Tối 23/7, ngọn đuốc linh thiêng của Olympic Tokyo 2020 đã được thắp sáng trên đài lửa Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Sau hơn một năm bị hoãn hủy bởi đại dịch COVID-19, sự kiện được cả thế giới mong đợi này cuối cùng cũng diễn ra. Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, thế vận hội lần này được ví như một 'sự kiện của hy vọng' - được tổ chức để 'chứng minh những điều nhân loại có thể đạt được, nếu có kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp'.
Có thể nói, Olympic Tokyo 2020 là kỳ thế vận hội gian nan nhất trong lịch sử bởi nó diễn ra khi sức nóng của làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã được bắt đầu từ sớm để giải quyết cho bài toán: làm thế nào để Thế vận hội diễn ra mà không làm gián đoạn kế hoạch cũng như lộ trình kiểm soát dịch COVID-19? Chính phủ Nhật Bản cùng Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã phải liên tục theo dõi các ca bệnh mới, tốc độ lây lan cũng như mọi mô hình lây nhiễm bất thường - những yếu tố khiến thế vận hội năm nay có thể tiếp tục bị gián đoạn sang năm sau nữa.
Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, sau tất cả, bằng quyết tâm mạnh mẽ của nước chủ nhà Nhật Bản cùng với sự ủng hộ của nhiều nước bạn, người dân trên thế giới vẫn có thể chứng kiến lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 qua màn ảnh nhỏ. Dù chỉ được tổ chức đơn giản với hàng chục nghìn chiếc ghế khán giả bị bỏ trống, song buổi lễ vẫn mang tinh thần đặc trưng của Nhật Bản, những thông điệp về sự hy vọng, tình đoàn kết, lòng dũng cảm và quyết tâm chiến thắng của con người, trong cả thể thao cũng như đại dịch COVID-19.
Olympic Tokyo 2020 không phải sự kiện thể thao duy nhất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Nhìn lại lịch sử, Olympic Tokyo 2020 không phải sự kiện thể thao duy nhất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một thế kỷ trước, thế vận hội Olympic 1920 tại Antwerp (Bỉ) được tổ chức chỉ vài tháng sau khi dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành và cướp đi mạng sống của ít nhất 50 triệu người tại nhiều quốc gia. Năm 2010, thế vận hội Olympic mùa đông lần thứ 21 tổ chức tại thành phố Vancouver (Canada) bị đe dọa bởi sự bùng phát virus cúm H1N1. Năm 2016, virus Zika khiến giới chức nước chủ nhà Brazil từng cân nhắc hủy bỏ thế vận hội mùa hè tại Rio. Và gần đây nhất là năm 2018 - thời điểm thế vận hội mùa đông Pyeongchang (Hàn Quốc) đối mặt với sự bùng phát của norovirus - loại virus dễ lây nhiễm gây nôn mửa và tiêu chảy.
Những sự kiện quy tụ mọi người dân trên thế giới như thế vận hội luôn tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm (Nguồn: Reuters)
Những sự kiện quy tụ mọi người dân trên thế giới như thế vận hội luôn tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm. Các du khách vốn mang mầm bệnh sẽ lây truyền virus sang người dân sở tại, và ngược lại, họ cũng chính là những người sẽ mang virus từ nước chủ nhà sự kiện thể thao về quê hương. Theo Tiến sĩ John Brownstein, nhà dịch tễ học tại Trường Y Harvard,: 'Sự gia tăng của tốc độ lây lan bệnh truyền nhiễm được thể hiện rõ qua các đợt thế vận hội Olympic hay những sự kiện thể thao thu hút một lượng lớn khán giả như World Cup'.
Dịch cúm Tây Ban Nha - Thế vận hội Olympic 1920 tại Antwerp, Bỉ
Nghèo đói, nợ nần và thiếu thốn cơ sở vật chất sau Thế chiến I đã che phủ nỗ lực khôi phục thế vận hội của Uỷ ban Olympic quốc tế IOC. Tuy nhiên, vẫn còn một nỗi lo khác lớn hơn thế: đại dịch cúm Tây Ban Nha.
Aileen Riggin, vận động viên mắc bệnh cúm Tây Ban Nha giành Huy chương vàng môn lặn ở Antwerp 1920 (Nguồn: britannica.com)
Trong khi thế giới còn chưa hết bàng hoàng trước hàng chục triệu ca tử vong ghi nhận trong đại dịch, khoảng 2.600 vận động viên đã tập trung tại Antwerp, Bỉ để tranh giải trong thế vận hội mùa hè 1920. Biểu tượng 5 chiếc vòng sắc màu lồng vào nhau cũng ra đời từ kỳ Olympic này, tượng trưng cho sự thống nhất của 5 châu lục và cuộc gặp gỡ của những vận động viên hàng đầu thế giới sau Thế chiến.
Bỉ - quốc gia lúc bấy giờ còn đang loay hoay với tình trạng thiếu lương thực đã phải dựng tạm khung gỗ trên một con kênh để tổ chức các cuộc thi bơi lội. Dù không đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, Olympic 1920 vẫn diễn ra suôn sẻ mà không có bất kỳ sự cố hay đợt bùng phát dịch lớn nào. Cũng bởi vậy mà kỳ thế vận hội này được ví như biểu tượng của hy vọng và sự thống nhất hậu chiến tranh, hậu đại dịch.
Thế vận hội tại Antwerp, Bỉ được ví như biểu tượng của hy vọng và sự thống nhất hậu chiến tranh, hậu đại dịch (Nguồn: backstage.vn)
Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực từ Thế chiến I và dịch bệnh là không thể tránh khỏi. Nước chủ nhà Bỉ đã mất trắng 600 triệu franc (hơn 650 triệu USD) và Ủy ban Olympic Bỉ cũng phá sản chỉ sau 3 năm. Đây được coi là hệ quả tất yếu do quốc gia này đã vội vàng tổ chức các trận đấu khi chưa đủ nguồn lực tài chính. Một vận động viên chia sẻ anh thậm chí phải ngủ trên những tấm ván không đệm và chen chúc 10-15 người mỗi phòng. 'Bỉ đã không đủ khả năng chào đón các vận động viên, chứ đừng nói đến người hâm mộ'.
Virus cúm H1N1 - Thế vận hội mùa đông lần thứ 21 tại Vancouver, Canada
Tháng 6/2009, hơn nửa năm trước khi thế vận hội mùa đông tại Vancouver chính thức bắt đầu, WHO tuyên bố H1N1, hay còn được gọi là cúm lợn, là một đại dịch. Theo số liệu từ giới chức Canada, chỉ sau 1 năm, nước này đã ghi nhận hơn 33.000 trường hợp nhiễm H1N1 với 428 ca tử vong. Vào thời điểm sắp diễn ra thế vận hội, quan chức Canada đã phát đi rất nhiều cảnh báo về loại virus nguy hiểm này.
Thế vận hội mùa Đông lần thứ 21 tại Vancouver, Canada (Nguồn: Canadian Olympic Commitee)
Với khoảng 6.000 vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và quan chức từ 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, thế vận hội mùa đông năm 2010 đã diễn ra trong sự nghiêm ngặt của công tác phòng, chống dịch bệnh. Phương châm 'sức khỏe cộng đồng được đặt lên hàng đầu' được thể hiện qua những thông điệp và biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ Canada. Những khán giả và vận động viên không thể tiêm vaccine H1N1 trước đó sẽ đều được chích ngừa miễn phí ngay tại sân vận động.
Cuối cùng, không có bất kỳ vận động viên nào mắc H1N1 trong thế vận hội tại Vancouver.
Virus Zika - Thế vận hội mùa hè tại Rio, Brazil
Thế vận hội mùa hè Olympic 2016, sự kiện thể thao lớn của thế giới đã diễn ra vào tháng 8/2016 tại Brazil trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị và sự lây lan của virus Zika - loại virus lây truyền từ muỗi Aedes sang người qua vết đốt. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, phát ban, đau khớp. Những phụ nữ đang mang thai nhiễm virus Zika khả năng cao sinh ra các em bé bị mắc chứng đầu nhỏ - một loại rối loạn thần kinh hiếm gặp ở trẻ. Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC, hầu hết các trường hợp bé sơ sinh bị mắc chứng đầu nhỏ ở Brazil đều do người mẹ nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Thế vận hội mùa hè 2016 tại thành phố Rio, Brazil (Nguồn: Times Magazine)
Trước thềm sự kiện, nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đã lên tiếng chỉ trích việc tổ chức thế vận hội tại Rio de Janeiro - thành phố xếp thứ 2 về mức độ chịu ảnh hưởng của virus Zika tại Brazil. Họ cho rằng đây là hành động 'vô trách nhiệm' và 'trái đạo đức' khi việc đón hàng trăm nghìn du khách nước ngoài làm dấy lên những lo ngại xoay quanh sự lây lan của virus.
Trước những ý kiến trái chiều, Chính phủ Brazil đã tuyên bố sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an toàn cho thế vận hội mùa hè 2016. Theo Bộ trưởng Y tế Brazil, nguy cơ lây nhiễm virus Zika trong thời gian diễn ra sự kiện này là 'không đáng kể' do thế vận hội được tổ chức vào thời điểm muỗi sinh sôi yếu, kết hợp với nỗ lực diệt muỗi của chính phủ. Brazil cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để xem xét các dữ liệu về khả năng lây lan virus, sau đó cung cấp cho Tổ chức Y tế thế giới WHO và CDC.
Brazil tiêm vaccine cho vận động viên và nhân viên trước thềm thế vận hội (Nguồn: Reuters)
Mặc dù vậy, rất đông người hâm mộ, và cả những vận động viên năm đó vẫn do dự trước quyết định tham gia thế vận hội. Một số vận động viên kỳ cựu, chẳng hạn như golfer chuyên nghiệp Rory McIlroy, thậm chí đã chấp nhận bỏ cuộc thi do lo ngại căn bệnh này.
Norovirus đe dọa thế vận hội 2018 tại Pyeongchang, Hàn Quốc
Thế vận hội mùa đông 2018 tại Pyeongchang, Hàn Quốc cũng diễn ra sau đợt norovirus bùng phát. Chỉ vài ngày trước lễ khai mạc, norovirus - loại virus gây đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy đã lây lan trong nhóm những nhân viên an ninh.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân viên do bị cách ly, 900 binh lính quân đội đã được huy động để đảm nhiệm công tác này tại 20 khu vực thi đấu cho đến khi những nhân viên mắc bệnh có thể quay lại làm nhiệm vụ. Tiến sĩ Young-Hee Lee, Giám đốc Y tế của thế vận hội Olympic Pyeongchang 2018 cho biết: 'Cách giải quyết này chính là chìa khóa cho sự thành công của thế vận hội'.
Quang cảnh lễ bế mạc Olympic Pyeongchang 2018 (Nguồn: Reuters)
Ban tổ chức Olympic Pyeongchang sau đó cũng tiến hành lấy mẫu kiểm tra nguồn nước và quy trình chuẩn bị đồ ăn để truy vết virus. Theo lời Giám đốc điều hành thế vận hội Christophe Dubi, dù nhà chức trách chưa biết nguyên nhân chính xác về sự lây lan của loại virus này nhưng toàn bộ thực phẩm và đồ uống đã được phục vụ trước đó đều đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Giới chức Olympic cũng phát đi các tờ rơi nêu cụ thể nguy cơ và cách phòng tránh lây nhiễm corovirus cho những người dân thường lui tới các địa điểm tổ chức sự kiện thể thao này.
Rất may không có vận động viên nào bị nhiễm bệnh sau khi Norovirus bùng phát.