Khi mô bị tổn thương hoặc bị viêm, cơ thể sẽ khởi động quá trình tự phục hồi, gọi là quá trình lành thương. Nhiều hiện tượng diễn ra trong quá trình này, trong đó có sự tăng sinh các sợi liên kết (collagen và elastin). Hiện tượng tăng sinh này có thể diễn ra mạnh mẽ khiến mật độ sợi liên kết trở nên dày đặc làm cho mô trở nên cứng và không linh hoạt như bình thường, đó chính là hiện tượng xơ hoá mô.
Hiện tượng này cũng gặp trong trường hợp xuất hiện vật chất lạ đối với cơ thể: Sợi liên kết được tăng cường sản xuất để bao bọc lấy dị vật nhằm ngăn cản nó tiếp xúc trực tiếp với các mô và với dịch thể, từ đó tạo thành một lớp vỏ xơ bao phủ xung quanh dị vật, gọi là bao xơ. Ví dụ, trường hợp bao xơ khi đặt túi nâng ngực, hay là bao xơ khi nâng mũi bằng silicon…
Ảnh minh hoạ.
Ngược lại với bao xơ là tình trạng giảm mật độ sợi liên kết, mô trở nên lỏng lẻo, gây nên do mắc một số bệnh hay do tác dụng phụ của một số loại thuốc, hoặc là bởi chính quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể.
Bản chất hoá học phổ biến của chỉ thẩm mỹ là polydioxanone (PDO) và polycaprolactone (PCL), cũng là 2 chất được sử dụng để sản xuất chỉ tự tiêu trong ngoại khoa.
Khi chỉ được đưa vào cơ thể để làm đẹp (cấy chỉ trẻ hoá da, nâng cơ hoặc làm đầy vùng khuyết lõm), các vật liệu có kích thước rất nhỏ sẽ gây viêm nhẹ tại mô nơi mà chỉ hiện diện, do đó làm tăng sinh sợi collagen và elastin. Các sợi này sẽ bao bọc lấy sợi chỉ để tạo thành những cấu trúc “xơ” đàn hồi, có lợi trong việc nâng đỡ cơ và da. Y học đã khéo léo lợi dụng phản ứng tăng sinh tự nhiên sợi liên kết để trẻ hoá cơ thể, và đây chính là mục tiêu chính của chỉ thẩm mỹ.
PDO và PCL bị thuỷ phân dần dần thành CO2 và nước (6 đến 12 tháng đối với PDO, 12 đến 24 tháng đối với PCL), hiện tượng tăng sinh sợi liên kết do đó giảm theo, mật độ sợi liên kết trong mô giảm dần.
Trong kỹ thuật căng/cấy chỉ làm đẹp, tình trạng tăng sinh sợi liên kết thường tỷ lệ thuận với lượng chỉ được đưa vào cơ thể. Nhưng nếu được đưa vào quá nhiều, nó sẽ gây phản ứng viêm mạnh, từ đó gây hiện tượng xơ hoá bất lợi. Không những thế, một lượng lớn chỉ hiện diện trong mô có thể chèn ép gây cản trở tuần hoàn máu dẫn đến hoại tử mô. Chẳng hạn, để trẻ hoá da mặt đạt hiệu quả cao, bác sĩ thường cấy chỉ rải rác vào toàn bộ lớp dưới da mặt, khoảng từ 100 đến 150 sợi chỉ (mỗi sợi dài khoảng 3cm, nhỏ như sợi tóc). Cấy ít thì hiệu quả thấp, ngược lại, nếu cấy nhiều có thể sẽ gây hậu quả xơ hoá, hoại tử, “đơ và cứng”…
Tóm lại, “bao xơ” là mục tiêu chính cần đạt được khi cấy chỉ thẩm mỹ nhưng bác sĩ cần được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này để biết sử dụng chỉ đúng cách. Được như vậy thì cấy chỉ là phương pháp an toàn, mang lại hiệu quả trẻ hoá mạnh mẽ và tiết kiệm chi phí so với các phương pháp thẩm mỹ nội khoa khác.