn khi cơ cử động.
Botox chỉ có tác dụng với những nếp nhăn hình thành do hoạt động của cơ (hay còn gọi là nếp nhăn động). Các nếp nhăn được điều trị bằng botox thường nằm ở phía trên khuôn mặt như nếp nhăn trán, vết chân chim quanh mắt và 'đường số 11' giữa hai lông mày. Những nếp nhăn này hình thành chủ yếu do thói quen mỉm cười, cau mày hay nheo mắt.
Tiêm botox có tác dụng sau vài ngày và đây không phải là phương pháp làm trẻ hóa có tác dụng vĩnh viễn. Tác dụng của botox thường kéo dài 3 - 4 tháng và cần phải tiêm lặp lại để duy trì tác dụng của botox.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra botox khá an toàn nhưng vẫn có khả năng xảy ra 1 vài tác dụng phụ như sụp mí mắt hoặc lông mày nếu tiêm gần mắt, tê liệt các cơ gần vùng tiêm, buồn nôn,... Sau khi tiêm botox cần chú ý không massage hoặc chạm mạnh vào vùng tiêm vì có thể làm chất tiêm lan ra các vùng lân cận.
Chất làm đầy (Dermal Filler) là gì và nên dùng khi nào?
Filler (chất làm đầy mô mềm) là chất được tiêm dưới bề mặt da nhằm giúp làn da căng mịn hơn. Filler làm đầy các rãnh, nếp nhăn, tạo khối mô dày dưới nếp nhăn, giúp làn da trẻ trung hơn.
Trước và sau khi tiêm filler vào vùng má
Tùy vào tình trạng lão hóa, mục tiêu thẩm mỹ khác nhau sẽ có những loại filler khác nhau. Chất làm đầy có thể được sử dụng làm dày môi, tạo má baby, làm đầy những vùng bị hóp trên mặt, làm giảm hoặc xóa bỏ nếp nhăn tĩnh hay sẹo lõm. Nếp nhăn tĩnh là nếp nhăn hình thành do chảy xệ hoặc mất mô trên khuôn mặt, thường xuất hiện ở má, cổ, xương hàm.
Trước và sau khi tiêm filler môi
Phương pháp tiêm filler có hiệu quả tức thì và có thể kéo dài từ 6 tháng - 2 năm. Tuy filler khá an toàn nhưng chị em vẫn cần lưu ý 1 số tác dụng phụ cần có thể xuất hiện như phát ban, ngứa, hình dạng khuôn mặt không bình thường (bất cân đối, u cục), nhiễm trùng, hoại tử mô,...
Sau khi tiêm filler cũng cần chú ý không massage hay chạm mạnh vào vùng tiêm, tránh ra đường, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không xông hơi hay ở không gian có nhiệt độ cao.
Tóm lại, dù sử dụng phương pháp thẩm mỹ nào cũng cần nắm rõ thông tin về nguồn gốc, hạn sử dụng của chất tiêm và chỉ thực hiện tiêm khi hộp đựng botox hoặc filler còn nguyên tem. Cả botox và filler đều không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Những người đang mắc bệnh mãn tính hoặc đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ trước khi tiến hành thủ thuật.