Lê Đức Thắng tại cơ quan Công an. Ảnh: CQCA cung cấp
Cha dượng đánh đập con riêng của vợ
Ngày 12/3, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã bắt khẩn cấp đối tượng Lê Đức Thắng, SN 1982, ngụ phường Tân Thiện, TP Đồng Xoài để điều tra, làm rõ clip bé trai bị cha dượng bạo hành lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người phẫn nộ.
Tại CQCA, Thắng khai nhận, sau khi nhậu cùng bạn bè, đến chiều ngủ dậy thì thấy con riêng của vợ là cháu L.T.A (9 tuổi, trú khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện) cầm điện thoại của mình chạy ngoài đường nên đã lấy lại điện thoại và đánh cháu.
Đặc biệt, đây không phải lần đầu Thắng đánh con riêng của vợ. Có lần thấy Thắng đánh con trai, chị H đã can ngăn. Khi biết con tiếp tục bị đánh, chị H đã cùng con rời khỏi nhà. Qua test nhanh, CQCA phát hiện đối tượng Lê Đức Thắng dương tính với chất ma túy.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh đối tượng Lê Đức Thắng đánh đập dã man con riêng 9 tuổi của vợ trong nhà. Trong clip, Thắng dùng tay quăng cháu A. vào phòng khách, sau đó dùng chân đạp thẳng vào người cháu bé, dùng tay đánh và đập liên tiếp vào người, vào đầu… mặc cho cháu bé nằm dưới nền nhà khóc lóc, xin đừng đánh.
Ngay sau khi sự việc xảy ra vào ngày 8/3, cháu A được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Theo chẩn đoán của bác sỹ, bé trai bị đa chấn thương phần mềm, đến ngày 11/3 cháu được xuất viện trong tình trạng đa chấn thương.
Bé trai bị gã cha dượng bạo hành tại nhà. Ảnh: Cắt từ clip
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016, bạo hành trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm phạm sức khỏe, thân thể; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Từ đó cho thấy, hành vi của Lê Đức Thắng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cháu bé và khiến dư luận xã hội bức xúc, lên án. Vì vậy, việc CQCA tiến hành bắt khẩn cấp Thắng để xử lý là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.
Có dấu hiệu cấu thành tội phạm
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, toàn bộ hành vi của Thắng được camera an ninh ghi lại, đây là những chứng cứ rất rõ ràng khiến đối tượng này không thể chối cãi được. Ngoài ra, những thương tích trên cơ thể cháu bé là bằng chứng tố cáo hành vi bạo hành của đối tượng.
Để có căn cứ xử lý, cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, kiểm tra dấu vết trên thân thể cháu bé và có thể tiến hành trưng cầu giám định thương tích cho cháu bé.
Trường hợp hành vi đánh đập cháu bé dẫn đến thương tích, CQĐT có thể sẽ khởi tố đối tượng Lê Đức Thắng về tội 'Cố ý gây thương tích' theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Còn trường hợp không xác định được thương tích của cháu bé nhưng hành vi được xác định là đối xử tàn ác với người lệ thuộc, Thắng cũng có thể bị xử lý hình sự về tội 'Hành hạ người khác' theo quy định tại Điều 140, BLHS, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đặc biệt, nếu kết quả xác minh của CQĐT xác định hành vi 'có thể dẫn đến chết người' thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng về tội 'Giết người' theo quy định tại Điều 123, BLHS với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi, cho dù nạn nhân không tử vong.
Bởi, theo quy định của pháp luật, hành vi giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, hành vi này thể hiện tính chất nguy hiểm nên pháp luật quy định tội danh có cấu thành hình thức.
Có nghĩa rằng, chỉ cần thực hiện hành vi có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân là có thể bị xử lý về tội danh này mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân có tử vong hay không.
Về việc đối tượng uống rượu trước khi bạo hành cháu bé, luật sư Nguyên cho biết, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
'Hành vi của Lê Đức Thắng là bạo hành trẻ em ở mức độ nghiêm trọng, có thể gây ra thương tích nặng cho cháu bé, thậm chí có thể dẫn đến nạn nhân tử vong nếu đạp trúng vào những vị trí hiểm yếu ở phần mặt, đầu. Vì vậy cần xử lý nghiêm đối tượng này để răn đe' - luật sư Đinh Thị Nguyên nêu quan điểm.
Qua vụ việc trên, đây sẽ là bài học cho những người trẻ tuổi về quan hệ hôn nhân và gia đình, về cuộc sống buông thả, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức và coi thường pháp luật. Dù chế tài của pháp luật thế nào chăng nữa thì trước tiên những người hành hạ, đánh đập, hành hung trẻ em sẽ bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ và sẽ phải đối mặt với mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
CQCA cũng khuyến cáo người dân khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị bạo hành cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, sớm ngăn chặn các hành vi phạm tội, không để cho sự cố đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ và nghiêm trọng hơn là tính mạng của trẻ em.