Ngày 19/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Minh Phụng (19 tuổi, trú tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Nạn nhân là bé trai 3 tháng tuổi, con riêng của chị T.H.B.L. (15 tuổi, thường trú tại huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ nhưng sống cùng P. như vợ chồng tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Đối tượng Nguyễn Minh Phụng tại cơ quan Công an.
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Minh Phụng khai nhận do bực tức do cháu bé khóc liên tục không nín, Nguyễn Minh Phụng đã dùng tay đánh mạnh cháu bé và nhiều hành động bạo hành khác khiến trẻ ngất xỉu phải cấp cứu. Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi giết hại cháu bé ba tháng tuổi là rất tàn nhẫn, mất tính người nên cơ quan điều tra khởi tố đối tượng này về tội giết người là có căn cứ, cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Luật sư Cường cho biết thêm, với kết quả xác minh ban đầu từ phía cơ quan điều tra cho thấy đối tượng này đã đánh vào đầu cháu bé mới 3 tháng tuổi dẫn đến nạn nhân tử vong nên cơ quan điều tra khởi tố đối tượng này về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, Trước đó, ngày 15/8, mạng xã hội thông tin một bé trai 3 tháng tuổi ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tử vong do đa chấn thương.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.
'Đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hoàn toàn có thể nhận thức được rằng hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi nên việc cơ quan điều tra khởi tố đối tượng này về tội giết người theo Điều 123 bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Với kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng trong vụ án này đã ra tay rất tàn nhẫn đối với cháu bé.
Với một cháu bé mới ba tháng tuổi thì hộp sọ còn rất mỏng, mềm, chỉ cần không nhẹ nhàng là có thể gây tổn thương, chưa nói đến việc tác động vật lý vào đầu đứa trẻ mới ba tháng tuổi. Đối tượng hoàn toàn nhận thức được rằng hành vi đánh vào đầu cháu bé, bóp vào mặt lắc mạnh hộp sọ cháu bé là hành vi giết người, có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé nhưng đối tượng này vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra', luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, có thể thấy rằng, với kết quả xác minh điều tra ban đầu như vậy cho thấy hành vi của đối tượng này là rất tàn nhẫn, mất tính người, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, tước đoạt trái pháp luật tính mạng của cháu bé mới ba tháng tuổi nên việc xem xét xử lý đối tượng này về tội giết người là có cơ sở và rất cần thiết nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
'Trong thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc trẻ em bị sát hại do đối tượng chung sống như vợ chồng với mẹ của nạn nhân gây ra. Hành vi thường xuất phát từ tính ích kỷ, ghen tuông, ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, có lẽ trong vụ án này thì cháu bé là nạn nhân nhỏ tuổi nhất, đáng thương nhất và hành vi của đối tượng cũng thể hiện tính chất tàn bạo khiến dư luận xã hội bức xúc.
Ba tháng tuổi là độ tuổi còn rất non nớt, không có nhận thức gì về xã hội, về cuộc sống và hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Chỉ vì ghen tuông, ích kỷ, vì ý thức coi thường pháp luật mà đối tượng sẵn sàng ra tay sát hại một đứa bé còn quá nhỏ như vậy cho thấy đối tượng này rất máu lạnh, côn đồ. Với hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc quy định tại khoản 1, điều 123 bộ luật hình sự là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình', luật sư Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ thực hiện hành vi phạm tội. Làm rõ trách nhiệm của người mẹ cháu bé đối với vụ việc này. Khi đối tượng thực hiện hành vi sát hại cháu bé thì mẹ cháu bé có biết không, có hành vi ngăn cản hay không. Đồng thời làm rõ những lần thương tích trước đây là do ai gây ra. Trường hợp có căn cứ cho thấy mẹ cháu bé cũng thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé, cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội với đối tượng này thì cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm. Trường hợp mẹ cháu bé không có hành xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của cháu bé, cũng không chứng minh được có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ không bị đề cập xử lý.