Là người gắn bó với nghiệp kinh doanh xăng dầu từ năm 1997 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho biết, Sơn Hải được thành lập từ năm 2011 nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện nay.
Là thương nhân phân phối xăng dầu, doanh thu từ việc hưởng hoa hồng như đại lý bán lẻ, công nhân của doanh nghiệp đều là những người làm công ăn lương. Tuy nhiên, qua thực tế diễn ra từ quý 2 vừa qua trên thị trường xăng dầu đã nảy sinh nhiều bất cập khiến doanh nghiệp xăng dầu càng bán càng lỗ.
Về chiết khấu hoa hồng, ông Hạnh cho biết từ tháng 7/2022 đến nay chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0, hoặc 50-70 đồng/lít tại kho đầu nguồn.
“Với chiết khấu như trên, thương nhân chúng tôi càng bán càng lỗ, lỗ chồng lỗ, thu không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định. Trong khi các cơ quan quản lý tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa,” ông Hạnh cho biết.
Theo tính toán của chủ doanh nghiệp này, với quãng đường 250km từ tổng kho về đến cửa hàng, chi phí tối thiểu cho vận chuyển là 375 đồng/lít. Hao hụt từ kho đầu nguồn về cửa hàng là 39,05 đồng/lít xăng và 19,25 đồng/lít dầu.
Ngoài ra, chi phí lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn cho người lao động tối thiểu 350 đồng/lít mới đủ để trả lương cho người lao động là 5-6 triệu đồng/tháng/người.
Bên cạnh đó, chi phí hao hụt bồn chứa, nhập xuất… đối với xăng E5 172 đồng/lít, chi phí khấu hao tài sản cố định tối thiểu 150-200 đồng/lít, chi phí bảo hiểm cháy nổ 50 đồng/lít, chi phí quản lý cửa hàng tối thiểu 50 đồng/lít… cho kế toán, văn phòng, đối nội đối ngoại, chi phí lãi vay vốn lưu động 133,8 đồng/lít,…
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải.
“Như vậy, chi phí bắt buộc cố định cho 1 lít xăng dầu từ 1.217 đến 1.341 đồng; từ 1.130 – 1.250 đồng/lít dầu, thế nhưng chiết khấu 0 đồng thì chúng tôi không thể sống. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, một lít xăng dầu chi phí tối thiểu phải từ 1.517 – 1.641 đồng; 1.430 – 1.554 đồng/lít dầu mới đảm bảo và bù đắp được chi phí trong kinh doanh xăng dầu cho thương nhân phân phối cũng như đại lý bán lẻ xăng dầu”, ông Nguyễn Đức Hạnh nói.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Yên Bái cho biết, doanh nghiệp này nhận hàng tại kho Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội) với chiết khấu bằng 0, có thời kỳ chỉ 20 – 70 đồng/lít, trong khi chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho lên đến Yên Bái là 700 đồng/lít.
“Hàng hoá khó khăn nhưng ngược lại QLTT yêu cầu không được đóng cửa là rất khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi không cần lãi, chỉ cần đủ chi phí cho người lao động”, đại diện DN này chia sẻ, đồng thời cho biết với đặc thù của một nhà phân phối xăng dầu ở vùng sâu vùng xa, vào mùa mưa lũ, doanh nghiệp này còn phải thuê xe kéo xe bồn mỗi khi xe bồn gặp sự cố do đường sá lầy lội.
Qua thực tế trên, lãnh đạo Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính sớm cập nhật, tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay theo Thông tư số 104/2021/TT-BTC về hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu.
“Tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế. Nhà nước cũng cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh. Hiện nay doanh nghiệp đầu mối chiết khấu bao nhiêu chúng tôi biết bấy nhiêu”, ông Nguyễn Đức Hạnh kiến nghị.
Còn đại diện Công ty Xăng dầu Mỹ Bảo (huyện Thanh Oai, Hà Nội) tỏ ra bức xúc về thông tin vừa qua phản ánh chưa đúng với tầm vóc của người công nhân xăng dầu.
“Nhiệt độ ngoài trời 40 -50 độ C song công nhân vẫn phải bán hàng, 0h sáng vẫn phải bán hàng, họ không được nghỉ cả vào thời điểm nhiều nơi thực hiện giãn cách do dịch Covid-19 dù nguy cơ lây nhiễm rất cao,… khiến chúng tôi hết sức lo lắng”, ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Mỹ Bảo nói.
Theo ông Minh, nếu các doanh nghiệp dừng bán hàng sẽ ảnh hưởng tới nhiều hoạt động sản xuất khác. “Chúng tôi âm thầm đóng góp nhưng không ai biết đến, đó là sự thiệt thòi cho ngành của chúng tôi”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cũng bức xúc với thông tin nhiều người 'rỉ tai' và hô hào nhau rằng không nên bơm xăng đầy bình vì cho rằng nhân viên cây xăng sẽ “hút lại xăng”. “Nhận định như trên khiến nhiều người hiểu méo mó về nhân viên bán xăng vì cơ chế bơm chỉ có “một chiều”. Nói như vậy là không hiểu gì, nên nhiều người đi mua xăng dầu chỉ chăm chăm nhìn đồng hồ hoặc nhìn có bắn ra ngoài hay không”, ông Minh nói.
Trước những ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng cục QLTT, cho biết: “Có trường hợp doanh nghiệp bán lẻ đóng cửa, một số cửa hàng sau khi kiểm tra thì đúng là hết xăng thật. Có doanh nghiệp đóng cửa vì sửa chữa, hay xăng dầu chưa kịp chở đến thì không thể bán, hoặc có những lúc phải dừng bán để nhập hàng. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Công Thương tình hình thực tế như vậy”.
Chia sẻ về câu chuyện chiết khấu 0 đồng, ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách TT trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là phải nhận mức chiết khấu 0 đồng. Nhưng đại diện Bộ Công Thương bày tỏ mong các doanh nghiệp chia sẻ trong thời điểm khó khăn này.
“Đúng là liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, cần có thu để bù đắp chi phí. Có thể có những lúc doanh nghiệp nhận chiết khấu cao hơn thì bây giờ là khó khăn chung nên chúng ta cố gắng bắt tay nhau”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Liên quan chi phí định mức, ông Tuấn cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để tính toán sao cho sát nhất.