Ảnh minh hoạ
Sẽ điều trị tại nhà và tăng cường khám chữa bệnh từ xa
Tình hình dịch COVID-19 tại TP Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh, có ngày lên mức kỷ lục. Đơn cử như ngày 18/11, Hà Nội ghi nhận 277 ca mắc Covid-19, trong đó số ca mắc ngoài cộng đồng tăng kỷ lục từ đầu vụ dịch đến nay (114 trường hợp).
Với tỷ lệ hơn 30% ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Hà Nội sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị Quyết 128 và có xu hướng tiếp tục tăng, PGS. TS Trần Đắc Phu, cho rằng không nên 'quan tâm đến con số này' bởi bây giờ dịch đã sâu trong cộng đồng, không phải thời kỳ giãn cách, trong khi mở cửa đi lại nhiều nên phải chấp nhận có ca mắc trong cộng đồng.
Việc cần làm bây giờ là xác định được các ổ dịch nhiều hay ít, số ca có nhiều quá hay không, có nặng hay không theo Nghị Quyết 128 làm sao không để ca diễn biến quá nặng nhiều lên.
Đánh giá về tình hình dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện 90% dân số Thành phố từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, do đó nếu có mắc bệnh ở nhóm này thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn.
Vì thế, thành phố phân ra 3 tầng điều trị bệnh. Trong đó, những người triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị tại tầng 1 là tuyến cơ sở. Bệnh nhân nặng hơn được điều trị tại các tầng 2, 3 là từ tuyến huyện, tuyến thành phố, thậm chí là ở các bệnh viện Trung ương và bệnh viên tư nhân.
Hà Nội thực hiện việc điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở, đảm bảo người dân được cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hà Nội sẽ thành lập các trạm y tế lưu động; trạm y tế tại xã, phường, thị trấn điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.
Trong tình huống nếu thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, phức tạp với số ca F0 tăng nhanh trong cộng đồng, Giám đốc Sở Y tế hà Nội cho biết – lúc đó Hà Nội sẽ điều trị tại nhà và tăng cường khám chữa bệnh từ xa.
Cụ thể, hệ thống y, bác sỹ sẽ đồng hành để chăm sóc người dân như hình thức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến, cung cấp đầy đủ thuốc, máy móc, trang thiết bị cho y tế cơ sở.
Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở để nắm vững chuyên môn có thể tham gia điều trị, chăm sóc người dân. Trong quá trình thực hiện, ngành Y tế luôn phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương, các chuyên gia để cập nhật phác đồ điều trị mới nhất, sớm nhất cho người dân, hạn chế phải đưa bệnh nhân chuyển tầng điều trị.
Vì sao phải thực hiện thí điểm điều trị F0 tại cơ sở?
Hiện nay TP cho phép điều trị F0 tại cơ sở, tại y tế xã phường là trên nền tảng trạm y tế lưu động cũng như nền tảng trạm y tế xã, phường. Việc điều trị F0 tại cơ sở sẽ giảm số bệnh nhân vào bệnh viện điều trị, chỉ bệnh nhân có mức độ trung bình hoặc nặng mới phải vào cơ sở điều trị, còn số bệnh nhân nhẹ không triệu chứng được điều trị tại y tế cơ sở (trạm y tế, trạm y tế lưu động, phòng khám khu vực). Đây là điểm mới mà Thành phố cho phép.
Trước mắt thành phố triển khai thí điểm ở tại 5 quận huyện gồm: Quận Long Biên (Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn) với quy mô 150 giường; huyện Hoài Đức (Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức) với quy mô 300 giường; huyện Sóc Sơn (Phòng khám đa khoa Minh Phú) với quy mô 200 giường; huyện Thanh Trì (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện) với quy mô 300 giường; huyện Mỹ Đức (trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh) với quy mô 200 giường.
Trao đổi với phóng viên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, đây là hoạt động mới nên chúng ta phải triển khai trước để rút kinh nghiệm khi điều trị F0 tại cơ sở.
Đánh giá việc điều trị F0 ở cơ sở có thuận lợi cho người bệnh, có tâm lý thoải mái hơn khi không phải vào môi trường bệnh viện. Thứ hai là về cơ sở vật chất, bệnh nhân Covid-19 đưa vào bệnh viện sẽ làm quá tải bệnh viện, khi để ở y tế cơ sở sẽ làm giảm tải cho bệnh viện.
'Hiện nay các cơ sở y tế tại địa phương rất đảm bảo, ngay từ trạm y tế xã phường có cơ sở vật chất rất tốt, các phòng khám đa khoa khu vực cũng vậy', ông Tuấn nói.
Tuy nhiên theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội việc triển khai điều trị F0 tại cơ sở cũng có khó khăn nhất định ban đầu. Theo đó, cán bộ y tế cơ sở chưa quen với công tác điều trị Covid.
Vì vậy phải thí điểm, sau đó triển khai mở rộng, từ đó giúp cán bộ y tế cơ sở quen dần với việc điều trị này. Khi họ đã thành thục về chuyên môn sẽ tự tin về chuyên môn và sẵn sàng tiếp nhận điều trị số lượng bệnh nhân Covid tăng lên nhiều.
Một lần nữa ông Tuấn đánh giá đây chỉ là khó khăn ban đầu còn khi để bệnh nhân Covid tại cơ sở rất thuận lợi, trừ trường hợp diễn biến nặng mới điều trị tại bệnh viện.
Lưu ý thêm về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, việc thu dung điều trị F0 không triệu chứng quan trọng nhất đối với y tế cơ sở là có tiếp cận được với bệnh nhân hay không?.
Ví dụ bệnh nhân A mắc Covid- 19 thì sẽ được điều trị, theo dõi như thế nào (khi nào cần đưa đi viện tuyến trên ngay). Quan trọng nhất đối với việc điều trị F0 tại cơ sở là phát hiện sớm để không chuyển nặng.