Nhiều trẻ bị xâm hại
Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai. Tại nước ta, 21 triệu trẻ em không được đến trường phải cách ly ở nhà trong thời gian qua. Điều này tác động trực tiếp đến việc chăm sóc, bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng nhóm Giáo dục và Bảo vệ trẻ em (Tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam) cho biết, giai đoạn 2015 – 2020 cả nước đã xảy ra 8400 vụ việc trẻ em bị xâm hại với 8709 trẻ bị xâm hại được phát hiện (bị giết hại, thương tích, xâm hại, mang thai), 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc… Nhóm trẻ có nguy cơ cao là trẻ khuyết tật, tự kỷ, sống trong các cơ sở nuôi dưỡng. Đã có 671.659 trẻ khuyết tật, 240.000 trẻ tự kỷ và 33.000 trẻ sống trong cơ sở nuôi dưỡng bị xâm hại trong giai đoạn này.
Ảnh minh họa
Ông Vũ Sơn Hải – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quang Bình (Hà Giang) cho biết, vì là đặc thù vùng miền núi, nhiều dân tộc thiểu số nên Quang Bình đang có nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em. Mặc dù địa phương đang nỗ lực và có sự hợp tác với các tổ chức xã hội nhưng các chương trình, hoạt động đang ở mức độ đơn giản và bước đầu được hỗ trợ bài bản. Quang Bình cũng như các địa phương khác tương tự cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn. Năm 2020 Hà Giang đã phát hiện 33 vụ với 38 trẻ em bị xâm hại.
Ông Sơn Hải cho rằng: 'Mỗi trường hợp trẻ em gặp khó khăn cần được phát hiện và hỗ trợ kịp thời để phòng ngừa những vấn đề nghiêm trọng hơn. Như trường hợp của một học sinh lớp 7 là chị gái của 4 em nhỏ. Học lực tốt nhưng em đã phải nghỉ học. Sau một tuần không thấy em đi học, chúng tôi đã tới tìm hiểu thì biết bố nghiện rượu, một mình mẹ em lo cho cả gia đình. Em đành phải nghỉ học để phụ giúp mẹ chăm sóc cho các em. Không những vậy, bố em chỉ vì nghiện rượu còn nhận tiền gả con gái cho người ta. Biết được hoàn cảnh, chính quyền và nhà trường đã can thiệp kịp thời, tạo việc làm cho người bố. Qua đó giúp em quay lại trường học'.
Các chuyên gia cùng thảo luận về vấn đề bảo vệ trẻ em. Ảnh TG
Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác thực thi Quyền trẻ em và các cấp độ bảo vệ trẻ em, đồng thời thực hiện mục tiêu Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030, Tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam (GNI) đã phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) tổ chức hội thảo 'Bảo vệ trẻ em – Từ phòng ngừa đến hỗ trợ' vào ngày 6/12.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia cùng nhau chia sẻ các chương trình giáo dục bảo vệ trẻ em trong nhà trường để phòng ngừa các vấn đề liên quan đến trẻ em, các chương trình hỗ trợ cho trẻ em trong cộng đồng và các biện pháp tăng cường hiệu quả của các chương trình trong thời gian tới.
Phòng ngừa quan trọng hơn hỗ trợ, can thiệp khi vấn đề xảy ra
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Cục Trẻ em (Bộ LĐTB& XH) cho biết, công tác tuyên truyền đã làm nhiều nhưng còn nghèo nàn, chưa được thiết thực, tiếp cận đến từng đối tượng, địa phương, vùng miền, nhất là vùng dân tộc. Vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường.
Theo thống kê tiếp nhận qua tổng đài 111 từ 2015 – tháng 6/2019 với trẻ bị bạo lực thì có gần 66% đối tượng trẻ em bị bạo lực trong gia đình, trường học hơn 19%. Trong đó, đối tượng giáo viên bạo lực với học sinh 14,89%, bạn bè trong nhà trường có 4,2%, ở cộng đồng là 15%. Thủ phạm ở đây chủ yếu là người thân, người quen, hàng xóm chiếm 59,4% và người thân trong gia đình 21,3%, giáo viên chiếm hơn 6%.
'Công tác hỗ trợ, can thiệp với trẻ bị xâm hại, có nguy cơ vẫn còn là 'tảng băng chìm'. Chúng ta chỉ biết khi có thông báo, còn rất nhiều trường hợp chưa được tiếp nhận…' – bà Hoa cho hay.
Ông Park Dong Chul, Trưởng đại diện của tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam (GNI) cho biết, việc phòng ngừa các vấn đề liên quan đến trẻ em cần được chú trọng hơn cả so với việc hỗ trợ và can thiệp khi vấn đề đã xảy ra. Ảnh TG
Các chuyên gia tại hội thảo đã nhấn mạnh, các chương trình giáo dục phòng ngừa bảo vệ trẻ em trong nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh xã hội Việt Nam. Mặc dù có chính sách quy định và định hướng nhưng các trường và giáo viên còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và phát triển các chương trình giáo dục phòng ngừa, trong đó có quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong nhà trường. Qua đây, các chuyên gia thảo luận về các chương trình ở cấp độ phòng ngừa và hỗ trợ cho trẻ em hiện nay, trong đó tập trung hơn vào các chương trình trong nhà trường.
Ông Park Dong Chul, Trưởng đại diện của tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam (GNI) cho biết, việc phòng ngừa các vấn đề liên quan đến trẻ em cần được chú trọng hơn cả so với việc hỗ trợ và can thiệp khi vấn đề đã xảy ra. Xác định mục tiêu chung đó, các hoạt động của GNI trong giai đoạn vừa qua cũng như tầm nhìn 2030 cũng tập trung thúc đẩy các chương trình ở các cấp độ phòng ngừa, đồng thời thực hiện hỗ trợ cho trẻ em nhưng cũng hướng tới phòng ngừa các vấn đề xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn. Thời gian tới tập trung hơn vào các chương trình trong nhà trường.
Là một tổ chức phi chính phủ nhân đạo và phát triển quốc tế, GNI thực hiện các dự án phát triển cộng đồng trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, GNI đã và đang đang thực hiện các chương trình bảo trợ, giáo dục, bảo vệ trẻ em, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường,… Các dự án Phát triển cộng đồng đang được triển khai tại: huyện Tân Lạc. Mai Châu và Thịnh Lang (Hòa Bình); huyện Sơn Dương (Tuyên Quang); Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) và Quang Bình (Hà Giang) đã mang lại nhiều kết quả hỗ trợ trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Năm 2021, Chương trình Quản lý Ca của GNI trong việc phòng ngừa và hỗ trợ bảo vệ trẻ em đã hỗ trợ và can thiệp 240 lượt trong dự án và 124 lượt ngoài dự án. GNI hỗ trợ hơn 15 nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và khoảng 200 nghìn người dân được hưởng lợi từ các dự án.