Israel và Anh, cũng như toàn bộ các quốc gia trên thế giới, phải chịu những hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19 . Nhưng những chiến lược tiêm chủng thành công gần đây đã mang tới ánh sáng phía cuối đường hầm, giúp hai nước này mở cửa trở lại và dần trở về trạng thái bình thường mới sau nhiều tháng đóng cửa chống dịch. Chiến dịch chủng ngừa COVID-19 có thể coi là thành công ở Israel và Anh có thể là mô hình để các quốc gia khác tham khảo khi triển khai kế hoạch tiêm chủng của riêng mình.
Vén màn chiến lược tiêm chủng hiệu quả của Israel
Người dân Israel đang dần làm quen với cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Con số hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày không cản trở các cơ sở kinh doanh, giải trí mở cửa trở lại. Sau nhiều tháng đóng cửa giãn cách xã hội, một bộ phận người dân giờ được quyền đi lại tự do và có thể tham gia các sự kiện công cộng. Israel đang tiến những bước dài đến trạng thái bình thường mới.
Đóng góp lớn nhất vào thành tựu này chính là nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả của quốc gia Trung Đông. Israel là nơi có tốc độ tiêm ngừa virus SARS-Cov-2 nhanh nhất thế giới hiện nay. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hôm 20/12 năm ngoái, hơn 53% dân số Israel đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và gần 40% dân số đã tiêm đủ cả hai mũi. Tính theo tỷ lệ dân số được tiêm vaccine bình quân đầu người, Israel đang dẫn đầu thế giới.
5 quốc gia tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới – Đồ họa: VTV Digital
Nhìn sâu hơn vào thành công của Israel, yếu tố tiên quyết để có thể thực hiện một chiến dịch tiêm chủng là phải có đủ vaccine. Giới chức Israel đã có trong tay một lượng vaccine khổng lồ nhờ chiến lược đàm phán thông minh. Họ nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các nhà cung cấp vaccine, thậm chí cho đăng tải công khai thỏa thuận với Pfizer trên mạng internet. Theo thỏa thuận này, chính phủ Israel đã trả 23 Euro cho mỗi liều vaccine, cao hơn gần gấp đôi so với giá mua của Liên minh châu Âu (EU).
Israel trả giá cao gần gấp đôi EU để sở hữu vaccine của Pfizer và Biontech.
Nhờ nguồn cung vaccine dồi dào, Israel đã thực hiện một chiến dịch mà nhiều nước trên thế giới sẽ coi là bất khả thi ở thời điểm hiện tại - khi mọi công dân trên 16 tuổi đều có thể tiêm vaccine bất kỳ lúc nào. Quan trọng hơn, để tạo dựng niềm tin vào vaccine của Pfizer và Biontech, chính phủ Israel chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những rủi ro mà vaccine có thể đem lại. Trong khi đó, giới chức EU không ít lần đẩy 'quả bom' trách nhiệm về phía các nhà sản xuất vaccine mỗi khi có những sự cố ngoài mong muốn. Cách phản ứng này của EU ít nhiều khiến quá trình tiêm chủng tại đây bị cản trở.
Và quan trọng nhất, cũng bởi vì đây là chiến dịch tiêm chủng rộng khắp trên phạm vi quốc gia hiếm hoi trên thế giới, chính phủ Israel đồng ý cung cấp dữ liệu hàng tuần từ chiến dịch với các chuyên gia của Pfizer. Đây là những dữ liệu cực kỳ quan trọng để đánh giá hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech, bao gồm số lượng vaccine được tiêm hay các dữ liệu nhân khẩu học như lứa tuổi hay giới tính. Đổi lại, Pfizer đồng ý cung cấp vaccine cho Israel cho đến khi 95% dân số nước này được chủng ngừa.
Tuy vậy, dù có thừa vaccine cho nhu cầu tiêm chủng, chiến dịch của chính quyền Israel sẽ không thể thành công nếu người dân từ chối đi tiêm phòng. Báo chí quốc tế nhìn chung đều ca ngợi chiến dịch truyền thông rộng khắp, dẫn đầu bởi những nhà lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Benjamin Netanyahu. 'Chúng ta là một quốc gia tiêm chủng. Có đủ vaccine cho mọi người dân. Bạn đi tiêm vaccine là tự cứu bản thân mình' - phát biểu của ông Netanyahu ngày 9/2 tại một điểm tiêm chủng, được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Israel.
Người dân Israel theo dõi thủ tướng Benjamin Netanyahu tiêm vaccine trực tiếp trên truyền hình ngày 19/2/2002 - Ảnh: AFP
Những con số chỉ ra rằng, thuyết phục người dân tiêm chủng không phải là một việc dễ dàng tại Israel, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi. Lần đầu tiên trong đại dịch, số người nhập viện ở nhóm dưới 60 tuổi nhiều hơn nhóm tuổi trên 60 tại Israel, ít nhiều thể hiện tâm lý dè dặt trước những mũi vaccine.
'Chúng tôi phải chứng kiến nhiều người trẻ tuổi phải sử dụng máy ECMO' - Idit Matot, trưởng khoa gây mê tại bệnh viện Ichilov ở thành phố Tel Aviv cho biết. 'Điều này hiếm khi xảy ra trước đây'.
Ngay cả khi đã đạt được những thành công nhất định với chiếc lược vaccine hiện tại, chính phủ Israel vẫn đang cân nhắc những phương án khác nhau như chế độ phúc lợi khi tiêm vaccine hoặc áp dụng hình phạt trong trường hợp người dân từ chối vaccine. Mục tiêu của chính phủ nước này là đảm bảo 2/3 dân số sẽ được tiêm ngừa khi kết thúc quý 1, ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào ngày 23/3.
Dù vậy, ngay cả khi chưa tiêm hai mũi vaccine, người dân Israel vẫn có thể tự do đi lại, mua sắm ở các cửa hàng, trung tâm thương mại, miễn là tuân thủ các quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Còn những người đã tiêm đủ hai liều sẽ được trao 'giấy thông hành xanh' - giấy chứng nhận đã miễn dịch hoặc khỏi bệnh COVID-19.
Một phụ nữ xuất trình 'giấy thông hành xanh' khi đến bể bơi ở Tel Aviv - Ảnh: AFP
'Giấy thông hành xanh' là một sáng kiến đặc biệt trong thời dịch tại Israel, chứng nhận những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã mắc bệnh và hồi phục, có kháng thể với virus SARS-Cov-2, sẽ được tiếp cận với những dịch vụ riêng. Đó là các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, phòng tập thể hình, bể bơi hay nhà hát. Tất cả những dịch vụ này trên lý thuyết đã mở cửa trở lại, nhưng chỉ mở cửa đối với những người có 'giấy thông hành xanh'.
Điểm đặc biệt là tất cả đều sử dụng công nghệ. 'Giấy thông hành xanh' tồn tại trên nền tảng ứng dụng điện thoại, liên kết với hồ sơ y tế của người sử dụng, có thời hạn 6 tháng và được cấp một tuần sau khi người dùng được tiêm mũi vaccine thứ hai. Ở trong nước, chính sách này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các cơ sở dịch vụ khi họ được quyền mở cửa trở lại.
Bộ trưởng Y tế Israel, Yuli Edelstein, công bố chương trình giấy thông hành xanh hôm 8/2/2021 - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, theo tờ Guardian, Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng Anh cho rằng: Chính sách của Israel có thể đem đến những mối lo về 'phân biệt đối xử bất hợp pháp'. Đánh giá này đến sau khi Anh cân nhắc đưa ra những biện pháp tương tự Israel để dần đi đến trạng thái bình thường mới. Nhiều nhà hoạt động xã hội tại Israel cũng đã phản đối chính sách này, do lo ngại rằng 'giấy thông hành xanh' sẽ tạo ra sự phân hóa giai cấp trong xã hội khi những người không được tiêm chủng sẽ bị phân biệt đối xử.
Mô hình thành công của nước Anh
Khó có thể nói nước Anh đã thành công trong chiến lược đối phó với đại dịch khi thường xuyên nằm trong nhóm nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Thế nhưng, khi vaccine đã được cấp phép sử dụng, Anh lại nằm trong nhóm dẫn đầu về tốc độ chủng ngừa. Hôm 8/12 năm ngoái, Anh là nước đầu tiên bắt đầu chương trình tiêm phòng toàn dân bằng vaccine đã trải qua đầy đủ các công đoạn thử nghiệm. Kể từ đó, hơn 18 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, trong đó 600.000 người đã tiêm đủ hai mũi.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cầm một lọ đựng vaccine AstraZeneca tại điểm tiêm chủng ở London ngày 15/2/2021 - Ảnh: AP
Chính phủ Anh đã tuyên bố: Mọi công dân trưởng thành sẽ được cung cấp vaccine vào cuối tháng 7. Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tiêm ngừa 2,9 triệu liều một tuần, toàn bộ người trưởng thành tại Anh có thể được tiêm vaccine vào cuối tháng 9. Để có thể duy trì, Anh, cũng như Israel, cần nguồn cung vaccine dồi dào. Và cũng như EU, nước Anh đặt niềm tin vào vaccine của AstraZeneca. Nhưng giới chức Anh không phải lo về nguồn cung khi đã thỏa thuận với nhà sản xuất, AstraZeneca sẽ bổ sung toàn bộ lượng vaccine cần thiết nếu chương trình tiêm chủng bị gián đoạn vì thiếu vaccine.
Anh đến nay đã chi đến 11,7 tỷ Bảng để mua, phân phối và nghiên cứu vaccine. Đầu tư nhanh vào nguồn cung vaccine triển vọng giúp họ có được vaccine từ bảy nhà cung cấp khác nhau, với tổng số liều lên đến 367 triệu. Sự đầu tư hiệu quả cũng giúp Anh có thể tự chủ vaccine, khi ba loại vaccine, bao gồm vaccine của AstraZeneca, được sản xuất tại chính nước Anh, rút ngắn thời gian phân phối và có thể điều chỉnh nhanh nếu lô vaccine gặp vấn đề.
Để khuyến khích tiêm chủng, Anh mở các điểm tiêm phòng tại các địa điểm tôn giáo, khu vực sinh hoạt cộng đồng và các sân vận động - Ảnh: The Conversation
Bên cạnh vấn đề nguồn cung, công tác phân phối và tổ chức tiêm chủng cũng là hai yếu tố mấu chốt giúp Anh đạt được thành công trong tiêm ngừa. Tại Anh, có hơn 1.500 cơ sở tiêm phòng, đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận vaccine. Những nhà phân phối và cơ quan hậu cần uy tín nhất được liên hệ để đảm bảo những liều vaccine đến đúng nơi và đúng lượng nhằm duy trì tốc độ tiêm phòng.
Sau cùng, Anh và Israel vẫn đang đóng cửa và áp dụng nhiều quy định hạn chế nghiêm ngặt để ngăn làn sóng COVID-19 trở nên tồi tệ hơn. Nhưng những thành tựu ngắn hạn mà họ đã đạt được trong công tác tiêm phòng, cho thấy viễn cảnh tiềm tàng về một trạng thái bình thường mới ở nhiều quốc gia hơn, khi người dân không còn phải chịu những quy định hạn chế đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ hơn một năm qua.