Trong suốt 40 năm, Mohammad Younus làm việc tại một nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng ở thành phố Coimbatore, miền nam Ấn Độ. Đến năm 57 tuổi, ông bắt đầu xuất hiện chứng khó thở, ngực ông có những cơn đau mỗi khi gắng sức. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bụi amiăng đã làm tắc nghẽn phần lớn phế nang phổi. Còn vợ, hai đứa con và hai người chị gái của Yonnus sống trong căn hộ chung cư của nhà máy cũng được chẩn đoán mặc bệnh bụi phổi. Trước lúc qua đời hồi năm 2021 ở tuổi 59, Yonnus cho biết ông không nghĩ rằng bụi amiăng lại nguy hiểm như vậy: “Trong suốt quá trình làm việc, tôi đều đeo khẩu trang. Ai ngờ lúc đi khám bệnh, bác sĩ nói bụi amiăng nhỏ đến mức mắt thường không nhìn thấy được”.
Bà Yonnus (giữa) với di ảnh của chồng và hai chị gái ở hai bên, tất cả đều mắc bệnh bụi phổi amiăng.
Cũng giống như Yonnus nhưng bà Mareena Hawkes, 42 tuổi, sống cạnh căn hộ của Yonnus may mắn hơn. Theo lời bà, chồng bà bắt đầu làm việc tại nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 1998. Đến năm 2004, cô con gái ba tuổi của bà xuất hiện những cơn khó thở rồi tiếp theo là vợ chồng bà. Năm 2010, trong một dịp đi khám bệnh cho con gái, bác sĩ khuyên cả hai vợ chồng Mareena nên chụp X-quang phổi rồi lúc nhìn phim, bác sĩ chỉ nói một câu: “Nếu anh chị vẫn cứ tiếp tục sống gần nhà máy như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, chẳng còn gì có thể cứu vãn được”.
Và thế là chồng bà Mareena nghỉ việc rồi dọn nhà đi nơi khác, cách xa nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng gần 50km. 12 năm sau, cả ba thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những cơn khò khè. May mắn là gia đình đã nhận được tiền bồi thường vì bệnh nghề nghiệp do một công ty Anh quốc có cổ phần trong nhà máy Coimbatore chi trả nhưng bà Mareena nói “tiền không thể mang lại cho chúng tôi sức khỏe như lúc trước”.
Gia đình ông Younus và vợ chồng bà Mareena cùng đứa con gái chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng trăm nghìn người Ấn Độ mắc phải các bệnh do bụi amiăng gây ra, mặc dù từ năm 1993, Ấn Độ đã cấm khai thác loại khoáng chất độc hại này nhưng lại cho phép nhập khẩu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Năm 2021, Ấn Độ chiếm 44%lượng nhập khẩu amiăng toàn cầu, tăng 29% so với năm 2020, trong đó Nga và Brazillà những nguồn cung cấp chính. Hầu như không có đồ vật nào ở Ấn Độ mà không có thành phần amiăng: Từ tấm fibro xi măng lợp nhà đến miếng đệm giữ lạnh trong xe hơi, từ bộ quần áo bảo hộ chống cháy đến thạch cao lát trần nhà và keo dán vinyl, từ bộ má phanh (thắng) cho xe gắn máy đến vòng đệm (gioăng) của các loại động cơ…
Tiến sĩ Gopal Krishna, nhà nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp và là người sáng lập “Mạng lưới cấm amiăng” tại Ấn Độ cho biết: “Về cơ bản, chính phủ nói rằng việc khai thác amiăng ở Ấn Độ là độc hại, nhưng amiăng thành phẩm nhập khẩu từ Brazil hoặc Nga thì không. Đó là điều vô lý”.
Một con tàu hết niên hạn bị phá dỡ ở Ấn Độ, giữa lớp vỏ thép là amiăng cách nhiệt.
Amiăng là gì?
Amiăng là một tập hợp sáu khoáng vật silicat xuất hiện trong tự nhiên, gồm chrysotil, amosit, crocidolit, tremolit, anthophyllit và actinolit, có đặc tính hấp thụ âm thanh, chống cháy, cách nhiệt và cách điện nên được sử dụng rộng rãi đến tận ngày nay với các ứng dụng càng lúc càng đa dạng: Sơn, bê tông, gạch chống cháy, xi măng lò sưởi, gioăng chịu nhiệt, trần cách nhiệt,vách thạch cao, sàn, mái nhà chống cháy…
Tuy nhiên đến đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học ngày càng nhận ra tính chất nguy hiểm của amiăng, kể cả amiăng trắng (Chrysotile) được quảng cáo là “rất an toàn”. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hít phải sợi amiăng hoặc bụi amiăng có thể gây ra các bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi…, nên từ đầu thập niên 1980 đến nay, việc sử dụng amiăng trong các công trình dân dụng đã bị hạn chế rất nhiều hoặc bị cấm hoàn toàn ở một số quốc gia.
Thế nhưng tại những nước đang phát triển, amiăng vẫn được dùng làm vật liệu xây dựng mà cụ thể là tấm lợp mái nhà vì nó rẻ và bền. Thậm chí nhiều cơ sở nuôi hàu đã thả những tấm tôn fribo xi măng xuống biển để hàu bám vào vì rẻ tiền và có độ nhám.
Các khảo sát của Khoa Bệnh lý học, Đại học Y khoa Manila, Philippines cho thấy sau một thời gian thả nuôi, con hàu hấp thụ một lượng đáng kể các phân tử amiăng và cho dù có chế biến bằng cách hấp, nướng, các phân tử này vẫn không bị phân hủy. Hậu quả là người ăn lãnh đủ với bệnh ung thư dạ dày, ung thư thực quản và thậm chí là ung thư buồng trứng!
Vẫn theo WHO, sự nguy hiểm của amiăng nằm ở chỗ từ lúc tiếp xúc với nó đến lúc phát bệnh là khoảng thời gian rất dài: 30 hoặc 40 năm nên rất khó chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Ở nước Anh, năm 1999 quốc gia này đã cấm sử dụng tất cả các vật liệu có amiăng, nhưng đến nay, mỗi năm ngành y tế ghi nhận ít nhất 3.500 người chết vì các bệnh gây ra bởi amiăng và con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 5.000 trong những năm tới.
Yếu tố gây bệnh không chỉ liên quan đến những người trực tiếp tiếp xúc với amiăng mà còn là các thành viên trong gia đình hoặc những người sống gần khu vực khai thác hoặc nhà máy chế biến. Tiến sĩ Cromwell, chuyên gia bệnh lý nghề nghiệp của WHO nói: “Amiăng trắng (Chrysotile) là loại vật liệu duy nhất vẫn đang được khai thác, chiếm hơn 90% tổng số amiăng sử dụng trên toàn cầu.
Và mặc dù nó đã được liệt kê trong Công ước Rotterdam, gồm các quy định đăng ký của Liên hợp quốc về các vật liệu nguy hiểm, đòi hỏi “phài có sự đồng ý trước khi xuất khẩu” nhưng hầu như cả nhà xuất khẩu lẫn các quốc gia nhập khẩu chẳng ai để ý đến”. Hậu quả là trên toàn thế giới, mỗi năm WHO ghi nhận khoảng 90.000 ca tử vong vì các bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm amiăng, chủ yếu vẫn là amiăng trắng!
Phần lớn nhà cửa ở Ấn Độ vẫn lợp mái bằng tấm amiăng.
Những quả bom hẹn giờ!
Trở lại với Ấn Độ, bất chấp những khuyến cáo của WHO, cuối năm ngoái, tờ Times of India - Thời báo Ấn Độ đã đăng một quảng cáo thay mặt cho ngành công nghiệp amiăng với tiêu đề “Bùng nổ những huyền thoại về amiăng”. Bài báo bắt đầu bằng việc khẳng định “amiăng là vật liệu tự nhiên, chỉ có sợi trắng an toàn mới được sử dụng trong sản xuất xi măng amiăng ở Ấn Độ”, và “các vấn đề mà các quốc gia khác gặp phải không liên quan đến bối cảnh Ấn Độ”.
Bài báo đã vấp phải sự phản ứng của các chuyên gia về bệnh nghề nghiệp, rằng: “Một gánh nặng lớn về các bệnh liên quan đến amiăng là không thể tránh khỏi. Nếu xu hướng sử dụng amiăng hiện tại không giảm, hậu quả về sức khỏe cộng đồng sẽ được cảm nhận trong thế kỷ tới”.
Ba Maria Neira, giám đốc y tế cộng đồng và môi trường của WHO cho biết: “Quan điểm của WHO rất rõ ràng. Tất cả các loại amiăng đều gây ung thư và điều này đã được chứng minh qua những khảo sát ở những quần thể tiếp xúc với mức độ rất thấp”.Rajesh Vyas, 41 tuổi, cư dân ở Ahmedabad, qua đời vì ung thư trung biểu mô, là loại ung thư ác tính ở niêm mạc phổi do hít phải các hạt amiăng nhưng gia đình anh không tin rằng cái chết của anh là do phơi nhiễm amiăng bởi lẽ Rajesh không làm việc tại nhà máy amiăng.
Vợ Rajesh cho biết gia đình chị đã sống nhiều năm trong một khu dân cư dành cho công nhân nhà máy và phía sau nhà chị là một bãi rác thải ra từ nhà máy. Hình chụp X-quang phổi của Rajesh cho thấy ít nhất ông đã nhiễm bụi amiăng hơn 20 năm nên theo bà Maria Neira: “Đó chính là nguyên nhân”.
Hiện tại, việc sử dụng amiăng của Ấn Độ đã tăng từ 125.000 tấn lên 300.000 tấn, phần lớn được trộn với xi măng để tạo thành các tấm lợp.Nó được ca ngợi là “không dễ cháy như mái tranh, không rỉ sét như mái kim loại, không bị gió thổi tung như mái bạt và không dễ đổ sập như mái ngói”. Do thuế nhập khẩu amiăng đã giảm từ 78% vào giữa những năm 1990 xuống còn 15% vào năm 2004, ngành công nghiệp amiăng-xi măng của Ấn Độ tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 100.000 người, nhất là từ năm 2003, các công ty không còn phải xin giấy phép đặc biệt để nhập khẩu amiăng trắng.
Giáo sư Arthur Frank, Đại học Drexel, Philadelphia, Mỹ, giải thích: “Ở Ấn Độ, ung thư không phải là loại bệnh cần khai báo. Một bệnh viện ở Mumbai đã tiếp nhận hàng chục ca ung thư trung biểu mô mỗi năm nhưng bệnh án lại không có bất kỳ một chi tiết nào về tiền sử bệnh”. Trong số khoảng 300 trường y của Ấn Độ, chỉ 1 trường có chương trình đào tạo về sức khỏe nghề nghiệp. 55 triệu người Ấn Độ được bảo hiểm bởi Tổng công ty Bảo hiểm nhà nước nhưng: “Họ có 6.500 bác sĩ mà hầu như không ai trong số họ được đào tạo về sức khỏe nghề nghiệp. Do đó bệnh bụi phổi amiăng thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh lao hoặc viêm phế quản”.
Theo trang tin Asia News, không chỉ những người làm việc trong các nhà máy chế tạo vật liệu liên quan đến amiăng mà hầu hết các khu ổ chuột ở Ấn Độ đều có mái nhà lợp bằng tôn fibro amiăng, nhưng những người sống ở đó có thể không nhận ra quả bom nổ chậm đang lơ lửng trên đầu. Chả thế mà một nghiên cứu do Viện Sức khỏe nghề nghiệp quốc gia Ấn Độ (NIOH) thực hiện trên 1.248 công nhân đã khẳng định “amiăng và các chất dẫn xuất của nó không gây hại nhiều cho sức khỏe con người”.
Nghiên cứu cũng kết luận rằng “chỉ có ba công nhân trong một nhà máy nhỏ bị xơ phổi kẽ” nhưng mấy ai biết công trình nêu trên được tài trợ bởi Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng amiăng Ấn Độ. Mặt khác, NIOH trực thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, chịu trách nhiệm xây dựng, điều phối và thúc đẩy nghiên cứu y sinh.Trang tin Asia News viết: “Thậm chí ngày nay, chính phủ Ấn Độ vẫn trích dẫn nghiên cứu này để từ chối phân loại một số sản phẩm có chứa amiăng trắng gây ung thư, đi ngược lại Công ước Rotterdam của Liên hợp quốc…”.
Cuối cùng, những người thiệt thòi là cộng đồng dân cư. Hầu hết họ đều không biết rõ về những rủi ro sức khỏe khi tiếp xúc với amiăng dù là gián tiếp.Tiến sĩ Gopal Krishna, nhà nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp và là người sáng lập “Mạng lưới cấm amiăng” tại Ấn Độ nói: “Khoảng 79% trong số 200 triệu người Dalit ở Ấn Độ sống tại những ngôi nhà lợp mái amiăng nhưng không chỉ ở các khu ổ chuột, mà thực tế là chẳng một tòa nhà nào ở Ấn Độ hoàn toàn không có amiăng, hầu hết các đường ống dẫn nước cũng đều được làm bằng xi măng amiăng”.
Gần đây nhất, việc đấu tranh chống “những quả bom nổ chậm” bước đầu đã có kết quả. Bộ Đường sắt Ấn Độ đang loại bỏ dần các mái nhà amiăng tại tất cả 7.325 nhà ga xe lửa trong nước, còn chính quyền bang Bihar thông báo rằng họ sẽ không cho phép các nhà máy sử dụng amiăng thành lập tại bang này đồng thời Tòa án Tối cao cũng yêu cầu tất cả các ngành công nghiệp bắt buộc phải lưu giữ hồ sơ sức khỏe của người lao động trong khoảng thời gian 40 năm kể từ ngày bắt đầu làm việc hoặc 10 năm sau khi họ nghỉ hưu. Tiến sĩ Gopal Krishna nói: “Mặc dù đã chậm nhưng ít ra, nó cũng góp phần ngăn chặn hậu quả đáng buồn cho những thế hệ về sau…”.