Bão số 5 đang có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 13; khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và gây mưa lớn tại các tỉnh thành Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.
Mưa to diện rộng, bão chồng bão
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ cùng với gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 5, từ ngày 11-14/9, Trung Bộ sẽ có mưa rất to.
Theo dự báo bão số 5 sẽ tác động đến các tỉnh miền Trung gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250 mm/đợt.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Trung tâm đang sử dụng tất cả các sản phẩm dự báo của quốc tế cũng như các đơn vị dự báo khác trong và ngoài Tổng cục Khí tượng thủy văn. Hiện Trung tâm đang chạy 4 phiên dự báo mỗi ngày, trong mỗi phiên lại chạy 32 mô hình khác nhau, kết hợp với các dự báo quốc tế để ra được dự báo tổ hợp của hàng trăm phương án khác nhau.
Ông Lâm nhấn mạnh cơn bão còn diễn biến phức tạp về cường độ cũng như quỹ đạo, vì vậy các dự báo mưa sẽ được cập nhật liên tục trong thời gian tới.
Không những vậy, cơn bão số 5 sẽ còn chịu tác động bởi một cơn bão rất mạnh khác mang tên Chanthu. Về khả năng tương tác giữa bão Conson và bão Chanthu (đang ở ngoài khơi Philippines), ông Lâm cho biết, về nguyên tắc, khi 2 cơn bão nằm cách nhau ở trong khoảng 1.500 km thì sẽ xuất hiện sự tương tác khiến cường độ và quỹ đạo của cơn bão có thể thay đổi khó lường.
Nhận định về bão Chanthu có khả năng vượt qua Philippines đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 6 năm 2021 trên Biển Đông hay không? Ông Lâm đánh giá: Bão Chanthu đang di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển lên phía Bắc, đi về phía Đông của đảo Đài Loan (Trung Quốc) và không đi vào Biển Đông, nên bão Chanthu rất ít khả năng thành bão số 6.
Xung quanh những lo ngại khả năng xảy ra liên tiếp 5 cơn bão trên Biển Đông và di chuyển vào đất liền như năm 2020, ông Lâm cho biết, kịch bản này ít khả năng xảy ra trong tháng 9. 'Hiện chưa phải cao điểm của mùa bão năm nay. Chúng tôi dự báo cao điểm của mùa bão năm nay là tháng 10-11 thậm chí kéo dài sang tháng 12, do vậy trong thời gian này vẫn có khả năng hình thành các cơn bão liên tiếp. Khả năng 5 cơn liên tiếp thì thấp nhưng 2-3 cơn thì có thể' - ông Lâm nhận định.
Tàu thuyền nhanh chóng vào bờ tìm nơi tránh trú an toàn.
Tích cực, chủ động ứng phó bão số 5
Dự báo, ngày 11/9, bão số 5 (bão Conson) có thể sẽ ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng. Những ngày qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã tập trung bàn luận về vấn đề ứng phó với mưa bão trong bối cảnh địa phương vẫn đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các quận, huyện đã rà soát, đánh giá lại các khu vực nguy cơ mất an toàn trong mưa bão.
Với những các hộ dân có nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp, đang xây sửa gần hoàn thiện hoặc các công trình xây dựng để không lâu ngày... được hỗ trợ để gia cố, hoàn thiện chống bão. Bên cạnh đó là chuẩn bị những kịch bản, phương án đưa người dân tránh trú bão đảm bảo an toàn, nhưng vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch.
Ngày 10/9, tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương phối hợp với Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang sắp xếp, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu và chằng chống tàu thuyền nhằm ứng phó với bão số 5.
Theo Trung tá Văn Đức Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà, đơn vị đang tuyên truyền các biện pháp ứng phó với bão số 5 tới tận các tàu thuyền đang neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang. Đồng thời, đơn vị cũng đã lên kế hoạch, phương án để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân nếu xảy ra sự cố trong những ngày mưa bão.
'Đơn vị đã triển khai 100% cán bộ, chiến sỹ để trực chiến thực hiện nhiệm vụ kép, phòng, chống lụt bão và phòng, chống dịch Covid-19 trong những ngày sắp tới. Trong trường hợp mưa bão diễn biến phức tạp, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương di dời các ngư dân đang trông giữ tàu lên các công trình kiên cố trên đất liền' - Trung tá Trường cho biết.
Theo ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, hiện tại đang có hơn 500 tàu cá (hơn 230 ngư dân) đang neo đậu trong âu thuyền để tránh trú bão. Ban Quản lý đang liên tục nhắc nhở, tuyên truyền ngư dân kiểm tra, chằng chống chắc chắn, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền tránh trường hợp tàu bị va đập, vào nước, bị chìm.
Tại Thừa Thiên - Huế, ngày 10/9, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đang yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân phòng chống thiên tai, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các địa phương đang áp dụng giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đề nghị các đơn vị liên quan chỉ đạo rà soát phương án đảm bảo an toàn cho các khu cách lý tập trung, các chốt kiểm tra. Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và sơ tán dân an toàn.
Cùng ngày, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, để ứng phó với bão số 5, địa phương đã khảo sát dân cư trên địa bàn có 157 hộ với 705 khẩu có nguy cơ trong bão lũ, vùng xung yếu sạt lở biển, ven phá. Việc di dời dân sẽ được địa phương lên kế hoạch để thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Điện lực Thừa Thiên- Huế thông tin, để đảm bảo cung cấp điện an toàn và hạn chế thấp nhất những thiệt hại về lưới điện trong mưa bão, đơn vị đã chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai, tăng cường công tác kiểm tra nguồn, lưới điện, các vị trí xung yếu và lập kế hoạch, phương án khắc phục, xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. 'Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện việc phát quang, chặt tỉa, giảm tán cây xanh trong khu vực thành phố, nội thị ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện' - ông Phúc cho hay.