Theo hãng tin CNN, thế giới đang quay lưng lại với dầu mỏ và sẽ không bao giờ quay đầu nhìn lại. Với sự tàn phá của dịch Covid-19 với nhu cầu dầu mỏ khi hàng tỷ người bị cách ly, các chuyên gia cho rằng 'vàng đen' sẽ chẳng thể trở lại thời hoàng kim dù giá dầu hiện đã ở mức rất thấp.
Với việc lao động làm việc tại gia, người dân hạn chế đi lại, giao thông và du lịch bị đình trệ, các nhà máy tạm đóng cửa, nhu cầu dầu mỏ bất chợt xuống thấp chưa từng thấy. Trong khi người dân tại các thành phố vui mừng vì hạn chế được ô nhiễm khói xe thì chính phủ nhiều nơi cũng thấy được tác dụng rõ ràng của việc giảm khí thải nhà kính.
Thêm nữa, giá dầu lao dốc khiến nhà đầu tư chẳng còn mặn mà, trong khi những nguồn năng lượng sạch lại đang được đầu tư ác liệt.
Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi dịch Covid-19 chấm dứt, giá dầu cũng chẳng thể quay lại mức cao như năm 2019, qua đó ảnh hưởng đến hàng loạt các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng như lao động và doanh nghiệp trong ngành.
'Tôi cho rằng áp lực thúc đẩy chuyển hóa năng lượng sạch sẽ làm gia tăng các ảnh hưởng đến ngành dầu sau dịch Covid-19', Chuyên gia Mark Lewis của BNP Paribas nhấn mạnh.
Những mối lo lắng về làn sóng lây lần thứ 2 của dịch Covid-19 đang khiến các nhà đầu tư lo lắng. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên do thừa cung và cầu giảm mạnh.
Trước dịch Covid-19, nhiều dự báo cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đi xuống vào năm 2040 do sự phát triển của năng lượng sạch cũng như mảng xe điện. Tuy nhiên tình hình hiện nay đã khác khi nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ suy giảm sớm hơn dự kiến.
Theo kịch bản khả quan nhất, cú sốc Covid-19 sẽ khiến ngành dầu lao đao trong vài năm do lệnh cách ly làm nhu cầu suy giảm mạnh. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ xuống chỉ còn 9,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020, mức thấp kỷ lục.
Thậm chí IEA còn cho biết số liệu nhu cầu dầu mỏ của tháng 4/2020 xuống đến mức thấp chưa từng có kể từ năm 1995 đến nay.
Hàng loạt tác động, bao gồm cả cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê Út, Nga và Mỹ đang khiến thị trường dầu mỏ lao đao. Giá dầu WTI của Mỹ đã có lúc xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử trên thị trường kỳ hạn.
Để có thể trấn an thị trường, các nhà cung cấp dầu cần phải cắt giảm sản lượng kỷ lục hơn nhiều so với những cam kết hiện nay của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mot (OPEC) và đồng minh đang tiến hành. Điều này đồng nghĩa nhiều mỏ dầu sẽ phải đóng cửa và nhiều doanh nghiệp phá sản, còn người lao động mất việc làm, ngân hàng khó thu hồi vốn.
Hy vọng duy nhất hiện nay của ngành dầu là mong các nhà máy, các ngành kinh doanh du lịch, vận tải và thị trường hoạt động trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2020.
'Câu hỏi đặt ra là khi nào dịch Covid-19 sẽ chấm dứt hoàn toàn để khôi phục lại kinh tế, nhưng chưa có ai có thể trả lời', Giám đốc nghiên cứu về thị trường dầu Jim Burkhard của IHS Markit nhận định.
Dự đoán phục hồi?
Phố Wall cho rằng nhu cầu dầu mỏ chỉ có thể hoàn toàn hồi phục trong vòng 1-2 năm tới với 2 điều kiện tiên quyết. Đó là chính phủ phải dỡ bỏ lệnh cách ly và nền kinh tế phải hồi phục trở lại cực kỳ nhanh sau khi lệnh này được dỡ bỏ.
Theo IHS Markit, nhu cầu dầu mỏ phải đợi ít nhất đến năm 2022 mới có thể phục hồi lại như năm 2019.
Dẫu vậy theo kịch bản kém khả quan hơn, IHS Markit cho rằng nếu đợt lây nhiễm thứ 2 bùng phát hoặc chính phủ chậm dỡ bỏ lệnh cách ly, nhu cầu dầu mỏ thế giới có lẽ sẽ không bao giờ trở lại được như trước đây.
'Nếu làn sóng lây lan lần thứ 2 diễn ra, thậm chí chỉ cần mạnh bằng ¼ so với đợt lây nhiễm đầu, thì nhu cầu dầu mỏ vẫn sẽ rất thấp và chẳng biết bao giờ hồi phục trở lại', Chuyên gia Burkhard nói.
Tồi tệ hơn, chuyên gia Lewis của BNP Paribas cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài tại các nền kinh tế đang phát triển kể cả khi dịch đã chấm dứt. Số lượng người làm việc trực tuyến tại các nền kinh tế này sẽ tăng cao sau khi chứng kiến hiệu quả nhờ dịch Covid-19, qua đó cắt giảm nhu cầu giao thông và dầu mỏ.
Hiện nay, ngành giao thông vận tải chiếm đến gần 50% nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới.
Thậm chí, chuyên gia Lewis nhấn mạnh dịch Covid-19 sẽ tác động tâm lý dài hạn đến khách du lịch và thói quen đi lại của người dân kể cả khi dịch bệnh đã chấm dứt. Bằng chứng rõ ràng nhất là ngành hàng không sẽ chẳng thể trở lại như trước kia và đây là một trong những mảng tăng trưởng chủ chốt của ngành giao thông.
Chính phủ không giúp đỡ
Mặc dù có nhiều lời kêu gọi giúp đỡ cho nền kinh tế hay ngành dầu mỏ nhưng rõ ràng chính phủ các nước cũng đã thấy được tác dụng của việc hạn chế khí thải nhà kính, làm việc online mà vẫn giữ được năng suất.
Điều này đặc biệt đúng tại Châu Âu khi nhiều nước đang cố gắng cắt giảm khí thải, bảo vệ môi trường và tuân thủ hiệp định Paris về ô nhiễm. Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã tuyên bố rằng các động thái bảo vệ môi trường phải được đưa vào trong chương trình đối phó dịch Covid-19.
'Nếu chúng ta đã chứng kiến những tác hại mà dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới thì chúng ta cũng nên khuyến khích mọi người không quên yếu tố bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay', Thủ tướng Merkel nhấn mạnh.
Tại một số thành phố Châu Âu, chính quyền địa phương đã tận dụng dịch Covid-19 nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính. Tại Milan, chính quyền thành phố đã mở rộng không gian cho người đi bộ, xe đạp hơn là diện tích đường cho xe hơi.
Theo chuyên gia Lewwis của BNP Paribas, giá năng lượng sạch đã giảm 70-90% trong 10 năm qua tùy vào từng công nghệ và đây thực sự là một thách thức lớn với ngành dầu mỏ trong tương lai.